Hiện nay, VRG đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
Khắc phục khó khăn, đảm bảo mục tiêu kép
Đề cập đến hoạt động của VRG trong bối cảnh Covid-19, ông Lê Thanh Hưng, Phó bí thư Đảng ủy, Phó tổng giám đốc VRG cho biết: Năm 2020, VRG gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, như thời tiết diễn biến bất thường, cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, giá mủ cao su chưa có dấu hiệu phục hồi, nhất là ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh chung của VRG nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng.
|
Trước những khó khăn đó, VRG đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và có hiệu quả, nhờ đó VRG đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo lợi nhuận, duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. VRG là 1 trong 5 doanh nghiệp có doanh thu công ty mẹ hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, là 1 trong 7 doanh nghiệp có lợi nhuận công ty mẹ thực hiện vượt chỉ tiêu.
Các chỉ tiêu tài chính hợp nhất và kết quả kinh doanh năm 2020 đều tăng trưởng so với thực hiện năm 2019 và vượt so với kế hoạch được giao năm 2020. Doanh thu đạt 25.874 tỉ đồng (đạt 104,98%), lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.911 tỉ đồng (đạt 119%). Riêng Công ty mẹ - Tập đoàn, doanh thu đạt 4.382 tỉ đồng (đạt 115,2%), lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.963 tỉ đồng (đạt 115,08%). Thanh toán cổ tức cho các cổ đông theo tỷ lệ 6%/vốn điều lệ, tương đương với số tiền 2.400 tỉ đồng.
Hoạt động thoái vốn ngoài doanh nghiệp theo đề án các doanh nghiệp mà VRG phải thoái vốn đã được thực hiện quyết liệt, đúng quy định, các khoản thu đều bù đắp chi phí và có lãi, đem lại nguồn thu đáng kể, đóng góp vào việc hoàn thành kế hoạch năm 2020.
Về chương trình phát triển bền vững, VRG tiếp tục thực hiện các khuyến nghị theo nhóm giải pháp để chuẩn bị cho lộ trình tái kết nối với FSC. Triển khai phương án quản lý rừng bền vững cho 100.000 ha và Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS/FM) cho 45.000 ha tại 13 công ty thành viên. Thực hiện Chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC/CoC) cho 23 nhà máy chế biến mủ cao su. Thực hiện Chứng nhận doanh nghiệp bền vững cho 20 công ty; kết quả có 2 công ty đạt top 10, 14/20 công ty đạt top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam năm 2020 và có 5/20 công ty đạt chuẩn Doanh nghiệp bền vững.
Nhờ kết quả sản xuất kinh doanh khả quan nên tiền lương và thu nhập của toàn VRG đều tăng hơn so với kế hoạch được giao. Thu nhập bình quân đạt hơn 7,6 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn 6% so với năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, ảnh hưởng lớn nhất của cả nước nói chung và VRG nói riêng đó là đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dự báo trước tình hình đó, lãnh đạo VRG đã đề ra nhiều kịch bản điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời phát động các đơn vị thi đua từ những ngày đầu, tháng đầu quyết tâm hoàn thành cao nhất nhiệm vụ năm 2021.
6 tháng đầu năm, VRG đã đạt được doanh thu 10.193 tỉ đồng (so với cùng kỳ năm 2020 đạt 149,6%), lợi nhuận trước thuế ước tính 1.988 tỉ đồng (so với cùng kỳ năm 2020 đạt 204,9%), thu nhập bình quân người lao động đạt hơn 6,7 triệu đồng/người/tháng (so với cùng kỳ năm 2020 đạt 121%).
VRG xây dựng kế hoạch doanh thu và thu nhập khác 27.100 tỉ đồng
Xin ông cho biết VRG đã chủ động thực hiện nhiệm vụ kép như thế nào?
Ông Lê Thanh Hưng: Mục tiêu chung của VRG trong năm 2021 phấn đấu khai thác hiệu quả tiềm năng hiện có, xây dựng kế hoạch có tăng trưởng so với năm 2020.
VRG và các đơn vị thành viên quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa nghiêm túc tổ chức phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, và các tỉnh, thành nơi có đơn vị cao su đứng chân, vừa ổn định tổ chức sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, bên cạnh việc nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của các cấp, trong thời gian qua, VRG và các đơn vị thành viên đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp và kịch bản trong việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Song song đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch VRG đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin nhanh, đúng, đủ về 2 mặt phòng và chống Covid-19.
|
Ngày 5.6.2021, tại lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, VRG đóng góp ủng hộ 200 tỉ đồng cho Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19. Đồng thời cũng đã ủng hộ kinh phí cho một số địa phương để phòng chống dịch Covid-19 như ủng hộ các tỉnh: Quảng Nam, Gia Lai, Lai Châu mỗi tỉnh 200 triệu đồng và tiếp tục ủng hộ nhiều địa phương khác để phòng chống dịch. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc của VRG đều ủng hộ kinh phí cho địa phương để chung tay cùng chính quyền thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.
|
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đợt dịch thứ 4 bùng phát trong nước bắt đầu từ ngày 27.4 đến nay, VRG đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến với các đơn vị thành viên trong và ngoài nước (có sự tham gia của Đại sứ quán nước sở tại như tại Lào và Campuchia) để nắm bắt tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như chỉ đạo phương án ứng phó kịp thời, quyết liệt.
|
Ngoài công tác chỉ đạo liên tục, kịp thời và nhanh chóng, VRG chủ đồng làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Campuchia và lãnh đạo các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Gia Lai để trao đổi, thống nhất trong việc hỗ trợ xuất, nhập cảnh và cách ly đối với lao động người Việt Nam đang làm việc ở các dự án phát triển cao su của VRG tại Lào và Campuchia.
Trong thời gian tới, VRG tiếp tục phát huy tốt công tác phòng chống dịch trong thời gian qua, và đặt mục tiêu 100% người lao động toàn VRG được xét nghiệm và tiêm vắc xin Covid-19 trong năm 2021 từ nguồn vắc xin quốc gia.
VRG đặt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 lên hàng đầu. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh 2021.
VRG sẽ quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch được giao về sản lượng, tài chính, nguồn vốn chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông, thu nhập người lao động có bước tăng trưởng so với năm 2020.
Năm 2021, VRG xây dựng kế hoạch doanh thu và thu nhập khác 27.100 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 5.700 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.600 tỉ đồng.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Việc chăm lo đời sống người lao động ra sao, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hưng: Trong bối cảnh kinh tế chung của cả nước, những năm qua, VRG đã gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên ở giai đoạn nào, lãnh đạo VRG và Công đoàn Cao su Việt Nam đều chú trọng quan tâm chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động, bởi đây là yếu tố quan trọng, quyết định trong quá trình phát triển của VRG.
Song song với các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần người lao động, lãnh đạo VRG và Công đoàn Cao su Việt Nam chỉ đạo các đơn vị ổn định tổ chức sản xuất, đảm bảo việc làm và thu nhập cho hơn 84.000 lao động. Đặc biệt, tiết giảm chi phí không cần thiết, có những giải pháp đồng bộ áp dụng trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động và thu nhập cho người lao động.
Từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh có thể thấy, dù muôn vàn khó khăn, trở ngại nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người lao động, VRG đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Tổng kết 10 năm qua, kinh phí tổ chức Tháng công nhân của toàn VRG đã thực hiện trên 302 tỉ đồng. Tháng công nhân năm 2021, Công đoàn Cao su Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng 60 nhà Mái ấm công đoàn với kinh phí 3 tỉ đồng cho các gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; thực hiện chương trình Ánh sáng công đoàn và thiết chế văn hóa cho cơ sở với kinh phí gần 900 triệu đồng…
Hiện nay trong tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát, Công đoàn Cao su Việt Nam chỉ đạo Ban chấp hành Công đoàn cơ sở đặc biệt quan tâm thăm hỏi, động viên, hỗ trợ chăm lo cho người lao động với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đối với cấp cơ sở, các đơn vị đặc biệt quan tâm, tập trung chăm lo tốt hơn cho người lao động trong mùa dịch, luôn đảm bảo thanh toán tiền lương, các chế độ chính sách, dự trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ đời sống công nhân.
4 mục tiêu chiến lược phát triển bền vững
Chiến lược phát triển của VRG trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hưng: Về định hướng mục tiêu, nhiệm vụ của VRG trong giai đoạn 2021 - 2025 là bảo đảm quyền lợi cao nhất cho Nhà nước và cổ đông trên cơ sở khai thác tối đa các nguồn lực của VRG bao gồm đất đai, lao động, khả năng luân chuyển nguồn vốn và thế mạnh của từng doanh nghiệp trong hệ thống với tốc độ tăng trưởng 5 - 8%/năm; Bảo đảm khả năng cung ứng nguyên liệu cao su ngành công nghiệp cao su trong nước phát triển và xuất khẩu; gỗ cao su nguyên liệu và gỗ MDF cho ngành chế biến gỗ.
Với mục tiêu chiến lược phát triển bền vững trên 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường, trong thời gian tới, VRG tiếp tục thực hiện tốt chương trình phát triển bền vững, đồng hành cùng Chính Phủ, cùng địa phương trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, chăm lo tốt đời sống của người lao động trên địa bàn, thực hiện tốt các hoạt động, chương trình an sinh xã hội, an ninh quốc phòng…
VRG đã xây dựng các chỉ tiêu từng lĩnh vực trong giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nông nghiệp: Đầu tư thâm canh, khai thác có hiệu quả vườn cây cao su hiện có; duy trì diện tích cây cao su đến năm 2025 tổng diện tích cao su khoảng 300.000 - 320.000 ha, diện tích cao su khai thác duy trì ổn định từ 250.000 - 260.000 ha, bảo đảm sản lượng khai thác trên 400.000 tấn (tăng 30% so với hiện nay). Phát triển khoảng 40.000 ha các loại cây trồng có đủ điều kiện ứng dụng các giải pháp công nghệ cao, có hiệu quả cao hơn trên quỹ đất trồng cao su có điều kiện thích hợp. Phát triển và khoanh nuôi, bảo vệ tối thiểu 20.000 ha rừng cây gỗ lớn trong các vùng cao su.
Thứ hai, đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến mủ cao su sẽ đầu tư xây dựng mới nơi có đủ nguyên liệu theo quy hoạch để đảm bảo chế biến hết sản lượng mủ khai thác của toàn VRG và một phần của thành phần kinh tế khác, với cơ cấu sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm ổn định. Đến 2025, tổng sản lượng chế biến và tiêu thụ toàn Tập đoàn đạt khoảng 500.000 tấn cao su/năm…
Thứ ba, về sản xuất sản phẩm công nghiệp cao su, giảm về số lượng lẫn tỷ lệ lượng mủ cao su xuất khẩu thô. Duy trì và phát triển các sản phẩm công nghiệp đã có như bóng thể thao, nệm, gối, găng tay y tế, băng tải… tiếp tục phát triển thương hiệu vỏ xe “★★★ VRG”.
Thứ tư, VRG tiếp tục khai thác có hiệu quả các khu công nghiệp đã được giao làm chủ đầu tư, đầu tư mở rộng các khu hiện có, đầu tư mới các khu công nghiệp theo quy hoạch của điạ phương...
Đối với các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và thu nhập người lao động, VRG đều xây dựng chỉ tiêu kế hoạch năm sau luôn cao hơn năm trước, có bước tăng trưởng qua từng năm.
Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bình luận (0)