VPF giúp “nuôi” các đội tuyển ra sao?

17/12/2011 00:51 GMT+7

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VPF sẽ phải khẩn trương vạch ra chiến lược kinh doanh để có nguồn thu giúp Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đầu tư cho các đội tuyển quốc gia.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp VPF sẽ phải khẩn trương vạch ra chiến lược kinh doanh để có nguồn thu giúp Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đầu tư cho các đội tuyển quốc gia.

Cho đến thời điểm hiện tại, số tiền để tổ chức 3 giải lớn năm 2012 gồm V-League 1, V-League 2, Cúp Quốc gia và kể cả hoạt động của VPF không còn là nỗi lo của HĐQT bởi đã tạm cân đối được thu chi, thậm chí còn dự tính sẽ dôi ra hơn 2 tỉ. Tuy nhiên vấn đề là, tại Đại hội cổ đông lần thứ nhất cách đây vài ngày, Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên đã khẳng định quy định của điều lệ VPF ghi rất rõ ràng, VPF có trách nhiệm trích một phần phù hợp trong khoản lợi nhuận trước thuế đưa lại cho VFF để phục vụ đào tạo trẻ và các đội tuyển quốc gia. Khoản hơn 2 tỉ đồng nói trên chỉ như muối bỏ bể, không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của các đội tuyển.

 
Đội tuyển VN cần 7 tỉ đồng trong năm 2012 - Ảnh: Ngọc Hạnh

Theo ước tính của chúng tôi, năm 2012, VFF phải cần tới ít nhất 16 - 18 tỉ đồng cho 6 đội tuyển (trừ futsal nam được xã hội hóa). Trong đó, đội tuyển quốc gia tập trung 4 đợt (đợt dài nhất là 41 ngày chuẩn bị cho AFF Cup) với khoảng 7 tỉ. Đội tuyển U.22 tập trung 1 đợt 35 ngày chuẩn bị cho vòng loại U.22 AFC tốn khoảng 2 tỉ. Đội U.19 quốc gia tập trung cũng 4 đợt (thi đấu nước ngoài là chủ yếu) cũng tốn khoảng 5 tỉ. Đội tuyển nữ quốc gia tập trung 3 đợt tốn ít nhất 4 tỉ (đi nước ngoài 3 lần). Hai đội U.19 nữ, U.16 nữ cũng mất khoảng 3 tỉ đồng.

Mọi năm, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, VFF trích một khoản nhất định từ nhà tài trợ chính của mùa giải (ví dụ như năm ngoái là Eximbank) dành cho hoạt động các đội tuyển. Nhưng năm nay, toàn bộ số tiền 30 tỉ của Eximbank đưa vào VPF để chi trả cho công tác tổ chức giải, mà nói như bầu Kiên: “VFF sẽ chẳng còn khoản thu lớn nào”. Tháng 4.2010, VFF ký hợp đồng với Công ty Dentsu (đại diện tiếp thị chính thức của VFF khai thác các quyền thương mại của 5 đội tuyển) với gói tài trợ 2 năm trị giá 3,2 triệu USD. Hợp đồng sẽ chấm dứt vào tháng 4.2012 và theo ông Nguyễn Minh Châu - Trưởng phòng Tiếp thị tài trợ: “Chưa ngồi lại với Dentsu để tính toán sẽ gia hạn tiếp hay dừng hẳn”. Hợp đồng với Nike có thời hạn đến cuối năm 2013 nhưng chỉ có 100.000 USD bằng tiền mặt, còn 800.000 USD bằng hiện vật là trang thiết bị sử dụng cho tất cả các đội tuyển. Như vậy,  chưa kể khoản cho đào tạo trẻ, VFF đang thiếu hụt nghiêm trọng khoản lớn cho các đội tuyển. Ông Trương Hải Tùng - Trưởng phòng Các đội tuyển quốc gia VFF, cho hay phòng chỉ có nghĩa vụ lên kế hoạch chuyên môn còn kinh phí thì phụ thuộc vào Tổng cục, VFF, và bây giờ là VPF.

Trong dự thảo điều lệ VPF, ngoài điều hành giải đấu, phạm vi hoạt động kinh doanh của VPF có những điểm chính sau: Tổ chức sự kiện, sản xuất và bán lẻ thiết bị dụng cụ thể thao, bán lẻ hàng hóa trong các cửa hàng chuyên doanh, bán hàng lưu niệm; cho thuê thiết bị thể thao vui chơi giải trí, đại lý môi giới quảng cáo; chia sẻ quyền khai thác thương mại và bản quyền truyền hình; quảng bá cho giải bóng đá chuyên nghiệp qua các ấn phẩm như bản tin chính thức của V-League. Hy vọng những “mảng miếng” nói trên sẽ được thực thi bằng chiến lược kinh doanh bài bản để các đội tuyển sẽ không “chết đói” và các ông bầu sẽ không bị mang tiếng chỉ nói suông.

Lan Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.