Hội nghị chủ tịch các CLB và VFF đã đi đến quyết định mang tính sống còn với hai giải đấu quan trọng nhất hệ thống bóng đá VN: Thành lập công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) để điều hành giải Ngoại hạng và hạng nhất quốc gia.
Đề án do ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng ACB soạn thảo đã được thường trực VFF đánh giá là có tính khả thi hơn bất kỳ đề án tương tự nào khác mà chính VFF đã từng xây dựng trước đó. Tuy nhiên, điều mà người hâm mộ mong mỏi, là khi đi vào cuộc sống bóng đá VN vốn đầy rẫy những phức tạp, VPF sẽ được quản lý như thế nào?
VFF có quyền chủ động nhưng không được áp đặt
Ông Nguyễn Đức Kiên một lần nữa khẳng định: “Những nước áp dụng mô hình công ty điều hành giải đấu đều có nền bóng đá ngày càng phát triển. VPF sẽ có số vốn hơn 21 tỉ đồng, 14 CLB chuyên nghiệp, mỗi đội góp một tỉ đồng tương đương 64,4%, VFF góp số vốn còn lại tương đương 35,6%. Sở dĩ mới chỉ nhận đóng góp vốn của 14 CLB dự giải ngoại hạng mà chưa tính đến 14 CLB giải hạng nhất vì nhiều CLB của hạng nhất vẫn chưa chuyển đổi cơ cấu sang dạng doanh nghiệp (DN). Trong hoạt động của công ty, VFF giữ quyền chủ động nhưng không thể áp đặt. Còn các CLB có quyền chủ động nhưng vẫn phải đi đúng định hướng”.
|
Trả lời câu hỏi, liệu có vi phạm điều lệ VFF không khi việc thành lập công ty chưa thông qua Ban Chấp hành (BCH), Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ quả quyết: “Luật Thể thao do Quốc hội thông qua quy định rất rõ, giải chuyên nghiệp phải do các CLB chuyên nghiệp sở hữu. Vì vậy việc thành lập VPF hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật VN. Cơ hội đã rất chín muồi và các DN đã rất quyết tâm đổi mới nên VFF phải chớp lấy thời cơ này. Tôi cho rằng khi đưa ra đại hội thường niên, mô hình mới sẽ được thông qua”.
Cũng theo ông Hỷ, VPF sẽ hoạt động theo Luật DN và nhờ luật này, bóng đá VN sẽ tăng tính công khai minh bạch. “Tôi chỉ lấy ví dụ về quy chế tài chính hay chuyển nhượng. Đề án đã nghiêm cấm việc sử dụng tiền để kích thích cầu thủ trước trận, việc hứa thưởng bằng tiền phải được thông báo công khai từ đầu mùa. Không phá giá hoặc lôi kéo cầu thủ còn trong hợp đồng của CLB khác. Nếu vi phạm sẽ bị chế tài”. Ông Hỷ còn nói thêm, VFF sẽ không phải báo cáo lên FIFA và AFC bởi tính tiên tiến của mô hình công ty đang được áp dụng rộng rãi ở rất nhiều nước.
VPF vừa lo kiếm tiền vừa được... trừ điểm
Việc thành lập VPF hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật VN. Cơ hội đã rất chín muồi và các doanh nghiệp đã rất quyết tâm đổi mới nên VFF phải chớp lấy thời cơ này |
||
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ |
||
Nhưng ông Kiên đã gạt đi: “Nếu VFF thấy khó, không lo được thủ tục thành lập VPF, tôi xin đảm bảo, công việc này chỉ một tháng là xong. Các ông “bầu” sẵn sàng chung tay để xúc tiến việc ra đời VPF. Thậm chí nếu cần, tôi sẽ cử người của chúng tôi đến từng CLB để hướng dẫn làm hồ sơ góp vốn. Và tôi tin sẽ không có Bộ nào phản đối bởi mục đích của VPF là vì sự phát triển của bóng đá VN. Tôi dám chắc VPF sẽ làm ăn có lãi. Các CLB sẽ được chia lợi nhuận”.
Còn ông Lê Hùng Dũng - Phó chủ tịch VFF lạc quan: “Nếu làm ăn tốt, không chỉ các CLB được hưởng lợi, VFF sẽ có thêm nhiều tiền cho đào tạo trẻ và các đội tuyển quốc gia. Người điều hành công ty có thể nhận mức lương cao 10.000 - 15.000 USD/tháng. TGĐ do HĐQT bổ nhiệm. HĐQT, TGĐ phối hợp trình VFF thông qua chức năng nhiệm vụ, nhân sự hoặc thực hiện các quyết định của VFF về các ban trọng tài, ban kỷ luật, ủy ban đạo đức. Không chỉ biết kiếm tiền, VPF mà ở đây là ủy ban đạo đức, sẽ có quyền trừ điểm các CLB có biểu hiện tiêu cực”.
Đau đầu chọn tổng giám đốc
Sự ra đời của VPF sẽ tác động mạnh mẽ lên cơ cấu nhân sự của VFF. Ông Lê Hùng Dũng cho hay, có thể, VPF sẽ lập 2 ban giám đốc để điều hành hai giải. Hai trưởng ban này có thể sẽ là người của VFF. Nhưng về vị trí TGĐ, hiện tại các ông bầu và lãnh đạo VFF chưa thể quyết sẽ chọn nhân vật nào cho thích hợp.
Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ nghiêng về phương án: “Chúng tôi không buông hai giải đấu nhưng nếu đã là mô hình công ty thì nên để các DN tự tìm TGĐ là hay nhất. Người của VFF làm phó TGĐ là đủ để hỗ trợ trong các công tác chuyên môn”. Nhưng ông Viễn thì có suy nghĩ hoàn toàn trái ngược: “Chủ tịch HĐQT không nhất thiết là người của VFF nhưng TGĐ thì nên. Các công ty điều hành giải đấu tại Nhật Bản và Hàn Quốc đều chọn nhân vật đứng đầu là người của liên đoàn bóng đá nước họ”.
Đầu tuần tới, bầu Kiên cùng một số chủ tịch các CLB khác sẽ cùng VFF thảo luận kỹ về bộ máy điều hành. Theo quan điểm của nhiều CLB: “Nếu lãnh đạo VFF đứng chức danh TGĐ thì hóa ra chỉ là cải tổ nửa vời, làm sao có thể gọi là bước ngoặt lịch sử?”.
Lan Phương
Bình luận (0)