Các nhà đầu tư và doanh nghiệp thế giới đã rút 735 tỉ USD ra khỏi thị trường mới nổi trong năm qua. Đây là mức vốn thoái tồi tệ nhất trong vòng 15 năm trở lại đây.
Ảnh: Reuters |
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF) - một viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington (Mỹ), con số trên gần gấp 7 lần số vốn thoái được ghi nhận vào năm 2014.
Trung Quốc là nước có dòng vốn chảy ra cao nhất với 676 tỉ USD rời khỏi các thị trường nước này. IIF cho rằng giới đầu tư sẽ rút tiếp 348 tỉ USD từ các nước đang phát triển trong năm nay.
Cổ phiếu tại các thị trường mới nổi đang giao dịch ở quanh mức thấp nhất kể từ tháng 5.2009 và một thước đo của 20 loại tiền tệ đã giảm xuống mốc kỷ lục. Các nhà đầu tư rời bỏ tài sản Trung Quốc, Nga và Brazil do giá cả hàng hóa lao dốc và lo ngại về mức tăng trưởng suy yếu của Đại lục. Chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay, 31 thị trường đang phát triển lớn nhất thế giới đã mất tổng cộng 2.000 tỉ USD giá trị chứng khoán.
“Chúng tôi cho rằng dòng vốn thoái khỏi các thị trường mới nổi là có lợi cho khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản. Giới đầu tư bị thu hút hơn ở những khu vực này”, chuyên gia Ibra Wane tại Amundi Asset Management, hãng quản lý khoảng 1.000 tỉ USD tài sản cho biết.
Chuyên gia Wane cho hay sự chuyển dịch trong dòng chảy vốn là kết quả của những thay đổi trong chính sách tiền tệ, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập niên vào tháng 12.2015. Đây là một phần nguyên nhân khiến tiền tệ các thị trường mới nổi biến động.
Tất cả 25 nội tệ của các thị trường mới nổi được Bloomberg theo dõi đã giảm giá so với đô la Mỹ trong năm qua. Peso của Argentina, real của Brazil và rand của Nam Phi là những đồng tiền chịu ảnh hưởng lớn nhất. Báo cáo của IIF cho hay Brazil, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước đang nằm trong nguy cơ tiếp tục chịu luồng vốn thoái đáng kể.
Bình luận (0)