(TNO) Ngay trước lượt về V-League 2014, Ban tổ chức giải đã 'xanh mặt' vì hết Hùng Vương An Giang dọa bỏ giải lại đến lượt cầu thủ Than Quảng Ninh đình công và cũng dọa bỏ giải.
>> Lại đến cầu thủ Than Quảng Ninh dọa bỏ giải
>> Ninh Bình bỏ giải, V-League đổi luật
>> VPF tin tưởng sẽ không có CLB nào bỏ giải ở mùa 2014
|
Ông Phạm Ngọc Viễn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) mấy ngày nay lo lắng đến mất ăn mất ngủ vì sợ “vỡ trận”. Ông Viễn bộc bạch phần nào những khó khăn mà VPF và bóng đá Việt Nam đang vấp phải.
* Thưa ông, trong cuộc họp hồi đầu mùa, cả VFF và VPF đã tỏ ra rất cương quyết khi yêu cầu các CLB phải giải trình rõ con số 35 tỉ đồng tiền hoạt động lấy từ những nguồn nào và nếu không đảm bảo thì VPF không cho dự giải. Nhưng cuối cùng thì chẳng đội nào bị cấm cả dù có đội mới chỉ đáp ứng được 1/3 số tiền này?
Ông Phạm Ngọc Viễn (P.N.V): Theo chúng tôi được báo cáo, đến thời điểm này, CLB Hùng Vương An Giang mới chỉ được ngân sách tỉnh rót 19,4 tỉ đồng. Còn các nhà tài trợ chưa giải ngân đủ 20,2 tỉ đồng theo như cam kết.
Khi đưa ra yêu cầu với các CLB, VPF mong muốn các đội báo cáo trung thực và đầy đủ về các nguồn tiền.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ được nghe báo cáo về mặt văn bản chứ nào có quyền được “sờ mó” vào chuyện tiền nong, những vấn đề kinh tế cụ thể của mỗi đội.
Mà những giải trình về số liệu của các CLB lại chưa được cơ quan kiểm toán đánh giá đúng hay sai.
VPF cũng khổ mà các CLB cũng khổ vì CLB hoạt động được là dựa vào ngân sách địa phương và các nhà tài trợ. Mà có khi vào giải đấu rồi mới được rót tiền.
* Trước đây, đã có CLB như Hoàng Anh Gia Lai đề xuất mỗi CLB phải ký quỹ 2 tỉ đồng - gọi nôm na là tiền “thế chân” để phòng trừ tình huống bất trắc là nếu đội đó bỏ giải thì VPF đã có tiền để khắc phục hậu quả. Tại sao giải pháp này bị phá sản, thưa ông?
Ông P.N.V: Đúng là 1, 2 năm trước đã có ý kiến đề xuất việc ký quỹ. Nhưng như tôi vừa nói ở trên, cứ vào thi đấu rồi thì các đội mới được rót tiền nên họ không thể ký quỹ được.
Nếu VPF quy định chặt chẽ quá thì chẳng có CLB nào đáp ứng được. Và nếu chiểu theo những quy định thì có lẽ giải sẽ không thể tổ chức được vì rất nhiều đội không đủ tiêu chí.
Nhân đây, tôi cũng nói về sự chuẩn bị sân bãi của các đội. Cũng có thể do thiếu tiền hoặc vì lý do nào khác nên nhiều CLB không đầu tư nâng cấp, sửa sang sân thi đấu của chính đội mình.
Như sân Hàng Đẫy giữa thủ đô Hà Nội, khán giả còn không được… đi tiểu giữa trận. Hay sân Ninh Bình bẩn kinh khủng. Mới đây, Liên đoàn bóng đá châu Á còn không cho CLB Ninh Bình tổ chức trận đấu loại trực tiếp AFC trên sân nhà và Ninh Bình đang phải chạy đua với thời gian để kịp sửa chữa, nâng cấp.
Nếu cấm hết thì cả 5 sân vận động ở phía Bắc chẳng có sân nào đáp ứng được yêu cầu tổ chức được V-League.
* Thưa ông, trở lại với câu chuyện các cầu thủ Than Quảng Ninh đình công. Nếu không được đảm bảo một nguồn thu nhập ổn định, cầu thủ có thể sẽ bỏ giải?
Ông P.N.V: Cuối giờ chiều 25.4, tôi đã phải chạy đôn đáo để giải quyết cho xong vấn đề của Quảng Ninh.
Đích thân Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, Bí thư thành ủy Cẩm Phả đã hứa sẽ hỗ trợ và sớm giải ngân để các cầu thủ không bị mất thưởng.
Một nhà tài trợ xin giấu tên cũng đã hứa sẽ hỗ trợ 650 triệu giúp CLB. Anh em cầu thủ cũng đã hứa sẽ thi đấu tốt trong trận gặp Thanh Hóa rồi.
Lan Phương (thực hiện)
Bình luận (0)