Voyager 2 chính thức 'dấn thân' vào không gian liên vì sao

05/11/2019 22:37 GMT+7

Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, giới khoa học giờ đây chính thức tuyên bố tàu thăm dò Voyager 2 đã rời khỏi nhật mãn (heliopause), ranh giới giữa hệ mặt trời và khoảng không xa xăm hơn nữa.

Với 5 báo cáo khác nhau cùng đăng trên chuyên san Nature Astronomy hôm 5.11, các nhà khoa học xác nhận Voyager 2, nối gót người chị em Voyager 1, đã vượt qua ranh giới của hệ mặt trời và tiến vào không gian liên vì sao từ ngày 5.11.2018, ở khoảng cách 119 đơn vị thiên văn (17,8 tỉ km) tính từ mặt trời.
Và do thiết bị ghi nhận plasma của Voyager 1 đã bị hỏng vào thời điểm đi qua nhật mãn cách đây 6 năm, đây là lần đầu tiên các nhà khoa học có thể nghiên cứu toàn bộ thông tin về plasma khi Voyager 2 đi qua ranh giới quan trọng này.
Trong đó, plasma, hay còn gọi là li tử thể, là trạng thái thứ tư của vật chất bên cạnh các thể thông thường là rắn, lỏng và khí, chỉ tình trạng ion hóa vật chất.

Minh họa những quả cầu plasma

NASA

Plasma không phổ biến trên Trái đất, nhưng đến 99% số vật chất quan sát được trong vũ trụ tồn tại dưới dạng plasma. Vì thế trong bốn trạng thái vật chất, plasma được xem là trạng thái đầu tiên của vũ trụ.
Cả hai tàu du hành Voyager 1 và Voyager 2 đều được phóng lên không gian vào năm 1977, mang theo mục tiêu nghiên cứu không gian xa hơn của hệ mặt trời. Voyager 2 lên đường trước đến 2 tuần, nhưng nhờ được phóng sau, Voyager 1 được sắp xếp hành trình ngắn hơn khi xuyên qua hệ mặt trời.
Bên cạnh đó, Voyager 2 bị trì hoãn vì được giao thêm sứ mệnh bay ngang Hải Vương tinh vào năm 1989, và thế là Voyager 1 vượt lên trước. Sau thời gian này, bộ đôi tàu du hành đều hoàn thành nhiệm vụ ban đầu. Thế nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó.

[VIDEO] Tàu thăm dò Voyager 2 khởi đầu chuyến viễn du liên sao

"Vào thời điểm đó, sứ mệnh chuyển sang giai đoạn nghiên cứu không gian liên vì sao”, theo Space.com dẫn lời nhà thiên văn học Ed Stone của Viện Công nghệ California (Caltech).
Không ai biết được sẽ mất bao lâu để hai tàu Voyager ra khỏi hệ mặt trời.
Và thời khắc trọng đại đã đến khi Voyager 1 chính thức vượt qua nhật mãn vào ngày 25.8.2012, ở khoảng cách 121,6 đơn vị thiên văn (tương đương 18,1 tỉ km) tính từ mặt trời.
Đến nay, tới lượt Voyager 2 nối gót, đánh dấu thành tựu chưa từng có trong nỗ lực nghiên cứu hệ mặt trời của các chuyên gia Trái đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.