Vòng Thành Đá Trắng di tích thành cổ Nam bộ còn hiện hữu

Nguyễn Long
Nguyễn Long
20/04/2022 06:32 GMT+7

Ngày 19.4, Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức Hội thảo khoa học về di chỉ khảo cổ Vòng Thành Đá Trắng - di tích thành cổ Nam bộ duy nhất còn hiện hữu.

Tìm thấy hàng ngàn mảnh vỡ gốm sứ

Di tích Vòng Thành Đá Trắng thuộc địa phận ấp Gò Cát (xã Phước Thuận, H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm trên một gò cát lớn dạng gần tròn, có địa hình thoải dốc thấp dần về phía nam và liền kề với QL55. Từ tháng 12.2021 đến tháng 4.2022, công tác điều tra tổng thể, thám sát, khai quật khảo cổ học được thực hiện tại di tích nhằm làm rõ hiện trạng, đặc điểm cấu trúc và tính chất, giá trị của Vòng Thành Đá Trắng.

Các đồ gốm sứ được tìm thấy

Nguyễn Long

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm khảo cổ học (Viện Khảo cổ học vùng Nam bộ), cho biết tính đến nay lực lượng chức năng đã triển khai và hoàn thành công tác xử lý 66 hố thăm dò, 13 hố khai quật với tổng diện tích gần 800 m2. Trong đó, tổng diện tích các hố thăm dò hơn 300 m2 và diện tích của 13 hố khai quật gần 500 m2, được mở tập trung trong không gian vòng tường thành bằng đá ong và khu vực liền kề bên ngoài nhằm làm rõ đặc điểm cấu trúc địa tầng, đặc điểm cấu trúc của các cạnh tường bằng đá ong và các loại hình di tích tại đây. Kết quả thu được đem lại nhiều tư liệu mới, giúp cho nhận thức về diện mạo, giá trị của di tích đầy đủ, rõ nét hơn.

Các nhà khảo cổ phát hiện trong không gian di tích Vòng Thành Đá Trắng có các loại hình di tích khác nhau, như bếp sinh hoạt, hố rác, tường thành xây bằng đá ong, vòng hào, công trình có cột cao. Các di vật chủ yếu là các loại vật dụng sinh hoạt cùng số ít dụng cụ lao động, gồm các loại chất liệu đá, kim loại, đất nung và đồ gốm (sành - sứ).

Các nhà khảo cổ tìm thấy 14.965 mảnh vỡ chủ yếu là gốm Gò Sành (Champa). Đồ sành được dùng làm các loại vò, chum, chóe, có đế bằng, phần thân dưới xuống đế để mộc, một số ít được phủ men gần kín (không phủ men kín xuống đến đế). Bề mặt có lớp men màu vàng, nâu vàng, nâu đen… phủ từ miệng xuống đến gần đế. Đồ bán sứ có 3.355 mảnh, loại hình phổ biến là tô, bát, âu, liễn, đĩa… có lớp men màu xám ghi, xám xanh rêu và số ít màu vàng nhạt, đặc trưng của đồ gốm Champa (gốm Gò Sành). Ngoài ra còn tìm thấy một số ít mảnh vật dụng bán sứ có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam thời Lê sơ (gốm Chu Đậu) và Thái Lan thời kỳ Sukhothai (gốm Sawankhalok).

Về đồ sứ, thống kê được 526 mảnh, chủ yếu là đồ sứ hoa lam cùng số lượng rất ít đồ sứ men ngọc, sứ vẽ nhiều màu, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Hoa (thời Minh). Đồ sứ có các loại sứ men ngọc từ lò Long Quan, sứ hoa lam Trương Châu (Phúc Kiến) hay các loại đồ sứ có xương xám, vẽ hoa lam sậm màu có thể từ phía nam Trung Hoa.

Đất nung được tìm thấy 631 mảnh, là mảnh vỡ của các loại vật dụng sinh hoạt trong đun nấu (nồi, chõ...). Đây là dòng gốm bản địa với kiểu dáng thân tròn dẹt, miệng loe xiên hoặc loe cong, bờ vai rộng có trang trí đồ án hình sóng nước hay hình cánh cung nhỏ tạo bởi những ấn nhỏ hình vòng tròn.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ phát hiện nhóm mảnh vỡ ở phần đáy của loại bình gốm mịn có đặc điểm tương tự với đồ gốm trong các di tích thuộc giai đoạn Óc Eo muộn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Một đoạn thành còn nguyên vẹn

Nguyễn Long

Cần bảo vệ khẩn cấp di tích

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Mạnh cho biết nhiều cuộc điều tra, thăm dò và khai quật di tích Vòng Thành Đá Trắng trong thời gian qua đã đem lại nguồn tài liệu di tích, di vật rất phong phú, giúp làm rõ đặc điểm đặc trưng của di tích. Qua đó đã khẳng định được giá trị, vai trò quan trọng của di tích trong lịch sử hình thành và phát triển của địa phương cũng như đối với tiến trình lịch sử vùng đất Nam bộ. Nguồn tư liệu khảo cổ học được thu thập là cơ sở để xây dựng hồ sơ khoa học xếp hạng di tích Vòng Thành Đá Trắng, tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới.

Vòng Thành Đá Trắng phân bố trên khu vực gò cao ở phía bắc và nghiêng thấp dần về phía nam. Di tích này có cấu trúc gồm vòng thành hình vuông xây bằng đá ong được bao bọc bằng đường hào có dạng gần hình chữ nhật, quy mô tổng thể của di tích rộng hơn 10 ha với vòng hào có dạng hình chữ nhật (dài 410 m và rộng khoảng 265 m) bao quanh một vòng tường thành bằng đá ong rộng đến khoảng 4,2 ha (các cạnh rộng từ 208 - 215 m). Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Nam bộ có nhiều di tích thành cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất như thành Gia Định (TP.HCM), thành Biên Hòa (Đồng Nai), Lũy Phước Tứ (Bà Rịa-Vũng Tàu), Bảo Tiền, Bảo Hậu (Đồng Tháp)… Tuy nhiên, cho đến hiện nay chỉ có Vòng Thành Đá Trắng (H.Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu) là di tích thành cổ ở Nam bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa với cấu trúc thành xây bằng đá ong có hào bao quanh.

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, Vòng Thành Đá Trắng là di tích khảo cổ duy nhất ở Nam bộ phát hiện được gốm văn hóa Champa và có niên đại sớm nhất so với các di tích thành cổ ở Nam bộ, với niên đại vào khoảng thế kỷ 15 - 16, sớm nhất so với các di tích cùng loại. “Kết quả khảo sát cho thấy lượng gốm tìm thấy là rất lớn. Đời sống của cư dân trong Vòng Thành Đá Trắng thuộc tầng lớp quý tộc, có đời sống cao”, PGS-TS Tín nhận định.

PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN, nhận định theo kết quả khảo sát thì nơi đây là vùng đất giao thoa giữa 2 nền văn hóa lớn là văn hóa Champa và Óc Eo. “Kết quả khảo sát đã nhận diện được quy mô khu Thành Đá Trắng. Nam bộ có nhiều thành, nhưng Thành Đá Trắng được nhận diện quy mô nhất”, PGS-TS Liêm khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.