Vụ án ông Trần Hùng: Vì sao người đưa hối lộ không bị xử lý?

27/07/2023 17:32 GMT+7

Trong vụ án ông Trần Hùng, cả người nhận hối lộ và môi giới hối lộ đều phải lãnh án tù, thế nhưng người đưa hối lộ lại không bị xử lý.

Ngày 27.7, TAND TP.Hà Nội tuyên phạt bị cáo Trần Hùng, cựu Tổ trưởng Tổ 304, nay là Tổ 1444 (Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương), mức án 9 năm tù về tội nhận hối lộ; Nguyễn Duy Hải, lao động tự do, bị tuyên 27 tháng tù về tội môi giới hối lộ.

Vụ án này, ngoài việc cựu cán bộ QLTT Trần Hùng một mực kêu oan, một tình tiết khác được nhiều người quan tâm, đó là trong khi cả người nhận hối lộ và người môi giới hối lộ đều đã bị tuyên án tù nhưng không thấy xử lý người đưa hối lộ.

Bị cáo Trần Hùng (trái) và Nguyễn Duy Hải tại tòa ngày 27.7

PHÚC BÌNH

Ai là người đưa hối lộ?

Theo cáo buộc, từ đầu năm đến tháng 6.2021, Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, cùng đồng phạm sản xuất, nhập kho tổng cộng gần 9,5 triệu quyển sách giáo khoa giả với tổng giá trị hơn 260 tỉ đồng. Nhóm này đã tổ chức tiêu thụ hơn 6,3 triệu quyển, thu lời bất chính khoảng 30 tỉ đồng.

Trước khi đường dây trên bị phanh phui, tháng 7.2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội QLTT số 17 (Hà Nội) kiểm tra, thu giữ hơn 27.300 quyển sách giáo khoa giả. Biết ông Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo, bị cáo Thuận đã liên lạc nhờ giúp đỡ xử lý nhẹ vụ việc. Ông Hùng đồng ý “tha” với điều kiện bà Thuận phải chỉ ra các cơ sở vi phạm khác.

Tiếp đó, bị cáo Thuận bàn bạc, trao đổi, thống nhất với Nguyễn Mạnh Hà, Phó giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, và Nguyễn Duy Hải về việc sẽ chi 400 triệu đồng cho bị cáo Hùng.

Ngày 14.7.2020, bị cáo Thuận đưa 300 triệu đồng cho bị cáo Hà. Bị cáo Hà đưa số tiền này cho bị cáo Hải, để bị cáo Hải đưa cho bị cáo Hùng.

Ngày 15.7.2020, Nguyễn Duy Hải cầm theo 300 triệu đồng đến phòng làm việc của ông Trần Hùng tại Tổng cục QLTT, đưa cho ông Hùng.

Cơ quan tố tụng cáo buộc, sau khi nhận tiền, bị cáo Trần Hùng hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách bị thu giữ, từ sách giả thành sách do người khác ký gửi; đồng thời chỉ đạo Đội QLTT số 17 xử lý vụ việc theo hướng mà bị cáo Thuận thay đổi lời khai.

Do sự can thiệp nêu trên, vụ việc sai phạm của Công ty Phú Hưng Phát lẽ ra phải được chuyển sang cơ quan điều tra thì chỉ bị xử phạt hành chính.

Căn cứ kết quả điều tra, bị cáo Hùng bị truy tố, xét xử và tuyên án về tội nhận hối lộ; bị cáo Hải tội môi giới hối lộ; bị cáo Thuận và bị cáo Hà tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Vụ án ông Trần Hùng: Vì sao người đưa hối lộ không bị xử lý? - Ảnh 2.

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận được miễn trách nhiệm hình sự về hành vi đưa hối lộ

PHÚC BÌNH

Vì sao đưa hối lộ mà không bị xử lý?

Hồ sơ vụ án cho thấy, 2 bị cáo Cao Thị Minh Thuận và Nguyễn Mạnh Hà đã có dấu hiệu phạm tội, thế nhưng trong khi bị cáo Trần Hùng và Nguyễn Duy Hải đã bị xử lý bằng các mức án tù thì cả hai người đều “thoát”. Vì sao lại có tình huống này?

Theo Viện KSND tối cao, quá trình điều tra đã chứng minh rõ bị cáo Thuận là người nhờ bị cáo Hà liên hệ với bị cáo Hải, để nhờ bị cáo Hải kết nối với bị cáo Hùng. Bị cáo Thuận cũng là người bỏ ra 300 triệu đồng đưa cho bị cáo Hà, sau đó bị cáo Hà đưa cho bị cáo Hải để chuyển tới tay bị cáo Trần Hùng.

Hành vi của bị cáo Thuận có dấu hiệu phạm tội đưa hối lộ, còn hành vi của bị cáo Hà có dấu hiệu phạm tội môi giới hối lộ.

Tuy nhiên, tại cơ quan điều tra, 2 bị cáo Thuận và Hà đã tích cực hợp tác, chủ động khai báo hành vi trước khi bị phát giác. Căn cứ vào khoản 7 điều 364, khoản 6 điều 365 bộ luật Hình sự năm 2015 và Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, cơ quan tố tụng quyết định miễn trách nhiệm hình sự đối với cả 2 người.

Khoản 7 điều 364 bộ luật Hình sự có nêu: “Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ”. Khoản 6 điều 365 bộ luật Hình sự thì quy định: “Người môi giới hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Hướng dẫn chi tiết hơn về vấn đề này, Nghị quyết số 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao giải thích: “Chủ động khai báo trước khi bị phát giác” là trường hợp hành vi phạm tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.