Vovinam chờ tin vui từ Myanmar

10/07/2012 21:03 GMT+7

(TNO) Sáng 11.7, đoàn cán bộ lãnh đạo của Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) sẽ lên đường sang Myanmar để dự cuộc họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á và ban tổ chức SEA Games 27 của Myanmar trong 2 ngày 14 và 15.7, để bàn về các bước chuẩn bị đăng cai sự kiện thể thao Đông Nam Á này.

(TNO) Sáng 11.7, đoàn cán bộ lãnh đạo của Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) sẽ lên đường sang Myanmar để dự cuộc họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á và ban tổ chức SEA Games 27 của Myanmar trong 2 ngày 14 và 15.7, để bàn về các bước chuẩn bị đăng cai sự kiện thể thao Đông Nam Á này.

 
Vovinam đã thành công rực rỡ tại kỳ SEA Games 26 tổ chức tại Indonesia năm 2011 - Ảnh: Hồng Long

Theo kế hoạch, ngày 13.7, Liên đoàn Vovinam Việt Nam và thế giới sẽ có buổi làm việc chính thức với chủ tịch Ủy ban Olympic Myanmar và các cán bộ ngành thể thao Myanmar, để giới thiệu và vận động nước chủ nhà giới thiệu môn Vovinam trong cuộc họp của Hội đồng thể thao Đông Nam Á về việc tiếp tục đưa môn Vovinam vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 27.

Trước đó ở SEA Games 26 diễn ra tại Indonesia, lần đầu tiên Vovinam được tổ chức và đã thành công rực rỡ, qua đó được giới chuyên môn và truyền thông quốc tế đánh giá rất cao.

Đoàn cán bộ lãnh đạo của Ủy ban Olympic Việt Nam (VOC) đến Myanmar gồm có chủ tịch VOC Nguyễn Danh Thái (Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới), phó chủ tịch kiêm tổng thư ký VOC Hoàng Vĩnh Giang, phó chủ tịch VOC Lê Quý Phượng. Phái đoàn của Liên đoàn Vovinam Việt Nam (VVF) và thế giới (WVVF) gồm chủ tịch VVF Lê Quốc Ân (PTC WVVF), tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam và thế giới Võ Danh Hải cùng ông Nguyễn Anh Tú, phó trưởng ban nghiên cứu khoa học của VVF.
Theo tổng thư ký Võ Danh Hải, so với lần vận động đưa Vovinam vào thi đấu tại SEA Games 26, để môn võ truyền thống của dân tộc Việt này vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games 27 cũng không kém phần khó khăn. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều môn võ khác của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Muay của Thái Lan, Kempo Sorinji và Tarung Derajat của Indonesia, Arnis (võ gậy) của Philippines cũng không có tên trong chương trình thi đấu SEA Games 27 sơ bộ mà ban tổ chức đã công bố cách đây không lâu.

Trong cuộc đua khốc liệt để có tên tại SEA Games 27, ngoài sự thành công tại SEA Games 26 vừa qua, Vovinam còn có thuận lợi là đã có tên tại Đại hội thể thao trong nhà châu Á (ASIAN Indoor Games 3) và là một trong những môn thể thao được Ủy ban Olympic châu Á ưu tiên phát triển và đưa vào thi đấu ở đại hội châu lục.

Hiện tại, môn võ này đã đang lan tỏa rộng khắp trên thế giới (riêng Đông Nam Á đã có phong trào tại 7 quốc gia). Không những thế, trong thời gian gần đây, Liên đoàn Vovinam Việt Nam và thế giới đã có những dịp tiếp xúc và làm việc với Liên đoàn võ thuật Myanmar trong kế hoạch phát triển của mình.

Với những thuận lợi như thế, hy vọng người hâm mộ thể thao Việt Nam sẽ được đón tin vui từ Myanmar trong vài ngày tới, khi môn võ Việt tiếp tục có mặt ở kỳ đài thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á vào cuối năm sau.

Hồng Long

>> Giải vô địch Vovinam châu Âu lần II: 11 quốc gia tham dự
>> Lãnh đạo WVVF dự Đại hội thành lập Liên đoàn Vovinam châu Phi
>> Herbalife Việt Nam - nhà tài trợ dinh dưỡng chính thức cho Vovinam Việt Nam
>> Thêm HCV vovinam
>> Herbalife tài trợ dinh dưỡng cho đội Vovinam VN
>> Thời khắc lịch sử của vovinam VN
>> VN dẫn đầu giải vovinam Đông Nam Á lần 1
>> Vovinam sẵn sàng cho SEA Games 26
>> BTC SEA Games 26 làm việc với Liên đoàn Vovinam thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.