"Cơn mưa" cổ tức tiền mặt
Sau nhiều năm chờ đợi, cổ đông của VPBank đã có thể thở phào nhẹ nhõm với khoản đầu tư vào ngân hàng trong nhiều năm khi Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, thông báo một thông tin quan trọng liên quan tới chia cổ tức trong Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của ngân hàng này tổ chức chiều 18.4.
"Trong chiến lược 5 năm phát triển sắp tới, chúng tôi có đưa vào hạng mục chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liên tiếp. Nền tảng vốn hiện tại [của chúng tôi] đủ để duy trì tăng tưởng cao trong 5 năm tiếp theo, được phép trong phạm vi 30% lợi nhuận hàng năm chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông", ông Dũng trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề chia cổ tức.
Nền tảng vốn vững chắc mà ông Dũng nhắc đến là chính nguồn vốn từ khoản đầu tư của đối tác SMBC - với khoản tiền đặt cọc 10% đã được chuyển vào tài khoản của VPBank ngay trước thềm ĐHĐCĐ. Với 35.900 tỉ đồng vốn cấp 1 tăng thêm, tổng vốn chủ sở hữu của VPBank được nâng từ 103.500 tỉ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỉ đồng, trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống.
Nguồn vốn này sẽ trở thành bệ phóng giúp ngân hàng thực hiện các kế hoạch tăng trưởng tham vọng, trong đó có việc mở rộng danh mục khách hàng sang đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp vừa và lớn - nhờ khai thác nguồn khách hàng lớn là các công ty và tập đoàn đa quốc gia của SMBC.
ĐHĐCĐ thường niên của ngân hàng này cũng hé lộ chiến lược phát triển 5 năm tiếp theo của ngân hàng (2022-2026) với các mục tiêu tham vọng cùng định hướng khá chi tiết, hướng tới trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam và khu vực.
VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng với mức tăng trưởng kép trong 5 năm là 35%, và tiếp tục giữ vị thế là ngân hàng đa năng với trụ cột chính là bán lẻ, trong đó tỷ trọng bán lẻ trên tổng danh mục tín dụng đạt trên 70%.
Các động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ việc đẩy mạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng thông qua khai thác sâu phân khúc trung lưu, cao cấp và tiếp tục tối ưu cơ hội trong các phân khúc tiềm năng đối với khách hàng cá nhân. Đồng thời gia tăng các sáng kiến và giải pháp tài chính toàn diện, mở rộng hệ sinh thái đối tác, nhằm thúc đẩy quy mô và chiếm lĩnh thị phần cho phân khúc SME.
Với dự báo dòng vốn FDI tăng trưởng và bứt phá trong giai đoạn tới khi Việt Nam liên tục được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn và triển vọng trong dài hạn, VPBank sẽ tập trung nắm bắt các cơ hội hợp tác phát triển với nhóm khách hàng doanh nghiệp FDI thông qua đa dạng các dịch vụ ngân hàng giao dịch và thanh toán", Tổng Giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh, chia sẻ tại ĐHĐCĐ.
Tầm nhìn xa
Với kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2022, việc chia cổ tức bằng tiền mặt có thể nằm trong tầm tay của VPBank, nhưng để việc nhận cổ tức tiền mặt trở thành một hoạt động bền vững cho cổ đông trong 5 năm sắp tới, VPBank sẽ cần nhiều hơn một kết quả kinh doanh sáng sủa.
Cổ đông của VPBank có lẽ cũng không quá bất ngờ khi ngay từ ĐHĐCĐ năm ngoái, vị chủ tịch của ngân hàng này đến những phút cuối đã bật mí ngân hàng này từ năm 2023 sẽ bắt đầu chia cổ tức bằng tiền mặt lên tới 30% lợi nhuận sau thuế hằng năm.
Có thể tự tin công bố thông tin này với các cổ đông, ông Dũng lúc đó có lẽ đã sớm phác họa được bức tranh toàn cảnh của VPBank một năm sau đó: trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 hệ thống sau ông lớn quốc doanh Vietcombank trước thềm tổ chức ĐHĐCĐ năm nay. Đạt được vị thế về vốn mới này là công sức bỏ ra trong 2 năm vừa qua của VPBank, nhằm đi tới cái kết có hậu cho thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho đối tác SMBC (Nhật Bản) ký kết cuối tháng 3 vừa qua.
Vốn điều lệ của VPBank hiện đang đứng đầu hệ thống với 67,000 tỉ đồng. Giá trị vốn hóa của ngân hàng này đã tăng lên hơn 140,000 nghìn tỷ tại thời điểm 31/03/2023. Tổng tài sản hợp nhất ghi nhận ở mức hơn 630 nghìn tỉ đồng trong khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 21 nghìn tỉ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Hệ số an toàn vốn (CAR) của ngân hàng tăng lên gần 15%.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, với nền tảng vốn hiện tại, đi đôi với kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2022 và các năm trước đó, VPBank có cơ sở đảm bảo cho tăng trưởng cao theo kế hoạch trong 4-5 năm tới, và Hội đồng Quản trị của ngân hàng này có thể "thuận buồm xuôi gió" trình ĐHĐCĐ chia cổ tức tiền mặt trong năm nay và các năm tiếp theo.
Và mới đây, ngân hàng này đã được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service giữ nguyên mức xếp hạng Ba3 từ lần thăng hạng hồi tháng 7 năm ngoái, trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới và Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Bình luận (0)