Vụ án 6 cựu chiến binh 'hủy hoại rừng' ở Đắk Nông: Vi phạm tố tụng

Ngân Nga
Ngân Nga
30/07/2024 06:22 GMT+7

Theo ý kiến các luật sư, việc các cơ quan tố tụng ở TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) trả hồ sơ nhiều lần để điều tra bổ sung 6 cựu chiến binh về tội hủy hoại rừng, dẫn đến vụ án kéo dài tới 4 năm, đã vi phạm thủ tục tố tụng.

Như Thanh Niên ngày 29.7 đã đăng tải, sau khi được hủy án, 6 cựu chiến binh bị buộc tội "hủy hoại rừng" vẫn bị Viện KSND TP.Gia Nghĩa đề nghị truy tố ra tòa. Năm 2023, TAND TP.Gia Nghĩa đã 2 lần ra quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung nhiều vấn đề vì cho rằng "thiếu chứng cứ để chứng minh về hành vi hủy hoại rừng của các bị can".

[Theo cựu chiến binh Nguyễn Nam Thái (bên trái, 1 trong 6 bị can) cho rằng khi chi hội phát dọn rừng thì trên thực tế đã không còn rừng]_[NHẬT TIẾN].jpg

Cựu chiến binh Nguyễn Nam Thái (bên trái, 1 trong 6 bị can) cho rằng khi chi hội phát dọn rừng thì trên thực tế đã không còn rừng

NHẬT TIẾN

Sau khi điều tra bổ sung, từ đầu năm 2024 đến nay, Viện KSND TP.Gia Nghĩa 3 lần trả hồ sơ, yêu cầu Công an TP.Gia Nghĩa điều tra bổ sung.

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề trên, luật sư Nguyễn Thanh Huy (Văn phòng luật sư Nguyễn Thanh Huy) phân tích, các cựu chiến binh bị khởi tố ở khoản 1 điều 189 bộ luật Hình sự 1999, tội hủy hoại rừng, có mức án cao nhất là 5 năm tù. Ngoài ra, căn cứ vào điều 8 của luật này, thì các cựu chiến binh bị điều tra về loại "tội phạm nghiêm trọng". Đây là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội đó đến 7 năm tù.

Tháng 9.2020, Viện KSND TP.Gia Nghĩa ra quyết định trả hồ sơ để điều tra lại, nên thời hạn điều tra lại được tính từ ngày Cơ quan CSĐT Công an TP.Gia Nghĩa nhận được hồ sơ.

Căn cứ điều 172, khoản 3 điều 174 bộ luật Tố tụng hình sự, thì thời hạn điều tra lại được áp dụng giống như thời hạn điều tra lần đầu. Theo đó, thời hạn điều tra đối với loại "tội phạm nghiêm trọng" là không quá 3 tháng và có thể được gia hạn điều tra 2 lần. Trong đó, lần thứ nhất không quá 3 tháng và lần thứ hai không quá 2 tháng. Như vậy, tổng thời hạn điều tra đối với loại tội phạm này, tính cả thời gian gia hạn tối đa là không quá 8 tháng.

Viện kiểm sát chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung 2 lần (khoản 2 điều 174 bộ luật Tố tụng hình sự). Thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ được trả hồ sơ để điều tra bổ sung 1 lần, tương tự HĐXX cũng chỉ được trả 1 lần. Trường hợp vụ án do viện kiểm sát trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 2 tháng; nếu do tòa án trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá 1 tháng.

Từ những phân tích trên, luật sư Huy cho rằng tổng thời gian dài nhất có thể áp dụng để điều tra 1 vụ án hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng, trong trường hợp áp dụng hết thẩm quyền gia hạn điều tra và trả hồ sơ điều tra bổ sung, là không quá 14 tháng.

"Đối với vụ án 6 cựu chiến binh, Viện KSND TP.Gia Nghĩa ra quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vào tháng 9.2020 đến nay đã kéo dài gần 4 năm. Như vậy, các cơ quan tố tụng ở TP.Gia Nghĩa đã vi phạm về thời hạn tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án", luật sư Thanh Huy nói.

Ngoài ra, trong quá trình điều tra lại, Viện kiểm sát đã 3 lần trả hồ sơ điều tra bổ sung là trái thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 điều 174 bộ luật tố tụng Hình sự.

Lẽ ra vụ án này cơ quan CSĐT phải áp dụng điểm b khoản 1 điều 230 của bộ luật Tố tụng hình sự để đình chỉ điều tra do đã hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được các bị can thực hiện hành vi phạm tội.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích thêm, hậu quả pháp lý của việc đình chỉ vụ án là vụ án sẽ đương nhiên chấm dứt. Cơ quan có thẩm quyền phải phục hồi các quyền công dân cơ bản của bị can, bị cáo. Nếu việc đình chỉ vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được tội phạm thì cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.