Vụ án địa ốc Alibaba lừa bán dự án “ma”: Quyền lợi của 4.316 bị hại sẽ được giải quyết ra sao ?

Phan Thương
Phan Thương
07/08/2022 06:42 GMT+7

TAND TP.HCM chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba.

Vụ án đang được dư luận quan tâm bởi con số “khủng” như: lừa đảo chiếm đoạt 2.264 tỉ đồng của 4.316 người bị hại, tài sản phong tỏa kê biên được xác định khoảng 1.608 tỉ đồng.

Ngoài ra, hồ sơ vụ án khoảng 1 triệu bút lục; chỉ tính riêng cáo trạng vụ án và phụ lục danh sách người bị hại, phụ lục chi tiết bất động sản kê biên, tiền tạm giữ từ tài khoản, ô tô, xe máy... trong vụ án được diễn giải, lên tới 500 trang; cơ quan tố tụng đã phải sử dụng 2 xe tải để chở hồ sơ.

Khởi tố vợ Nguyễn Thái Luyện và 13 thuộc cấp của ông trùm "dự án ma" Alibaba

Để thuận tiện việc xét xử, TAND TP.HCM sẽ căng rạp ở sân tòa, thời gian xét xử sơ thẩm dự kiến kéo dài khoảng 2 tháng, đồng thời liên thông 2 phòng xử lớn nhất của tòa để tiến hành xét xử.

Khám xét Công ty CP địa ốc Alibaba trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án

T.N

Kê biên, phong tỏa trên 1.608 tỉ đồng

Cáo trạng xác định Tổng giám đốc Công ty CP địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện và 22 đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2.264 tỉ đồng/4.316 nạn nhân.

Nội dung vụ án thể hiện để tiện phân lô, bán nền các dự án không có thật, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm đã lập 12 công ty bất động sản làm chủ đầu tư 58 dự án “ma” tại 3 tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận nhằm chiếm đoạt số tiền trên của người bị hại.

TAND TP.Hà Nội từng xét xử vụ lừa đảo hơn 6.000 bị hại

Tháng 12.2020, TAND TP.Hà Nội từng xét xử vụ án lừa đảo hơn 1.100 tỉ đồng của hơn 6.000 người bị hại, xảy ra tại Công ty Liên Kết Việt. Trong vụ án này, 7 bị cáo lôi kéo khách hàng bỏ tiền tham gia hệ thống kinh doanh đa cấp nhằm hưởng hoa hồng, tiền thưởng cao…

Trước khi mở phiên tòa, HĐXX đã triệu tập hơn 6.000 bị hại đến tham dự phiên xử. Tuy nhiên, đa số người bị hại có đơn xin xét xử vắng mặt; có khoảng 500 người bị hại có mặt trực tiếp tham gia phiên tòa.

Về tang vật của vụ án địa ốc Alibaba lừa bán dự án “ma”, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã tạm giữ, phong tỏa một số tiền mặt, tiền trong tài khoản, tài sản khác, ô tô… Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã kê biên 652 thửa đất (khoảng 4 triệu m2), tổng giá trị theo kết quả định giá nhà và đất trên là hơn 1.536 tỉ đồng.

Như vậy, toàn bộ tài sản bị kê biên, phong tỏa trong vụ án ước tính trên 1.608 tỉ đồng. Trong khi đó, theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm chiếm đoạt hơn 2.264 tỉ đồng/4.316 nạn nhân. Vậy quyền lợi của người bị hại sẽ được giải quyết như thế nào?

"Nữ tướng" Alibaba trong giây phút lãnh án vì chỉ đạo "đập xe nó cho chị"

Tiền thanh toán được chia thế nào ?

Luật sư Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay trách nhiệm dân sự, bồi thường hay hoàn trả của Công ty CP địa ốc Alibaba đối với khách hàng, hay còn gọi là người bị hại sẽ được tòa án giải quyết trong vụ hình sự để giải quyết triệt để vụ án. Khi xét xử, tòa án sẽ nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo; xác định bao nhiêu người bị hại và buộc các bị cáo, hoặc Công ty CP địa ốc Alibaba phải bồi thường cho người bị hại số tiền cụ thể.

Ngoài ra, theo luật sư Hà Hải, mô hình kinh doanh của Công ty CP địa ốc Alibaba được hiểu là bán hàng đa cấp, nên bản chất các khoản hoa hồng, phần trăm lợi nhuận là tiền có được từ hành vi phạm tội. Nếu giải quyết triệt để thì quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ và thu hồi để trả cho người bị hại.

4.316 bị hại cần chuẩn bị gì ?

Trước khi xét xử, do vụ án có tính chất phức tạp với số lượng đương sự đặc biệt lớn, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các bị hại, TAND TP.HCM đã gửi thông báo giải thích quyền và nghĩa vụ của người bị hại; đề nghị bị hại có ý kiến bằng văn bản về 4 nhóm vấn đề: có đồng ý với thành phần HĐXX, có yêu cầu thay đổi ai trong thành phần HĐXX; trình bày ý kiến, yêu cầu cụ thể đối với vụ án. Các bị hại trực tiếp tham gia phiên tòa hay ủy quyền cho người khác tham gia phiên tòa, và việc ủy quyền phải theo thủ tục ủy quyền đúng quy định pháp luật. Trường hợp bị hại vắng mặt phải có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt và trình bày ý kiến, yêu cầu của mình. Trường hợp nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, đề nghị bị hại nộp các thủ tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định pháp luật.

TAND TP.HCM đề nghị các bị hại trong vụ án phải gửi văn bản trình bày ý kiến, yêu cầu đến TAND TP.HCM chậm nhất đến hết 17 giờ ngày 31.8.2022. Còn về thủ tục, tòa vẫn triệu tập các bị hại có mặt đến tham dự phiên xử, trường hợp người bị hại vắng mặt thì có đơn xin vắng mặt và nộp bản trình bày, yêu cầu đầy đủ. Còn đối với các bị hại có mặt tại tòa, họ sẽ được thẩm vấn, tranh tụng công khai. Ngoài ra, phiên tòa dự kiến kéo dài 2 tháng, nên tòa án đang tính phương án xét xử phù hợp, để bị hại không nhất thiết phải ngồi xuyên suốt phiên xử.

Về thứ tự thanh toán tiền, tài sản thi hành án, ông Hồ Quân Chính, giảng viên Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp), cho rằng dựa vào bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức thi hành án. Theo đó, trường hợp có nhiều người được thi hành án, thì việc thanh toán sẽ được thực hiện theo thứ tự: chi phí thi hành án; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần; án phí, lệ phí tòa án; các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

Ngoài ra, ông Chính nhấn mạnh trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án, thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án.

Trường hợp xử lý hết tài sản, nhưng vẫn không đủ điều kiện thi hành án, ông Hồ Quân Chính cho biết cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án theo điều 44a, luật Thi hành án dân sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.