Vốn FDI duy trì đà tăng tốt

Nguyên Nga
Nguyên Nga
04/09/2023 04:55 GMT+7

Trái ngược với nỗi lo dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) gặp khó khăn do tăng trưởng từ nhiều nền kinh tế lớn chững lại, vốn FDI vào VN ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan, trong đó, sự xuất hiện của các "đại bàng".

Vốn từ Trung Quốc tăng hơn 90%

Thêm 1,91 tỉ USD vốn FDI đổ vào VN trong tháng 8, nâng tổng vốn FDI 8 tháng của năm vọt lên 18,15 tỉ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài đã tăng 8,2%.

Vốn FDI duy trì đà tăng tốt - Ảnh 1.

Vốn FDI vào VN ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan

Ngọc Thắng

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã có 1.924 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 8,87 tỉ USD trong 8 tháng qua, tăng gần 70% về số dự án và tăng gần 40% về số vốn so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt hơn 4,53 tỉ USD, tăng gần 23% về số lượt dự án điều chỉnh và giảm gần 40% về số vốn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vốn nước ngoài góp, mua cổ phần trong 8 tháng qua lại tăng vọt 4,47 tỉ USD, tương đương tăng gần 63% vốn, giảm 6,5% về lượt giao dịch.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, những ngành thuộc tốp hấp dẫn vốn FDI nay đã lấy lại phong độ, một số có dấu hiệu khởi sắc mạnh mẽ. Dẫn đầu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 13 tỉ USD, chiếm gần 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 14,7% so với cùng kỳ. Thứ 2 là đầu tư kinh doanh bất động sản. Sau nhiều tháng giảm sút, nay vốn FDI vào lĩnh vực này đã khởi sắc hơn, vươn lên vị trí thứ 2 với 1,76 tỉ USD, chiếm gần 10% tổng vốn đăng ký. Thứ 3 là ngành tài chính - ngân hàng với 1,54 tỉ USD, tăng gấp 63,7 lần; khoa học công nghệ xếp thứ 4 với tổng vốn đăng ký đạt gần 800 triệu USD, tăng gần 29%...

Đến nay, đã có 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại VN. Trong đó, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn như Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan. Cụ thể, Singapore tiếp tục dẫn đầu với 3,83 tỉ USD, chiếm hơn 21% tổng vốn FDI vào VN; thứ 2 là Trung Quốc với gần 2,7 tỉ USD, chiếm 15% tổng vốn, đặc biệt dòng vốn từ nước láng giềng này đã tăng hơn 90% trong 8 tháng qua và trở thành quốc gia dẫn đầu về số dự án mới trong 8 tháng qua; kế đó là Nhật Bản với 2,58 tỉ USD, tăng hơn 83% so cùng kỳ.

Đặc biệt, một số địa phương khu vực miền Trung thuộc vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, không có lợi thế về hạ tầng, vị trí lại nổi lên như vùng đất "hứa", được các "đại bàng" trên thế giới hạ cánh và đã xây tổ trị giá hàng trăm triệu USD. Trong đó, phải kể đến tỉnh Nghệ An, nơi có hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động, với hơn 30.000 lao động đã qua đào tạo. Thời gian qua, Nghệ An liên tục tiếp nhận các dự án với số vốn đầu tư lớn như: Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare - ICT (140 triệu USD); nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (500 triệu USD); dự án sản xuất linh kiện điện tử của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam (199,8 triệu USD); dự án nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô Ju Teng (200 triệu USD). 

Foxconn hiện là đối tác hàng đầu của hãng Apple mới đây cũng đã quyết định đầu tư dự án với tổng số vốn 100 triệu USD tại Khu công nghiệp WHA Nghệ An. Mới đây, dự án sản xuất thanh silic và đĩa bán dẫn của Công ty Runergy PV Technology Co., Ltd tại Nghệ An cũng điều chỉnh vốn đầu tư từ 293 triệu USD lên 440 triệu USD. Đây là dự án khởi đầu trong chuỗi kế hoạch đầu tư tại VN của tập đoàn này, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn vào VN lên 1,2 - 1,4 tỉ USD. Nghệ An cũng gần cán mốc 1 tỉ USD vốn FDI trong năm nay.

Tương tự, Bình Định cũng vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 công ty Hàn Quốc gồm Han Hwang Ind Co., Ltd và Shin Shin Machinery Co., Ltd tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định. Dự án có tổng vốn đầu tư 5,1 triệu USD, chuyên sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ ô tô. Trước đó, Tập đoàn KURZ (Đức) cũng đã khởi công xây dựng dự án 40 triệu USD tại Khu công nghiệp Becamex Bình Định, dự kiến hoàn thành trong tháng 9 năm nay.

Vốn FDI duy trì đà tăng tốt

Vốn thực hiện lên cao nhất trong 5 năm qua

Đáng lưu ý, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, trong 8 tháng, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài cũng duy trì đà tăng mạnh, ước khoảng 13 tỉ USD, tăng hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là số vốn FDI thực hiện cao nhất so cùng kỳ trong 5 năm qua.

Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận xét VN là một trong 20 nền kinh tế có kim ngạch ngoại thương lớn nhất thế giới, có 16 hiệp định thương mại tự do song và đa phương, trong đó có những hiệp định mang tầm ảnh hưởng rộng, toàn diện. Và VN cũng là một trong những điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI. Dòng vốn FDI sẽ tiếp tục được phục hồi mạnh mẽ, kể cả bất động sản. 

"Đặc biệt, vốn thực hiện tăng cho thấy tín hiệu tích cực, nhà đầu tư không còn kế hoạch hay nghe ngóng nữa mà bắt đầu triển khai quyết liệt hơn. Quan sát nguồn vốn ngoại đang đổ vào VN cho thấy, dòng vốn đổ vào lĩnh vực chế biến, chế tạo tăng mạnh, TP.HCM - địa phương đang giảm lợi thế vì quỹ đất hạn hẹp - nay lại nổi lên như địa chỉ thu hút vốn FDI trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chiếm đến 50% tổng vốn đăng ký điều chỉnh. Việc thu hút vốn FDI đầu tư vào các ngành sử dụng hàm lượng chất xám cao tại TP.HCM hoàn toàn phù hợp với định hướng trong thu hút vốn FDI là ít thâm dụng lao động, thân thiện môi trường. Tương tự, vốn trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn đổ vào các tỉnh miền Bắc, miền Trung… chứng tỏ vốn ngoại vào VN đang có những chiều hướng tốt, phân bố đều hơn. Đặc biệt, vốn vào bất động sản đang đứng thứ 2 cho thấy tín hiệu phục hồi từ lĩnh vực này. Nếu các chính sách "gỡ vướng" cho ngành bất động sản được thực thi quyết liệt, thị trường bất động sản sẽ phục hồi. Theo đó, vốn FDI đổ vào lĩnh vực này sẽ tăng lên", ông Chinh phân tích.

Vốn FDI duy trì đà tăng tốt - Ảnh 2.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, FDI toàn cầu được dự báo sẽ tăng, nhưng cạnh tranh thu hút FDI ngày càng trở nên khốc liệt. Các nỗ lực thu hút vốn FDI tại địa phương cần phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Chúng ta nói nhiều về cải cách thể chế, cụ thể trong đó là cắt giảm các điều kiện kinh doanh, những manh nha xuất hiện giấy phép con… các thủ tục của nhà đầu tư nên được quản lý, thực hiện về một cửa, tránh tạo cơ hội để công chức, viên chức địa phương lạm dụng cửa quyền, loại bỏ ngay và luôn các chi phí phi chính thức. Qua trao đổi với các nhà đầu tư, tình trạng này vẫn còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, đẩy nhanh thay đổi về cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Ông Vũ Quốc Chinh khuyến nghị: "Thời gian không chờ chúng ta, cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, tập trung thu hút dòng vốn xanh, có công nghệ tiên tiến, sớm có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, ổn định nguồn điện, tránh để vấn đề thiếu điện xảy ra gây lo lắng cho nhà đầu tư…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.