Ngày 12.11, vịnh Hạ Long vào danh sách 7 kỳ quan mới của thế giới do mạng New 7 Wonders bình chọn. Dù chỉ là trang web tư nhân bình thường, nhưng Việt Nam đã tốn rất nhiều công sức và tiền của mới có được kết quả này. Thôi thì, con nhà nghèo, có thêm danh hiệu là mừng.
Thế nhưng, khi các doanh nghiệp lữ hành đang nỗ lực để nhân cơ hội này quảng bá thêm cho Hạ Long và du lịch VN thì bị choáng váng bởi Quyết định 3620/2011/QĐUBND của tỉnh Quảng Ninh: “Từ 1.12.2011, vịnh Hạ Long sẽ tăng giá vé lên gấp đôi”.
Trả lời báo chí, ông Đỗ Đức Thắng, Phó ban quản lý vịnh Hạ Long, cho biết 3 lý do để tăng giá gấp đôi là: vịnh Hạ Long vừa vào danh sách 7 kỳ quan mới; nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng tiền mất giá, lạm phát leo thang. Trước đây, vịnh Hạ Long được Unesco 2 lần công nhận là Di sản Văn hóa thế giới nhưng đều không tăng giá vé. Lần này chỉ mới vào danh sách là đã tăng gấp đôi. Phải chăng là để “lấy thu bù chi” cho việc lobby và bình chọn Hạ Long trước đó? Việc “tăng giá để tăng chất lượng dịch vụ”, lấy gì để đảm bảo? Còn “lạm phát” thì cả nước chứ không riêng gì Hạ Long.
Ở các nước, việc tăng giá vé như vậy, được chuẩn bị cả năm và báo trước tối thiểu 6 tháng để các công ty lữ hành kịp điều chỉnh dịch vụ và giá thành cho du khách. Còn ở vịnh Hạ Long, Quyết định 3620 được ký ngày 18.11.2011, chỉ 48 giờ sau khi có đề xuất của Sở Tài chính vào ngày 16.11 và có hiệu lực từ ngày 1.12. Không biết việc tăng giá thông qua HĐND tỉnh lúc nào, trước hay sau khi có đề xuất của Sở Tài chính? Với tốc độ này, ai dám bảo thủ tục hành chính ở VN nhiêu khê?!
Quyết định 3620 còn kèm theo bảng phụ lục “ma trận” về các giá vé. Phụ lục có 8 giá vé của 8 tuyến tham quan. Trong mỗi tuyến có từ 1 đến 10 mức giá riêng. Vé được chia làm 3 loại: người lớn, trẻ em, người già. Mỗi loại có 36 giá, cộng chung là 108 loại giá, tương ứng với 108 loại vé khác nhau. Trong khi đó, nhìn sang Campuchia, vé tham quan quần thể Angkor hơn 15 năm qua không hề tăng giá. Cả quần thể rộng hàng trăm km2 với hàng trăm đền thờ, chỉ có 1 loại vé cho 3 dạng: 1 ngày; 2 - 3 ngày (ngày thứ 3 miễn phí); 6 ngày (3 ngày miễn phí). Vé có dán hình, chụp bằng webcam, lấy liền trong 20 giây. Quần thể Angkor miễn phí cho tất cả người Khmer, kể cả những người sinh ở Campuchia nhưng sống ở nước khác và không biết tiếng Khmer. “Đó là di sản tổ tiên người Khmer để lại cho con cháu thừa hưởng nên chỉ người nước ngoài mới phải mua vé”. Một cách nghĩ độc đáo và một cách làm đầy tính nhân văn. Campuchia nghèo hơn VN nhưng ngành du lịch thì ăn đứt về sự ổn định quy hoạch và chất lượng dịch vụ.
Ở nhiều nước, việc quy định giá vé tham quan do Bộ Du lịch và Hiệp hội Du lịch, nhằm tránh sự tùy tiện. Việc giao cho từng địa phương quy định thể hiện sự bất cập về quản lý của du lịch VN và tạo tiền đề xấu nếu không được kịp thời chấn chỉnh. Theo chúng tôi biết, hiện nhiều nơi, trong đó có Hà Nội, đang chuẩn bị “đồng khởi” tăng giá các điểm tham quan... Nếu điều này trở thành hiện thực thì lại thêm đòn chí mạng đánh vào “tử huyệt” của ngành du lịch VN, lâu nay vốn đã ốm yếu và lép vế so với các nước trong khu vực.
Nguyễn Văn Mỹ
(Ủy viên BCH Hiệp hội Lữ hành VN)
Bình luận (0)