Vụ án “nợ điều lệ” - Bài 2: Lợi nhuận bất thường

29/09/2009 00:42 GMT+7

Nhận được báo cáo kết quả hoạt động của Cảng Phú Mỹ trong năm 2008, Bitex và Việt Hà sửng sốt vì trong bảng phân tích lãi, lỗ hằng tháng có đề cập kết quả lãi bất thường 49,3 tỉ đồng, chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận từ việc chuyển nhượng khu đất Cargill cho Bunge với giá 3 triệu USD.

Theo những tài liệu chúng tôi thu thập được thì từ cuối năm 2006, Bunge đã “nhắm” khu đất này. Trong văn thư gửi Tổng giám đốc Baria Serece đề ngày 25.9.2006, Tổng giám đốc khu vực châu Á của Bunge đã viết: “Tôi xin bày tỏ sự quan tâm của chúng tôi để được sử dụng lô đất của Baria Serece tiếp giáp hai nhà kho chúng tôi đang thuê của cảng và Nhà máy Baconco (lô đất vừa thu hồi lại từ Cargill). Đổi lại, và bao gồm mọi chi phí vận động và chuyển giao liên quan, Bunge sẽ trả tiền thuê đất hằâng năm, hoàn trả số tiền đã bồi hoàn cho Cargill, và chuẩn bị mặt bằng cho mục đích sử dụng công nghiệp theo yêu cầu và vào thời điểm cần thiết...”.

Trong khi việc cổ phần hóa liên doanh Baria Serece đang bị Bitex và Việt Hà khiếu nại chưa giải quyết xong thì ngày 16.10.2008, Bunge Aisa, bộ phận hoạt động tại châu Á của Bunge Limited, công bố đã mua lại SSI Logistics, chi nhánh tại Pháp của Tập đoàn SSI/EMC. Vào thời điểm phát sinh khiếu kiện như chúng tôi đã đề cập, SSI Logistics là 1 trong 5 thành viên sáng lập liên doanh Baria Serece, tỷ lệ góp vốn chiếm 50%.

Tại báo cáo điều hành ngày 12.3.2007, Tổng giám đốc Baria Serece cũng cho biết: “Bunge nhiều lần ngỏ ý được lập dự án trên lô đất 105.203m2 thu hồi từ Cargill mà cảng đã hoàn tất nhận bàn giao hồi cuối năm 2006. Dự án tổng thể về một phức hợp chế biến dầu ăn đã được trình lên chính quyền tỉnh hồi tháng 11.2006 và bước đầu đã được tỉnh chấp thuận trên nguyên tắc một sự hợp tác giữa Baria Serece và Bunge”.

Về “sự hợp tác” này, như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, Tổng giám đốc Baria Serece trong phiên họp ngày 15.6.2007 đã thuyết trình trước HĐQT rằng “Baria Serece không phải tốn kém bất cứ chi phí nào”, bởi đơn giản chỉ là việc lách luật để cho thuê đất. Cũng tại phiên họp này, khi Việt Hà và Bitex không đồng ý thông qua bản dự thảo điều lệ của công ty cổ phần, đại diện SSI Logistics, ông Emmanuel Cortadellas, đã nặng nề: “Lập trường của các thành viên phía Việt Nam ví như xây một bức tường vững chắc nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Trong trường hợp của chúng ta, dự án đầu tư của Bunge với 40 triệu USD sẽ tăng giá trị công ty lên gấp đôi khi công ty cổ phần tham gia thị trường chứng khoán. Chúng ta cũng hiểu rằng Bunge hoàn toàn có thể mang dự án của họ đến nơi khác, và rút hết hàng hóa khỏi Cảng Phú Mỹ”.

Chưa bàn đến việc “sức nặng” của thông điệp ấy đã gây ảnh hưởng như thế nào đến các quyết định của Sở KH-ĐT, UBND tỉnh và kể cả TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sau đó, ở đây trước mắt ai cũng nhìn thấy một chi tiết hiển nhiên là nhà đầu tư đến từ nước ngoài này đã không coi cổ đông Công ty cổ phần cao su Thống Nhất (mà đại diện là Tổng giám đốc Lê Văn Lợi), là “thành viên phía Việt Nam” như Bitex và Việt Hà. Mục đích của SSI Logistics, tưởng chừng như rất quyết liệt cho quyền lợi chung của liên doanh trước cơ hội làm ăn với đối tác lớn, nhưng trên thực tế, SSI Logistics chỉ mong cổ phần hóa liên doanh càng sớm càng tốt để tìm một cơ hội riêng với Bunge. Và trong lộ trình đó, chỉ có 2 thành viên “cản địa” mà họ coi là “phía Việt Nam”, gồm Việt Hà và Bitex. Thực tế là sau khi “dập tắt” được 2 cổ đông này và “cổ phần hóa thắng lợi” Baria Serece, chỉ một năm sau, vào tháng 10.2008, người ta đã thấy thông cáo báo chí của Bunge công bố “đã mua lại 50% cổ phần của chủ đầu tư – nhà khai thác Cảng Phú Mỹ”, tức SSI Logistics, chi nhánh tại Pháp!

Những việc trên Sở KH-ĐT và UBND tỉnh BR-VT có biết hay không, giờ đây có lẽ cũng không quan trọng. Đỉnh điểm của bi kịch là nằm ở phía hai cổ đông nhỏ Việt Hà và Bitex, vốn đã bị “tước quyền có ý kiến” kể từ sau phiên họp HĐQT diễn ra ngày 15.6.2007. Họ không thể không lo lắng cho tình trạng pháp lý và tương lai đồng vốn đầu tư của mình tại liên doanh. Trong bối cảnh như vậy, họ lại nhận được báo cáo năm 2008 của Baria Serece và biết thêm rằng những người điều hành đã bán luôn khu đất Cargill (cũ) cho Bunge với giá 3 triệu USD. Vị Tổng giám đốc cũ của Bitex, ông Nguyễn Văn Thiện, tâm sự với chúng tôi rằng gần 20 năm nặng nợ với liên doanh, giờ đây Bitex (nguyên là một doanh nghiệp kinh tế của Thành ủy TP.HCM) rơi vào cảm giác như không thể hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra!

Nhiều tháng liền, người đại diện theo pháp luật hiện nay của Bitex, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Dũng, đã phát công văn yêu cầu Tổng giám đốc Baria Serece cung cấp hồ sơ liên quan đến thương vụ chuyển nhượng khu đất nói trên, song vẫn không được đáp ứng. Trong văn bản trả lời ngày 1.7.2009, Tổng giám đốc Jean Louis Nicaise kể lể loanh quanh: “Từ năm 2006, liên doanh đã được UBND tỉnh và Ban Quản lý các KCN chấp thuận nhận chuyển nhượng quyền thuê khu đất 119.555m2 tại KCN Phú Mỹ I, thu hồi từ dự án Dầu thực vật Cargill do Cargill chậm triển khai dự án. Liên doanh đã thanh toán mọi chi phí liên quan đến khu đất mà Cargill đã tiêu tốn. Tuy nhiên do không thu xếp được tài chính, công ty chúng ta đã không thể triển khai dự án trên khu đất. Vào ngày 6.10.2008, Ban Quản lý các KCN ban hành công văn cho biết nếu công ty tiếp tục không triển khai dự án thì sẽ thu hồi để cấp cho dự án khác...”. Cuối cùng vị tổng giám đốc này bảo: “Nếu ông muốn biết thêm thông tin liên quan đến tình trạng khu đất, ông có thể liên hệ với Ban Quản lý các KCN để được giải thích rõ hơn”.

Bitex tiếp tục đòi xem các quyết định giao đất, quyết định thu hồi đất và bản thỏa thuận chuyển nhượng cho Bunge với giá 3 triệu USD, nhưng cũng không được đáp ứng. Thậm chí ngay cả “quyền được xem chứng từ” của một thành viên sáng lập, thì giờ đây, một người chỉ làm công việc “phụ trách phòng hành chánh” của Baria Serece, trong văn bản trả lời cũng trở nên xa lạ: “Tổng giám đốc của chúng tôi đang đi công tác ở nước ngoài nên chúng tôi chưa thể liên hệ được để chuẩn y việc cung cấp thông tin. Vì vậy kính mong quý Công ty Bitex thông cảm”.

Võ Khối

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.