Vòng eo 56: 'Ngọc Trinh được như thế mới đáng nói'

08/04/2016 19:08 GMT+7

Phải hơn một thập niên trôi qua, Vũ Ngọc Đãng mới làm người ta nhớ về một đạo diễn từng được đánh giá cao trên địa hạt màn ảnh rộng. Như đã nói, là màn ảnh rộng chứ không phải phim truyền hình.

Phải hơn một thập niên trôi qua, Vũ Ngọc Đãng mới làm người ta nhớ về một đạo diễn từng được đánh giá cao trên địa hạt màn ảnh rộng. Như đã nói, là màn ảnh rộng chứ không phải phim truyền hình.

Cũng như bao lần khác, Vũ Ngọc Đãng dường như luôn mang một cái áp lực vô hình nào đấy cho mỗi tác phẩm của anh, ví như cái áp lực phải tranh thủ độ nóng của cặp đôi diễn viên trong Đẹp từng centimet, cái áp lực về kinh phí sản xuất thể hiện qua những màn quảng cáo vô tội vạ trong Con ma nhà họ Vương hay cái áp lực về thứ gọi là ngôn ngữ điện ảnh khiến Đãng nhiều lúc phải gồng lên trong Hot boy nổi loạn. Dùng con mắt thị phi để nhìn thì với tác phẩm lần này, áp lực của Đãng chính là Ngọc Trinh vậy. Nhắc đến Ngọc Trinh là nhắc đến xì căng đan. Nhưng, xin nhớ cho rằng, thế giới điện ảnh hào nhoáng có thể nhiều tai tiếng lẫn danh tiếng, song thời lượng hơn chín mươi phút của một cuốn phim chưa bao giờ là chốn dung thân của thị phi. Nếu muốn bàn về Ngọc Trinh, hãy để Ngọc Trinh là một chủ thể riêng, đừng lấy những câu chuyện chung chạ với chất lượng một cuốn phim. Trong mắt những người yêu điện ảnh thực tâm, theo dõi điện ảnh Việt Nam và quá trình làm nghề của Vũ Ngọc Đãng, có thể nói, điều duy nhất họ đòi hỏi ở Đãng không phải là việc anh thay đổi hình ảnh Ngọc Trinh như thế nào, mà chính là hình hài cuốn phim của anh ra sao. Thế nên, dựa trên quan điểm này, khẳng định rằng người chịu trách nhiệm cao nhất cho Vòng eo 56 không ai khác mà chính là Vũ Ngọc Đãng.
 Không sử dụng bất kỳ thủ thuật gì đặc biệt, Vũ Ngọc Đãng kể câu chuyện Vòng eo 56 tự nhiên như bản chất của nó
Vòng eo 56 có một câu chuyện không mấy đặc biệt với một cấu trúc kịch bản ba hồi thường thấy. Một cô gái xuất thân vùng quê nghèo. Vì muốn giúp cha mẹ trả nợ, cô và các anh chị của mình quyết tâm lên Sài Gòn - được miêu tả như một "Giấc mơ Mỹ" thu nhỏ của những con người nhà quê - kiếm sống. Nhưng theo lẽ thường, chẳng có con đường nào rải đầy hoa hồng cả, mà nếu có thì chân cũng toạc máu vì những mũi gai. Ban ngày, cô gái ấy làm việc ở quán bi-a và ban đêm cô làm người mẫu hạng C biểu diễn bikini ở quán bar. Thế giới người mẫu ấy cũng có ba bốn loại, kẻ làm gái, người trong sạch. Nhân vật chính đương nhiên thuộc tuyến lương thiện. Dù trên đường cô đi có muôn vàn cạm bẫy và cái giá để trượt vào cạm bẫy ấy không hề rẻ, từ 5 ngàn đô la Mỹ cho đến 30 ngàn đô la Mỹ, kiểu gì cũng có, thì nhân vật chính vẫn không bị lung lay. Không biết do phẩm chất tốt (như rất nhiều nhân vật cổ tích: Tấm, Lọ Lem…, mà nhân vật cổ tích đương nhiên phải kết thúc có hậu) hay thánh nhân đãi kẻ khù khờ (phim có nhấn mạnh đến ý này), cuối cùng, cô gái đã gặp được hoàng tử của đời mình. Thật ra, Vòng eo 56 đích thị là một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Phần "cổ tích" thì đã nói ở trên rồi, còn phần "hiện đại" nằm ở cái kết của tác phẩm, và cũng chính là điểm sáng trong lối kể chuyện của Vũ Ngọc Đãng. Nếu Đãng chịu khó kiên nhẫn hơn chút, nuôi dưỡng thêm cảm xúc cho nhân vật trước khi bỏ lửng đời cô ta ở đó thì có lẽ người xem sẽ cảm nhận sâu sắc nỗi chua chát và hoang mang của cô ta hơn. Nhưng dù thế thì vẫn không thể phủ nhận, chính cái kết đã cứu lại một phần ba cuối phim - những phân đoạn yêu đương của nhân vật nữ và chàng hoàng tử của cô ta, cũng như đã để lại nhiều dư vị đẹp đẽ khi phim khép lại.
Các cảnh trong phim trở nên hết sức sống động qua từng khung hình mà Vũ Ngọc Đãng tạo ra
Đấy, câu chuyện Vòng eo 56 nếu đem kể miệng thì nhàn nhạt vô cùng, ấy vậy mà, chính khi kể những cái sự ít đặc biệt nhất trong cái tổng thể không đặc biệt kia, qua những khung hình của mình, Vũ Ngọc Đãng đã làm nó trở nên hết sức sống động. Ở một phần ba đầu phim, không cần dài dòng, Đãng đã vẽ nên bức tranh miền Tây đầy xúc động và chân thật. Trong bức tranh của mình, Đãng sử dụng con người - nhân vật Ngọc Trinh và những con người xung quanh cô mới làm màu sắc chính, thay vì sa đà vào ruộng lúa sông nước như một vài phim từng mắc phải. Thứ duy nhất mà Đãng có vẻ lạm dụng hơi nhiều là những cơn mưa. Dẫu biết mưa luôn là một "nhân vật" ngoài việc tăng kịch tích cho truyện ngôn tình còn tô đậm thêm vẻ nghèo khổ cho những trường hợp như gia đình Ngọc Trinh trong Vòng eo 56, nhưng sự lạm dụng này khiến Đãng tự hạn chế đưa hình ảnh đi sâu vào tâm trí khán giả. Hơi ngoài lề một chút, còn nhớ trong phim Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần có một hình ảnh cực kỳ ấn tượng. Đó là cảnh nhân vật nôn ra nước sông, đục ngầu và đầy cặn. Mọi người hẳn sẽ bị ám ảnh cảnh ấy nếu nó không được tái sử dụng đến lần thứ ba. Tương tự thế, đoạn chuyển cảnh lúc bốn chị em Trinh lớn lên, từ bốn đứa trẻ nằm nghe truyện cổ tích xong ngủ ngon lành sang bốn thiếu niên giật mình thức dậy giữa đêm, cũng trên chiếc giường đó, trong căn nhà rách nát đó, vì mưa dột sẽ là hình ảnh đắt giá nhất và ấn tượng nhất nếu Đãng không chia sẻ cơn mưa xối xả với những phân đoạn sau này.
Một phần ba đầu phim, Vũ Ngọc Đãng đã kể rất tốt câu chuyện của những con người nghèo khổ, đông con, nợ nần và mặc cảm. Không cần gom quá nhiều nhân vật phụ và nhiều mảnh đời khác nhau, bức tranh của Đãng vẫn cứ sinh động chỉ thông qua gia đình Ngọc Trinh và những nhân vật vô tình lướt qua bức tranh ấy: Một cô gái ăn diện tân thời ngồi quán bún riêu nơi Ngọc Trinh làm thêm rủ rê cô đi bán bia ôm, một chủ nợ kiêm mối giới lấy chồng Đài Loan dữ tợn, những người lao động tay chân hài lòng với hiện tại của mình, và những người mơ về vùng đất hứa… Không sử dụng bất kỳ thủ thuật gì đặc biệt, Đãng kể câu chuyện đó tự nhiên như bản chất nó. Quá lâu rồi từ thời Những cô gái chân dài mới bắt gặp lại sự tự nhiên như hơi thở trong những thước phim điện ảnh của Đãng, không sắp xếp, không lên gân, không kể lể. Có một số phân đoạn Đãng khiến người ta phấn khích vì khả năng xử lý của anh, điển hình là đoạn Ngọc Trinh bị vấp té lúc bưng bún riêu và đoạn cô ta lao vô đám chủ nợ đang đánh cha mẹ và chị gái của mình.
Diễn xuất là một thành công lớn của Vòng eo 56. Nhiều người xem phim rất ngạc nhiên xen lẫn thích thú về cách diễn xuất của các tay ngang như Ngọc Trinh, Minh Triệu...
Có những tác phẩm mà tài năng và hạn chế của người đạo diễn đồng thời được phô bày rõ mồn một. Vòng eo 56 một lần nữa khẳng định được cái tạng của Vũ Ngọc Đãng, những thứ đã làm nên tên tuổi anh từ thời kỳ đầu mới làm phim. Đãng rất hợp với những cảnh nghèo khổ (xuất hiện trong hầu hết các phim của Đãng) và sự bát nháo (nhất là điểm này, không phải ai cũng xử lý tốt như anh). Tuy nhiên, không phải cái nghèo cái khổ nào cũng được anh kể cuốn hút như Vòng eo 56. Một phần ba nối tiếp, tức là khi Ngọc Trinh đã lên Sài Gòn và bước chân vào con đường người mẫu, không khí của Những cô gái chân dài năm nào ập đến, và cả sự tươi mới của nó. Cảnh biểu diễn bikini, cảnh công an "thăm hỏi" và cấm diễn, cảnh xung đột của những người đàn bà…, đem đối chiếu với Những cô gái chân dài, ta sẽ thấy được sự thay đổi và lớn hơn của những sàn diễn trong quán bar và cái giá (đích thực là cái giá - bằng tiền Việt, hay đô la Mỹ). Thế giới chân dài trong phim Đãng đã có thêm những cuộc thi ao làng. Bằng con mắt nhìn luôn dành nhiều đồng cảm cho những xuất thân nghèo khó, cuộc thi ao làng được Đãng dàn dựng mang nhiều sự thú vị, đương nhiên nếu muốn tìm chút bẽ bàng trong đó cũng không phải là chuyện khó. Một nỗi xúc động mang tính cá nhân, là việc thấy cái chất Vũ Ngọc Đãng xuất hiện trở lại trên màn ảnh rộng, sau đúng một con giáp, để ghi nhận sự tồn tại của mình ở một nơi mà quy luật đào thải không chừa một ai. Cái chất ấy chẳng phải là gì to tát, kiểu cú máy dài bất tận hay slow - motion gì. Đãng chỉ từ tốn kể chuyện, nhìn nhận sự việc đúng với bản chất của nó một cách bình tĩnh, chứ không hoặc gồng mình căng cứng, hoặc vội vã thỏa hiệp. Bấy nhiêu là đủ chạm vào người xem rồi. Đấy là nói về tài năng. Còn hạn chế, riêng mảng miếng tình yêu, tốt nhất là anh nên lướt qua nó, càng nhanh càng tốt. Người ta bảo do Trinh đang diễn lại cuộc đời mình, và như cô từng tâm sự rằng tám năm nay chỉ hôn một người nên dĩ nhiên khi diễn cảnh yêu đương với người khác, Trinh có phần gượng gạo. Tôi không nghĩ thế. Theo dõi phim của Đãng, thiết nghĩ, tình yêu là điểm yếu muôn thuở của anh. Đãng nhạy bén và sâu sát về chân dài thế nào thì anh lại xa lạ với tình yêu thế nấy. Tình yêu qua ống kính của Đãng, cho tới tận Vòng eo 56, vẫn cứ là những lời nói và khuôn mặt nhăn nhúm ra vẻ đau khổ. Tình yêu đâu phải cứ tỏ ra? Thế nên, cái dở của một phần ba cuối phim, trước khi được đoạn kết cứu rỗi, nhất định không phải vì Đãng và Trinh không chịu xoáy vô những ồn ào trong cuộc sống của Trinh (có thì càng hấp dẫn), con đường đi đến "queen of bikini" (trên phim) của Trinh thay vì lan man câu chuyện yêu đương. Cái dở là Đãng vẫn không cách nào kể hay một câu chuyện tình yêu, dù cái tình ấy, phải đến khi người đàn ông kia xây nhà cho cha mẹ Trinh dưới quê thì cô mới chính thức yêu! May mắn thay, ở góc độ nào đó, cái sự hời hợt trong tình yêu kia lại nhất quán và phù hợp với nhân vật nữ chính. Bên cạnh đó, Vòng eo 56 có một bản dựng rất mượt mà. Về khoản dựng phim, Vòng eo 56 gần như không có gì đáng kể để chê. Nhờ nhịp phim và lối kể chuyện mà một vài phân đoạn yêu đương đáng chán không đủ sức hủy hoại cuốn phim.
Diễn xuất là một thành công lớn của Vòng eo 56. Dẫu cho theo lời Ngọc Trinh, cô diễn chính cuộc đời của mình, nhưng không thể không trầm trồ trước diễn xuất của một tay ngang như cô. Phân đoạn Ngọc Trinh vấp té khi đang bưng bún, cũng là đoạn được đánh giá cao về tay nghề xử lý của Vũ Ngọc Đãng được nói ở trên, cái động tác dọn dẹp đồ bị rơi ra và lật nón úp vào cái mâm bún nó làm người xem vừa xúc động, vừa ngạc nhiên, và có khi là sửng sốt, thậm chí tủm tỉm cười, nếu đem so sánh với một Ngọc Trinh cameo trình diễn chừng một phút ở hồ bơi phim Hit Lọ lem và hoàng tử chỉ vài năm trước. Khả năng con người quả là vô hạn! Ngọc Trinh, ngoài một vài phân đoạn yêu đương, thì dù là diễn tay đôi với diễn viên kỳ cựu Công Ninh hay độc diễn nội tâm, cô đã hoàn thành tốt vai trò của mình ở vị trí diễn viên. Thế nhưng, sức diễn đồng đều xuyên suốt nhất cuốn phim lại thuộc về một diễn viên tay ngang khác, chính là người mẫu Minh Triệu. Về Minh Triệu, chỉ cần dùng một câu là đủ. Đấy là cô làm người xem nghĩ ngay đến Maya trong Scandal của đạo diễn Victor Vũ, chỉ xuất hiện trong vài phân đoạn mà lấn lướt cả nhân vật chính. Minh Triệu không đến nỗi lấn lướt Ngọc Trinh, nhưng sự sắc sảo ở cả thần thái lẫn diễn xuất mà cô để lại chắc chắn đọng lại tâm trí người xem không thua kém gì Ngọc Trinh. Tất cả những diễn viên phụ khác vẻ như đều hợp vai. Diễn viên Công Ninh vào vai cha của Ngọc Trinh không ít lần nâng đỡ bạn diễn. Xuýt xoa khen Công Ninh cũng bằng thừa, vì như một câu nói của nhà báo Lê Hồng Lâm là đủ: "Ngọc Trinh diễn được thế mới đáng nói, chứ Công Ninh thì diễn thế này còn dưới sức của anh".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.