Theo quy định của Bộ GD-ĐT, các văn bằng cấp cho người không đủ điều kiện sẽ bị thu hồi, hủy bỏ.
Theo Điều 25 của Thông tư 21/2019 của Bộ GD-ĐT (thông tư ban hành quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm, văn bằng giáo dục ĐH và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân), văn bằng, chứng chỉ bị thu hồi, hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:
- Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, thi cử, bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, luận văn, luận án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ;
- Cấp cho người không đủ điều kiện;
- Do người không có thẩm quyền cấp;
- Bị tẩy xóa, sửa chữa;
- Để cho người khác sử dụng;
- Do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ.
Khi đó, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ có trách nhiệm thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định việc thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ trong các trường hợp khác.
Thượng tọa Thích Chân Quang không nằm trong danh sách nhận bằng: Bộ GD-ĐT đang khẩn trương xác minh
Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ ra quyết định thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ. Nội dung của quyết định nêu rõ lý do thu hồi, hủy bỏ. Quyết định được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ; được gửi đến người bị thu hồi văn bằng, chứng chỉ, cơ quan kiểm tra phát hiện sai phạm (nếu có), cơ quan người bị thu hồi văn bằng, chứng chỉ đang công tác (nếu có) và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Bên cạnh đó, cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT đối với tuyển sinh và đào tạo trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, trường hợp học viên có hành vi gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ (sử dụng bằng giả trong hồ sơ đăng ký) thì sẽ bị buộc thôi học. Các văn bằng nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định.
Nghị định số 04 ngày 22.1.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cũng quy định rõ, tùy theo hành vi cụ thể mà người sử dụng bằng giả có thể bị xử phạt vi phạm về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ với mức phạt từ 30 triệu đến 40 triệu đồng (khoản 3, Điều 21 Nghị định 04).
Trường hợp nào thu hồi bằng tiến sĩ?
Đáng chú ý, Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD-ĐT ghi rõ: "Nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp: hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo; sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án và bị Hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sao chép, trích dẫn đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu quy định của Quy chế này; luận án của nghiên cứu sinh không được Hội đồng thẩm định thông qua theo quy định".
Vấn đề các văn bằng đã cấp bị thu hồi, hủy bỏ trong trường hợp nào được dư luận quan tâm sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM có công văn xác minh văn bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa của ông Vương Tấn Việt. Theo công văn này, ông Vương Tấn Việt không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GD-ĐT; Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6.6.1989 của Sở GD-ĐT TP.HCM.
Trước đó, như Báo Thanh Niên đã đưa tin, ngày 25.6, Trường ĐH Luật Hà Nội đã gửi thông cáo báo chí tới các cơ quan truyền thông, thông báo về quá trình đào tạo tiến sĩ của học viên Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, người gây ồn ào trong dư luận xã hội về việc lấy bằng tiến sĩ trong vòng 2 năm trong khi trước đó chỉ có bằng đại học tại chức ngành luật.
Theo đó, ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959, có văn bằng 1 trình độ đại học tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ, nay là Trường ĐH Hà Nội; văn bằng 2 ngành luật hình thức vừa học vừa làm của Trường ĐH Luật Hà Nội. Sau đó ông Vương Tấn Việt trúng tuyển nghiên cứu sinh Trường ĐH Luật Hà Nội, sau hơn 2 năm đào tạo thì được cấp bằng tiến sĩ.
Trong thông cáo báo chí, Trường ĐH Luật Hà Nội khẳng định, trường hợp ông Vương Tấn Việt, tức thượng tọa Thích Chân Quang, trúng tuyển nghiên cứu sinh và được cấp bằng tiến sĩ là đúng pháp luật.
Bình luận (0)