Vụ án Trương Mỹ Lan: Chấp hành viên thi hành án dân sự theo dõi sát phiên tòa

Phan Thương
Phan Thương
27/02/2024 12:01 GMT+7

Theo Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM, việc phối hợp với tòa án, cử chấp hành viên theo dõi sát phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan, sẽ đảm bảo tính thống nhất, thu hồi nhanh và thu hồi tối đa thiệt hại trong vụ án.

Ngày 27.2, lãnh đạo Cục THADS TP.HCM cho hay, trong thời gian xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác, Cục sẽ phối hợp với TAND TP.HCM, cử chấp hành viên tham dự phiên tòa, để theo dõi thông tin phiên xử.

Vụ án Trương Mỹ Lan: Chấp hành viên thi hành án dân sự theo dõi sát phiên tòa- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan và thiệt hại của SCB

ĐỒ HOẠ: LÂM NHỰT

Quá trình theo dõi xét xử của tòa án, Cục THADS sẽ nắm bắt các thông tin, bản chất vụ việc, nguồn tiền phạm tội, quan điểm vụ án xuyên suốt; bám sát phần quyết định về phần dân sự và xử lý vật chứng, từ đó thuận lợi cho cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án ngay khi án có hiệu lực thi hành, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản và thu hồi tối đa.

Cận cảnh nơi xử lý hàng ngàn sổ đỏ trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Lãnh đạo Cục THADS TP.HCM cũng thông tin, đến ngày hôm qua (26.2), sau gần 3 ngày thì việc bàn giao vật chứng giữa Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an và Cục THADS TP.HCM đã hoàn tất.

Thông qua công tác bàn giao vật chứng giữa các bên, trên cơ sở dữ liệu từ C03, Cục THADS TP.HCM sẽ đối chiếu và lập một file dữ liệu riêng, đồng thời sẽ chuyển thông tin dữ liệu này sang tòa án để tòa đối chiếu trong quá trình xét xử nhằm đảm bảo tính chính xác, thống nhất.

Vụ án Trương Mỹ Lan: Chấp hành viên thi hành án dân sự theo dõi sát phiên tòa- Ảnh 2.

Cục THADS TP.HCM tiếp nhận và đối chiếu vật chứng trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB

PHAN THƯƠNG

Ngoài ra, trong quá trình bàn giao vật chứng, Cục THADS TP.HCM đã kiểm tra, thống kê các vật chứng là giấy chứng nhận theo từng loại tài sản đất nông nghiệp hết hạn sử dụng, đất ở, đất dự án, sổ tiết kiệm, thiết bị điện tử, giấy chứng nhận cổ phần…

Đối với tài sản là đất nông nghiệp hết hạn sử dụng Cục THADS TP.HCM sẽ trao đổi với tòa án để có phương án xử lý.

Theo lãnh đạo Cục THADS TP.HCM, vụ án sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, vật chứng bị thu giữ, kê biên, phong tỏa… trong vụ án lớn, vì vậy Cục THADS TP.HCM sẽ có báo cáo gửi Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, Thành ủy và UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức thi hành; đồng thời sẽ báo cáo các khó khăn vướng mắc mà cơ quan thi hành án sẽ gặp phải như con người, kinh phí và cơ chế… khi tổ chức thi hành vụ việc trên, để đảm bảo việc tổ chức thi hành án nhanh, thuận lợi.

Trước đó, ngày 22.2, Cục THADS TP.HCM tiếp nhận các vật chứng của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan từ C03. Vật chứng là gần 1.600 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận cổ phần, giấy tờ có giá khác; thiết bị điện tử, vật lưu trữ dữ liệu điện tử; các sổ tiết kiệm; điện thoại di động các loại...

Xem nhanh 20h ngày 4.3: Thông tin phiên toà Vạn Thịnh Phát | Lập biên bản người 'lên đồng' cắn người

Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng

Theo hồ sơ vụ án, bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc dù không nắm chức vụ gì tại SCB, song với việc nắm giữ 91,5% cổ phần đã chi phối, lũng đoạn chỉ đạo toàn bộ hoạt động ngân hàng.

Trong 10 năm liên tiếp (từ 2012 - 2022), SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan 2.257 khoản vay với tổng số tiền hơn 1.066.000 tỉ đồng - chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng. Đến năm 2022, nhóm bị cáo còn 1.284 hồ sơ vay, tương đương dư nợ 677.286 tỉ đồng (nợ gốc 483.971 tỉ đồng, lãi/phí 193.315 tỉ đồng), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi. Sau khi trừ giá trị tài sản đảm bảo, Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng.

Viện KSND tối cao truy tố bà Trương Mỹ Lan về 3 tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Trong 80 bị cáo còn lại có 45 cựu lãnh đạo, cán bộ NH SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị Viện KSND tối cao truy tố về các tội: tham ô tài sản, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.

Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Công ty Văn Lang và Công ty Capella) bị xét xử tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khi chiếm đoạt của bà Lan 1.000 tỉ đồng.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.