Voọc Cát Bà đang ‘hồi sinh’

Minh Phong
Minh Phong
03/10/2024 14:55 GMT+7

Voọc Cát Bà là loài động vật đặc hữu trên quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), được xếp vào danh mục cực kỳ nguy cấp, quý hiếm, đang tăng trưởng về số lượng. Đây là tin vui đối với các nhà khoa học cũng như những người yêu mến loài linh trưởng này.

Là khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động thực vật độc đáo, phong phú, đa dạng, năm 2004, quần đảo Cát Bà (H.Cát Hải, Hải Phòng) được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đặc biệt, nơi đây là nơi sinh sống của quần thể loài linh trưởng đặc hữu là voọc Cát Bà.

Loài linh trưởng đặc hữu đứng trước mối nguy tuyệt chủng

Do là loài linh trưởng đặc hữu, nhưng giảm sút mạnh về số lượng do nạn săn bắn trái phép và môi trường sống bị ảnh hưởng, nên từ năm 2000, vườn thú Leipzig (Đức) và một số nhà nghiên cứu khoa học đã thành lập Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, để bảo tồn, phát triển đàn voọc.

Từ năm 1999, có nhiều cuộc khảo sát được thực hiện trên quần đảo Cát Bà nhằm tìm kiếm loài voọc Cát Bà và đánh giá hiện trạng chung của đa dạng sinh học trên đảo. Những cuộc khảo sát cho thấy số lượng loài voọc Cát Bà suy giảm nghiêm trọng. Theo thống kê từ Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, số lượng voọc suy giảm nhiều nhất là vào năm 2003, chỉ còn khoảng 40 cá thể.

Voọc Cát Bà đang ‘hồi sinh’- Ảnh 1.

Một đàn voọc Cát Bà đang chơi đùa bên cạnh mép nước

ẢNH: HUY CẦM

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Phạm Văn Phúc, Phó giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà, cho biết để bảo vệ voọc Cát Bà, hàng chục cán bộ kiểm lâm của vườn đã hàng ngày tuần tra xuyên rừng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ xâm hại.

"Ngoài các cán bộ kiểm lâm, Vườn quốc gia Cát Bà cũng thành lập 3 tổ bảo vệ voọc. Các thành viên hầu hết là người bản địa, họ làm việc trên tinh thần tự nguyện và tình yêu thương dành cho loài linh trưởng này. Nhiều năm nay, chúng tôi chưa phát hiện trường hợp nào săn bắn trái phép voọc Cát Bà.

Điều đó cho thấy sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm của những người đang ngày đêm bảo vệ voọc. Tuy nhiên, voọc Cát Bà vẫn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do nhiều yếu tố như môi trường sống bị thu hẹp, ngoài sống tập trung trên đảo Cát Bà, voọc còn sống rải rác tại một số đảo thuộc quần đảo Cát Bà nên bị cô lập về đàn, dẫn đến giao phối cận huyết, suy giảm về nguồn gen", ông Phúc thông tin.

"Chưa thấy năm nào voọc Cát Bà sinh sản mạnh như năm nay"

Ông Phúc cho biết: "Đã nhiều năm gắn bó với Vườn quốc gia Cát Bà, nhưng tôi chưa thấy năm nào voọc sinh sản mạnh như năm nay".

Theo ông Phúc, chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, voọc Cát Bà đã sinh sản được khoảng 15 cá thể. Đến nay, tổng số lượng voọc khoảng 90 cá thể, qua 21 năm kể từ năm 2003, số lượng voọc đã tăng hơn gấp đôi, là tín hiệu rất đáng mừng.

Trước đó, vào tháng 5, hình ảnh những chú voọc non rất đẹp có bộ lông màu vàng cam được mẹ ôm vào lòng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội đã gây "sốt" đối với cộng đồng. Đại diện Dự án bảo tồn voọc Cát Bà cho hay, những hình ảnh đó là của 3 con voọc non được sinh trong tháng 4 thuộc tiểu quần thể voọc Cát Bà ở khu vực Cửa Đông thuộc Vườn quốc gia Cát Bà.

Voọc Cát Bà đang ‘hồi sinh’- Ảnh 2.

Những con voọc con có bộ lông màu vàng, khi trưởng thành, sắc tố trên lông sẽ thay bằng màu đen

ẢNH: HUY CẦM

Khi mới sinh, voọc con có bộ lông màu vàng cam rực rỡ. Sau khi trưởng thành, lông chúng chuyển sang màu đen, phần đầu có màu trắng. Thời gian sinh nở của voọc Cát Bà chủ yếu vào khoảng trước mùa mưa hàng năm.

Theo những khảo sát gần đây của Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, voọc sinh sống tại nhiều nơi ở Vườn quốc gia Cát Bà. Trong đó, 2 tiểu quần thể có số lượng lớn nhất đang sinh sống ở khu vực Cửa Đông và khu vực Giỏ Cùng

"Chúng tôi hy vọng với sự chung tay vào cuộc của các lực lượng chức năng, các tổ chức xã hội và cộng đồng, voọc Cát Bà sẽ ngày càng tăng trưởng về cả số lượng và chất lượng, góp phần phát triển về đa dạng sinh học, trở thành biểu tượng đẹp không chỉ của Cát Bà mà với cả người dân TP.Hải Phòng, khách du lịch trong và ngoài nước", ông Phúc chia sẻ.

Voọc Cát Bà là loài linh trưởng đặc hữu trên quần đảo Cát Bà và có tên trong danh sách 25 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Tuổi đời trung bình của voọc Cát Bà vào khoảng 25 - 30 năm. Khi voọc cái 5 - 6 tuổi mới bắt đầu giao phối. Sau khi sinh con, hơn 2 năm sau chúng mới có thể giao phối tiếp.

Do tập tính bầy đàn, chỉ con voọc đực đầu đàn mới có quyền giao phối với các con cái trưởng thành khác trong đàn. Với những con đực trưởng thành khác trong đàn, nếu muốn giao phối, buộc phải tách đàn lập đàn mới hoặc tranh giành vị trí với con đực đầu đàn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.