Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Tranh cãi xác định tư cách tố tụng người bị xúc phạm

Phan Thương
Phan Thương
06/09/2023 14:32 GMT+7

Sau khi nhận quyết định xét xử vụ án Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm, đa số 10 cá nhân bị bà Hằng xúc phạm danh dự, uy tín đều có đơn kiến nghị gửi TAND TP.HCM đề nghị xác định họ là người bị hại.

Dự kiến, ngày 21 và 22.9, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Tranh cãi xác định tư cách tố tụng người bị xúc phạm - Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Phương Hằng

CACC

Cũng theo quyết định xét xử, 10 cá nhân bị Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm xâm phạm bí mật đời tư cá nhân và có những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự đều được TAND TP.HCM xác định tư cách tố tụng là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, gồm: ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Đặng Thị Hàn Ni, ông Nguyễn Đức Hiển, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) và chồng là ông Lê Công Vinh, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Ðinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Việt Hà.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Tranh cãi xác định tư cách tố tụng người bị xúc phạm

Đến sáng nay (6.9), một số luật sư và đại diện ủy quyền cho các cá nhân nêu trên đã có kiến nghị gửi TAND TP.HCM, đề nghị tòa cần xác định thân chủ của họ là người bị hại.

Nguyễn Phương Hằng tác động trực tiếp, gây thiệt hại cho cá nhân

Chẳng hạn, luật sư Nguyễn Thành Công (bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Đức Hiển) đã gửi đơn kiến nghị lên tòa cho rằng TAND TP.HCM đã xác định sai tư cách tố tụng đối với thân chủ ông.

Theo luật sư Công, cần xác định ông Nguyễn Đức Hiển là người bị hại, bởi khoản 1 điều 62 bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định, cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra và thiệt hại này là khách thể trực tiếp của tội phạm thì cá nhân đó được xác định là bị hại trong vụ án.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Tranh cãi xác định tư cách tố tụng người bị xúc phạm - Ảnh 2.

Luật sư Nguyễn Thành Công

PHAN THƯƠNG

Bên cạnh đó, luật sư Công phân tích cáo trạng xác định “Nguyễn Phương Hằng đã có các phát ngôn thông tin bịa đặt, sai sự thật; có nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân của ông Nguyễn Đức Hiển”. Vì vậy, khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Phương Hằng tác động trực tiếp, gây thiệt hại cho ông Hiển.

Ngoài ra, theo luật sư Công, mặc dù tội 331 nằm trong chương về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, nhưng khách thể trực tiếp của tội này là 3 đối tượng độc lập nhau: lợi ích nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức; cá nhân.

"Điều này đồng nghĩa với việc, nếu một cá nhân bị hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp thì cá nhân đó phải được xác định là bị hại của vụ án”, luật sư Công nêu trong đơn kiến nghị gửi tòa.

Xem nhanh 20h ngày 6.9: Ca sĩ Vy Oanh, Thủy Tiên,.. đề nghị xác định là người bị hại vụ Phương Hằng

Cần sửa đổi luật phù hợp

Luật sư Đặng Xuân Cường (Trưởng ban Hình sự - Công ty Luật TAT Law firm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng, 10 cá nhân bị Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm trực tiếp xúc phạm danh dự, uy tín cần được xác định là người bị hại.

Theo luật sư Cường, gần đây một số vụ việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân trên mạng xã hội, và xuất phát từ đơn tố giác tội phạm của những cá nhân bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan.

Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Tranh cãi xác định tư cách tố tụng người bị xúc phạm - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Xuân Cường

NVCC

Luật sư Cường cho hay quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra và viện kiểm sát đều xác định người bị xâm phạm là người bị hại. Tuy nhiên khi hồ sơ đưa qua tòa án, thì họ lại được tòa xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

"Với mỗi cá nhân, danh dự, nhân phẩm, và trên hết tính mạng sức khỏe được nhà nước bảo hộ. Trong bộ luật Hình sự có chế định xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người nằm ở Chương XIV. Hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của cá nhân trong một chừng mực nào đó, nó là biểu hiện của làm nhục, vu khống, làm mất danh dự của người đó”, luật sư Cường đánh giá.

Từ đó, luật sư Cường cho rằng, tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là một dạng tội danh kép, có nhiều chủ thể. Tuy nhiên, tội này được đặt trong chương về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, tức xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức nhà nước, làm giảm hiệu lực quản lý nhà nước, là không đảm bảo tính logic, khoa học.

“Trong tương lai gần khi sửa đổi bộ luật Hình sự, thì các nhà làm luật cũng nên xem xét đưa hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của cá nhân sang chương xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người”, luật sư Cường kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.