TP.HCM dẫn đầu
Theo Cục đầu tư nước ngoài Bộ KH-ĐT, 7 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 16,2 tỉ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 11,5 tỉ USD, tăng nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Về xuất khẩu, tính cả dầu thô của khu vực ĐTNN ước đạt gần 143 tỉ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ, chiếm 73,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt hơn 142 tỉ USD, giảm 10,4% chiếm 73,1% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Về nhập khẩu của khu vực ĐTNN ước đạt hơn 117 tỉ USD, giảm 16,5% so cùng kỳ và chiếm 64,3% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm trong 7 tháng đầu năm 2023, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu hơn 26,7 tỉ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 25,6 tỉ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 13,7 tỉ USD.
Tính đến ngày 20.7, cả nước có 37.839 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 452,7 tỉ USD. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 285,5 tỉ USD, bằng 63,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Theo ngành, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 271,2 tỉ USD. Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với gần 67,2 tỉ USD); sản xuất, phân phối điện với hơn 38,4 tỉ USD.
Hiện có 143 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 83,1 tỉ USD (chiếm 18,4%). Singapore đứng thứ hai với gần 72,9 tỉ USD (16,1%). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông…
Theo địa bàn, ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP.HCM là địa phương dẫn đầu trong thu hút ĐTNN với hơn 57 tỉ USD (chiếm 12,6%); tiếp theo là Bình Dương với hơn 40 tỉ USD (gần 8,9%); Hà Nội với gần 39,3 tỉ USD (gần 8,7%).
Thị trường bất động sản nội chờ dòng vốn ngoại
Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài hơn 320 triệu USD trong 7 tháng
Trong 7 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và điều chỉnh đạt hơn 320,6 triệu USD (bằng 89,4% so với cùng kỳ 2022).
Trong đó, có 69 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký đạt gần 149,2 triệu USD (bằng 47,5% so với cùng kỳ 2022); có 17 lượt dự án điều chỉnh với tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 174,4 triệu USD (gấp 3,8 lần so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 13 ngành. Trong đó, bán buôn, bán lẻ dẫn đầu với 20 dự án đầu tư mới và 5 lượt điều chỉnh vốn, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 148,6 triệu USD. Ngành thông tin truyền thông đứng thứ hai với hơn 109,3 triệu USD, tiếp theo là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; tài chính ngân hàng;…
Có 22 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023. Dẫn đầu là Canada với 1 dự án đầu tư mới và 1 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 150,2 triệu USD, chiếm 46,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Singapore, Lào, Cuba,…
Đến 20.7, Việt Nam đã có 1.655 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn hơn 22 tỉ USD.
Trong đó, có 141 dự án của các doanh nghiệp có vốn nhà nước, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài gần 11,67 tỉ USD, chiếm 53% tổng vốn đầu tư cả nước. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,7%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,6%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (24,4%); Campuchia (13,4%); Venezuela (8,3%);…
Bình luận (0)