Vốn chính sách góp phần xóa đói giảm nghèo ở Thanh Chương

14/11/2022 09:00 GMT+7

Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã luôn đồng hành, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Vay vốn NHCSXH đầu tư phát triển kinh tế

Ở xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, chị Phạm Thị Xuân được biết đến là tấm gương nỗ lực vượt khó phát triển kinh tế hộ. Năm 2018, chị vay vốn NHCSXH 50.000.000 đồng để mua bò và năm 2020, chị được vay thêm 50.000.000 đồng để đầu tư nuôi 20 con dê sinh sản, 3 con lợn nái rừng. Hiện nay, đàn dê sinh trưởng tốt, có 16 dê nái sắp đẻ. Đối với lợn rừng đã sinh sản 20 con, gia đình đang chăm sóc đảm bảo phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Chị Xuân cho biết: “nhờ sự quan tâm của NHCSXH, gia đình tôi có điều kiện tiếp cận vốn vay với thời hạn dài, lãi suất ưu đãi, được hướng dẫn cách đầu tư chăn nuôi sinh lợi. Hiện nay, từ chăn nuôi lợn, gà, dê cho thu nhập hơn 100.000.000 đồng/năm, ngoài ra, gia đình còn trồng chè. Chúng tôi biết ơn và trân trọng những đồng vốn của NHCSXH, giúp những người dân nghèo như chúng tôi vươn lên”.

Mô hình trồng cam, bưởi, chè kết hợp chăn nuôi trâu bò của hộ anh Lương Thanh Tuyền ở bản Chà Coong, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An

Thêm hộ nghèo ông Lương Thanh Tuyền ở bản Chà Coong, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương cho biết: “Năm 2020, sau khi đã thoát hộ nghèo vươn lên hộ cận nghèo, tôi tiếp tục được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay 100.000.000 đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của NHCSXH huyện để đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Không dừng lại ở đó, năm 2021, tôi thuê thêm 12.000m² đất để mở rộng diện tích chè công nghiệp. Tổng diện tích chè hiện tại của gia đình tôi là 17.000m² đã được thu hoạch, trung bình thu được 8 tấn chè mỗi vụ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm”. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Thanh Chương từ 5.800.000 đồng/người/năm (2002) lên 43.700.000 đồng/người/năm (2021) (tăng 7,5 lần), giảm tỷ lệ hộ nghèo ở huyện cuối năm 2021 còn 5%.

Hỗ trợ mức vay tối đa cho hộ nghèo

Theo báo cáo 20 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định 78 của NHCSXH huyện Thanh Chương: từ 2 chương trình tín dụng đầu tiên, với dư nợ 22 tỉ đồng, đến nay, toàn huyện đã triển khai thêm 17 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ đạt hơn 746 tỉ đồng. Đến tháng 8.2022, doanh số cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH huyện đạt hơn 2.597 tỉ đồng, với gần 95.000 lượt khách hàng được vay vốn. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2002 - 2022 là 21%/ năm. Mức cho vay bình quân/hộ ngày càng tăng, từ 3.100.000 đồng/hộ (năm 2003) lên 57.900.000 đồng/hộ (năm 2022). Phó giám đốc NHCSXH huyện Thanh Chương Dương Lê Long cho biết: để chuyển tải nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người vay, NHCSXH huyện luôn chú trọng thực hiện tốt phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua 4 tổ chức chính trị - xã hội, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân. Đồng thời thiết lập mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở… Những năm gần đây, tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH huyện Thanh Chương luôn chiếm trên 99% trong tổng dư nợ của đơn vị. Cùng với đó, tại các thôn, xóm, vai trò của trưởng xóm trong việc trực tiếp chứng kiến và giám sát công tác bình xét cho vay; thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được chú trọng và mang lại hiệu quả rất thiết thực. Chất lượng tín dụng nhờ đó được nâng cao, thể hiện qua tỷ lệ nợ quá hạn từ nhiều năm nay chỉ còn trên 0,1% tổng dư nợ, và đến thời điểm này đã hạ xuống 0,05% trên tổng dư nợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.