(TNO) Vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ (18 tuổi) hành hạ dã man khiến cháu bé Đ.N.Long (18 tháng tuổi), con của chị Võ Thị Huyền (24 tuổi, quê Nghệ An), tử vong không chỉ khiến gia đình chị Huyền tan nát mà còn là nỗi đau chung của những người liên quan.
>> Bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu hành hạ chết: Nỗi đau tột cùng của cha mẹ
>> Cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu hành hạ chết thảm
|
Nỗi đau không chỉ ập đến với cha mẹ của bé Long mà nó còn khiến cho người chồng và đứa con nhỏ của nghi phạm Hồ Ngọc Nhờ tan nát.
Mẹ đâu rồi nội?
Cũng khép kín cửa như phòng gia đình cha mẹ bé Long, căn phòng của anh Phan Thanh Sơn (24 tuổi, chồng nghi phạm Hồ Ngọc Nhờ) cũng bao trùm không khí lạnh lẽo không kém.
Chỉ có sự khác biệt là nơi đây còn có tiếng trẻ thơ, tiếng bé N. (con anh Sơn và nghi phạm Nhờ). Thỉnh thoảng, cháu lại thốt lên câu hỏi làm đau lòng người lớn: "Mẹ đâu rồi nội?".
|
Mỗi lần như thế cả anh Sơn và bà Nguyễn Thị Loan (bà nội cháu N.) lại nói dối bé là mẹ đi chợ nhưng chẳng được bao lâu thì đứa bé lại ngây thơ hỏi tiếp.
Anh Sơn đau đớn tâm sự: "Chuyện xảy ra không ai muốn hết, bên kia mất con, bên này cháu cũng thiếu mẹ, nhà đang yên bình giờ tan hoang, không muốn làm ăn gì nữa".
Theo anh Sơn, hiện giờ gia đình anh chỉ cầu mong cho bên đó có bắt bồi thường thì cho thời gian ráng gom góp chứ nhà không có gì hết.
Bà Loan tiếp lời cho biết cả nhà ở quê không có đất đai gì, cả gia đình lên đây làm ăn. Tôi đi bán vé số, nó ở nhà giữ con thì sẵn tiện nhận lời trông luôn mấy đứa nhỏ kiếm tiền bánh cho con, và cũng giữ vì quen biết chứ tiền bạc chẳng đáng bao nhiêu.
Bà Loan cho biết hôm qua cũng có qua nhà chỗ anh Đức, chị Huyền để chia sẻ nhưng giờ thì cả hai gia đình chỉ còn biết chờ đợi "công an làm việc".
|
Anh Sơn cho biết thêm, trước đó một tuần anh có đề nghị trả bé Long về không giữ nữa vì cháu yếu hơn các bé khác. "Tháng trước cháu Long té từ trên gác bị gãy tay, đầu cũng đã có sẵn vết thâm chưa hết, cả dãy trọ ai cũng nói không nên giữ”, anh Sơn nói thêm.
“Nhưng vì mẹ nó năn nỉ quá nên vợ tôi thấy thương nên vẫn nhận. Có mấy đứa nữa giữ ở đây nhưng trước giờ có ai nói gì đâu. Nếu lúc đó trả ngay thì không gặp tình cảnh này rồi”, anh Sơn tâm sự.
Con Nhờ có sống ác với ai đâu?
“Nghe tin thằng bé bị đánh chết, lúc đó tôi bủn rủn hết chân tay, không thể tưởng tượng được chuyện như thế xảy ra tại ngay chính nơi con mình đang gửi”, chị Uông Thị Hiền (31 tuổi, quê Thanh Hóa) nhớ lại.
Chị Hiền cho biết cũng gửi con ở nhà chị Nhờ hơn 3 tháng nay (gửi từ 7-12 giờ trưa với giá 1 triệu đồng/tháng). Chị cho biết trong quá trình gửi chưa xảy ra chuyện gì với bé. Chỉ có điều lạ theo chị Hiền là mỗi lần đưa bé tới thì bé đều khóc như sợ hãi, trưa tới đón bé cũng khóc nhưng về nhà lại chơi bình thường.
Bạn Lê Thị Kiều Linh (sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) ở trọ sát phòng của chị Nhờ cho biết: Trước giờ thấy chị ấy cũng bình thường, sống hòa nhã; chị em cũng hay qua chơi thấy chị ấy có dọa nạt khi bé khóc, với con chị ấy cũng làm thế. Chị Nhờ giữ trẻ đã lâu nhưng trước giờ chưa có tai tiếng gì.
Cũng chung dãy trọ, ông Nguyễn Thanh Tùng (33 tuổi, quê Đồng Tháp) nói: “Có thể khi bị bắt, con Nhờ sợ quá nên khai lung tung chứ trước giờ nó sống cũng có ác với ai bao giờ đâu. Cả dãy trọ này biết mà. Nghe tin nó đánh đứa bé chết mà tôi cảm thấy sốc”.
Ông Lê Kim Thanh, tổ trưởng tổ 9 nơi xảy ra vụ án, cho biết: “Việc chị Hồ Ngọc Nhờ nhận giữ trẻ là không có đăng ký với chính quyền. Cái này là trái với pháp luật. Đây là sự thỏa thuận giữa hai bên tôi không biết, lúc nghe tôi cũng rất bất ngờ".
Trước đây, chỉ hai ngày trước, dãy nhà trọ này vẫn luôn râm ran tiếng trẻ thơ. Còn bây giờ im bặt, thỉnh thoảng chỉ có tiếng của bé N. hỏi "mẹ đâu rồi?".
Giữ trẻ phải có cái tâm Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cô gái giữ trẻ, hành hạ khiến cháu bé 18 tháng tuổi chết thảm không thể gọi là bảo mẫu hay giáo viên vì chỉ hành nghề tự do, không có bằng cấp. Theo bà Thanh, cô gái nhận giữ thêm trẻ trong gia đình nên ngay cả địa phương cũng khó quản lý. “Khi đọc thông tin cháu bé 18 tháng tuổi bị hành hạ chết thảm, tôi giật mình vì mức độ tàn nhẫn của cô gái giữ trẻ này. Ngay cả người không làm trong ngành giáo dục còn cảm thấy căm phẫn vì rõ ràng làm công việc giữ trẻ phải là những người có tâm, yêu trẻ như mẹ hiền...”, bà Thanh chia sẻ. Bà Thanh cũng thừa nhận một thực tế là hệ thống trường mầm non công lập hiện nay ở TP.HCM bị quá tải, việc tìm một nơi giữ con đối với các gia đình là công nhân nhập cư cũng khó khăn hơn. Thế nhưng, với trường hợp cháu bé 18 tháng tuổi, bà Thanh cũng cho rằng gia đình vẫn có thể tìm một nơi tốt để trông trẻ, nhưng có thể vợ chồng công nhân đã chọn cô Nhờ trông trẻ giúp vì gần nhà hơn. M.Quyên (ghi) |
Bài, ảnh: Hữu Thành
>> Dài cổ chờ nhà trẻ - Kỳ 2: Nhiều công trình đang nằm... trên giấy
>> Dài cổ chờ nhà trẻ
Bình luận (0)