Đó là trăn trở của nhiều đại biểu (ĐB) sinh viên tại diễn đàn với chủ đề: Sinh viên khởi nghiệp, lập nghiệp, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, diễn ra chiều 19.12, tại Học viện Ngân hàng (Hà Nội).
Giới thiệu dự án khởi nghiệp đến các quỹ đầu tư
ĐB Huỳnh Tấn Đạt, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc, chia sẻ dự thảo văn kiện nhắc tới việc triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025", đã được TTCP phê duyệt tại Quyết định 1665/QĐ-TTg 2017.
Theo đề án thì có 3 nguồn vốn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp gồm: hỗ trợ từ các cơ sở giáo dục, đào tạo; xây dựng quỹ hỗ trợ sinh viên trong nhà trường từ nguồn xã hội hóa; từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án được hình thành từ ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên.
Tuy nhiên, ĐB Đạt kiến nghị, văn kiện nên làm rõ hơn về phương thức, điều kiện để sinh viên có thể tiếp cận được các nguồn vốn này. "Lý do tôi nhấn mạnh vào vấn đề vốn khởi nghiệp, bởi theo tôi đây là yếu tố quan trọng bậc nhất, cũng là rào cản chính trên con đường khởi nghiệp của các bạn sinh viên", ĐB Đạt bày tỏ.
Cũng theo ĐB Đạt, du học sinh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn khởi nghiệp tại nước ngoài. Trong khi đó, căn cứ theo 3 nguồn vốn nêu trên, du học sinh chỉ có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức nằm ngoài cơ sở giáo dục. Theo đó, đại diện Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc bày tỏ mong muốn T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam - đại diện tiếng nói cho sinh viên Việt Nam ở cả ngoài nước, thông qua các cơ quan có thẩm quyền, gửi tiếng nói tới các cơ sở giáo dục quốc tế (đại học, cao đẳng) để có những cơ chế đặc thù hỗ trợ du học sinh Việt Nam về vốn hoặc giới thiệu ý tưởng của sinh viên đến tới các tổ chức, quỹ đầu tư.
Bên cạnh đó, ĐB Đạt cho rằng, Việt Nam đã thành lập mạng lưới đổi mới sáng tạo với nhiều quốc gia trên thế giới như: Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức…. "T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam cần có chủ trương kết nối du học sinh tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của những mạng lưới này để có thể tiếp cận được với các chuyên gia, học hỏi kinh nghiệm, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các nước", ĐB Đạt kiến nghị.
Quan tâm đầu tư, ứng dụng dự án khởi nghiệp
Còn theo ĐB Tôn Thất Lê Hoàng Thiện, Phó chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Huế (Thừa Thiên - Huế), để thúc đẩy hệ khởi nghiệp trong sinh viên cần quan tâm chất lượng, đầu tư cho các ý tưởng, dự án ứng dụng và thực tế.
Hiện nay, các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên đã có sự thay đổi về bản chất, hướng tới nguyên lý cơ bản của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là giải quyết các vấn đề của xã hội đang gặp phải. Chính vì thế, tính khả thi của ý tưởng rất tốt nhưng khó nhất vẫn là vốn đầu tư để thành sản phẩm ra thị trường.
ĐB Tôn Thất Lê Hoàng Thiện nhấn mạnh để khởi nghiệp, điều kiện tiên quyết cần có vốn. Nhưng vốn ở đây bao gồm: tài chính, giáo dục, mối quan hệ và uy tín. Trong đó, nguồn vốn giáo dục cực kỳ quan trọng. Từ kinh nghiệm của ĐH Huế, ĐB Hiệp cho rằng, doanh nghiệp là một trong những nguồn để vận động. Để hỗ trợ, kết nối đầu tư cho khởi nghiệp, các trường học cần tăng cường hợp tác, xây dựng cơ chế thương mại hóa kết nối doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp…
Cũng theo PGS - TS Nguyễn Thanh Phương, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, để khuyến khích sinh viên khởi nghiệp thì yếu tố đầu tiên là sự ủng hộ, tạo điều kiện từ các trường. Trong đó, trường học phải là cầu nối, thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào các hoạt động khởi nghiệp. "Các doanh nghiệp sẽ trực tiếp hỗ trợ cho sinh viên về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp thậm chí sẵn sàng rót vốn đầu tư cho các dự án, ý tưởng khởi nghiệp tốt", ông Phương nói.
Bình luận (0)