Ngày 5.11, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) tổ chức buổi họp báo về tình hình hoạt động các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN) đến quý 3 và kế hoạch trọng tâm quý 4 năm 2020. Sau 3 năm, đây là lần đầu tiên Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM tổ chức lại họp báo định kỳ thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, thông tin, trong 10 tháng, tổng vốn đầu tư thu hút kể cả cấp mới và điều chỉnh đạt gần 592 triệu USD, tăng 18,4% so với kế hoạch của năm là 500 triệu USD và tăng 7,2% so cùng kỳ. Trong khi số vốn đầu tư nước ngoài trong 10 tháng đạt 270,67 triệu USD, giảm hơn 19% so cùng kỳ thì vốn đầu tư trong nước tăng mạnh.
Trong 10 tháng, tổng vốn đầu tư trong nước vào các KCX - KCN đạt hơn 321 triệu USD (tương đương hơn 7.439 tỉ đồng), tăng 47,6% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 46 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.811 tỉ đồng (gần 251 triệu USD), tăng gần 30% so cùng kỳ; 32 dự án tăng vốn với vốn điều chỉnh tăng hơn 1.628 tỉ đồng (khoảng 70,33 triệu USD), tăng gấp 2,91 lần so cùng kỳ.
Đáng lưu ý, trong đại dịch, có nhiều dự án đầu tư mới tập trung vào ngành công nghiệp dịch vụ. Cụ thể là đầu tư xây dựng nhà xưởng cho thuê, hoặc mua lại nhà xưởng cũ, đầu tư làm kho cho thuê, logistic của các công ty phát triển hạ tầng. Có 2 nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực này, nhưng có 1 dự án đầu tư logistic 80 triệu USD của Công ty cổ phần SG Logistic (thuộc Tập đoàn BW - Hà Lan) tại KCN Tân Phú Trung. Đặc biệt, đại diện Phòng quản lý đầu tư thuộc HEPZA thông tin, trong thời gian qua, có một số doanh nghiệp do ảnh hưởng Covid-19 đã thu hẹp sản xuất, có nhà xưởng để trống đã đăng ký bổ sung chức năng cho thuê một phần hoặc cho thuê toàn bộ nhà xưởng… 10 tháng, có 8 doanh nghiệp bổ sung chức năng cho thuê nhà xưởng (tăng 3 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm ngoái).
Ông Hứa Quốc Hưng cho biết, hiện các doanh nghiệp vẫn chưa phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh hoàn toàn. Trong khó khăn do đại dịch, nhiều dự án bị ảnh hưởng tiến độ triển khai, khó khăn trong huy động vốn, chuyên gia nước ngoài… nên Ban quản lý đã xem xét chấp thuận giãn tiến độ 34 dự án.
Từ tháng 4 và tháng 5, doanh nghiệp sụt giảm sản xuất kinh doanh 50%, từ tháng 9 đến nay phục hồi tăng lên 75 - 80%. Hy vọng với tình hình kiểm soát được dịch bệnh như hiện nay, đến cuối năm sẽ phục hồi tốt. Đại diện cho các doanh nghiệp trong các KCX - KCN, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho rằng, để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, cần giãn thời gian nộp thuế lên 10 tháng hoặc 1 năm bởi thực tế giãn 5 tháng là không có ý nghĩa. Thứ hai là rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính để nhà đầu tư thuận lợi hơn, đặc biệt các thủ tục về đất đai…
Bình luận (0)