Website Space.com dẫn tuyên bố từ NASA cho biết Voyager 1 đã tiến vào vùng không gian ngoài cùng của hệ mặt trời, nơi tốc độ gió mặt trời (những luồng điện tích phóng ra từ vùng thượng quyển) bằng 0. Theo Ed Stone, nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ California(Mỹ), phi thuyền này đã tiến gần đến vùng không gian liên hành tinh. Voyager 1 đã đi qua một quãng đường mà chưa có vật thể nào trên trái đất từng thực hiện được.
Nó đã ở cách mặt trời 17,4 tỉ km kể từ khi được NASA phóng lên không trung vào ngày 5.9.1977. Sau khi bay ngang các hành tinh khổng lồ (sao Mộc, sao Thổ), phi thuyền tiếp tục hành trình vô tận trong vũ trụ và vào năm 2004 đã vượt qua ranh giới của hệ mặt trời, vốn được biết đến với cái tên termination shock. Đây là khu vực mà gió mặt trời giao với sóng xung kích, khiến chúng di chuyển chậm dần và tăng nhiệt. Khu vực bên ngoài termination shock, nơi Voyager 1 đang hiện diện, được gọi là heliosheath. Còn vùng rìa hệ mặt trời là biên giới vũ trụ (heliopause).
Heliosheath tạo thành một kết cấu bầu dục vĩ đại hết sức hỗn loạn. Một khi Voyager 1 vượt khỏi khu vực này và tiến vào heliopause, nó chính thức có mặt tại không gian liên hành tinh. Hiện phi thuyền này đang tiến tới rìa hệ mặt trời với vận tốc khoảng 61.155 km/giờ. Theo tính toán của NASA, Voyager 1 có thể vào biên giới của không gian liên hành tinh vào năm 2014.
Thiết bị cảm biến trên Voyager 1 đã liên tục ghi nhận tốc độ của gió mặt trời xung quanh phi thuyền. Vào tháng 8.2007, gió mặt trời thổi với tốc độ ổn định khoảng 209.214 km/giờ. Từ đó, tốc độ này giảm khoảng 72.420 km/giờ mỗi năm. Vào tháng 6, thiết bị cảm biến bắt đầu chỉ vào số 0. Các nhà khoa học NASA đã kiểm tra kết quả trong nhiều tháng để chắc rằng nó hoạt động chính xác.
"Khi nhận ra rằng đồng hồ liên tục chỉ vào số 0, tôi cảm thấy vô cùng sửng sốt”,
Rob Decker, một chuyên gia về Voyager nói. Như vậy, sau 33 năm hoạt động không ngơi nghỉ, Voyager 1 đã cung cấp một kiến thức hoàn toàn mới cho các nhà khoa học trái đất.
Voyager 1 là một trong 2 phi thuyền chạy bằng nhiên liệu hạt nhân được phóng vào năm 1977 với nhiệm vụ thám hiểm vùng không gian ngoài cùng của hệ mặt trời. Voyager 2 được phóng trước, nó di chuyển chậm hơn và theo hướng khác với Voyager 1. Sau khi hoàn tất vòng bay ngang các hành tinh, Voyager 1 tiếp tục bay ra ngoài hệ mặt trời theo phương bắc, trong khi Voyager 2 di chuyển về hướng nam. Hiện Voyager 2 ở cách mặt trời 14,1 tỉ km và đang bay với vận tốc khoảng 56.330 km/giờ. Với tốc độ này, phải mất vài năm nữa Voyager 2 mới lọt vào khu vực termination shock.
Hạo Nhiên
Bình luận (0)