>> Vụ Bức bình phong 'có con quỷ' ở lăng Ngô Quyền: Làm không đúng, báo cáo sai sự thật
>> Đập bỏ bình phong ở lăng Ngô Quyền
>> Dừng thi công ở lăng Ngô Quyền
>> Bình phong lăng Ngô Quyền bị đục nham nhở
>> Đường Lâm lại nóng vì lăng Ngô Quyền
Bức bình phong với hình con hổ mà như “con quỷ” đã làm người dân ở quanh lăng Ngô Quyền bất bình từ nhiều ngày nay. Tuy nhiên, họ lại không được dự cuộc họp bàn về vấn đề này sáng nay 15.3. Cuộc họp được tổ chức tại thị xã, phần lớn là cán bộ. Cũng chính tại cuộc họp này ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng Ban quản lý di tích Đường Lâm cho biết ông sẽ còn phải lập hội đồng thẩm định rồi mới báo cáo lên trên về việc có tiếp tục làm tấm bình phong ở đây nữa hay không.
|
Ông Sơn cũng nhấn mạnh nhiều lần trong cuộc họp, rằng việc thực hiện dự án đã được thực hiện hết sức dân chủ, đúng luật Di sản.
Ngay cả việc liên kết trao đổi ý kiến thường xuyên với dòng họ Ngô trong thời gian qua, ông Sơn cũng khẳng định liên kết này rất tốt. “Trong quá trình làm chúng tôi thường xuyên trao đổi để đồng thuận với dòng họ Ngô”, ông Sơn cho biết. Trong khi đó, dòng họ Ngô cho rằng họ đã không được tham gia quá trình giám sát dự án. Thêm vào đó, bất chấp sự dân chủ trao đổi ý kiến mà ông Sơn nêu, dòng họ hoàn toàn không muốn có bức bình phong con hổ tại lăng. Không rõ việc dân chủ đã được thực hiện ra sao để dòng họ và quản lý dự án lại trái ngược nhau đến vậy.
Cũng về quy trình lấy ý kiến, thủ từ lăng cho biết cuộc họp dân lấy ý kiến chỉ mời những người đã già cả. Những người này thường ngại lên tiếng vì ngại va chạm.
Ông Sơn cũng thừa nhận bức bình phong không đảm bảo thiết kế mỹ thuật. "Chúng tôi quyết định đơn vị thi công điều chỉnh lại bức bình phong này cho đúng thiết kế. Chúng tôi cũng báo cáo để giám sát địa phương vào cuộc”, ông Hùng Sơn nói.
Tuy nhiên, đại diện Cục Di sản, ông Nguyễn Minh Khang cho rằng việc tự ý đập bỏ bình phong (chưa nghiệm thu) vừa qua là không đúng. Chỉ sau khi đề nghị lên mới được đập đi. “Đây là di tích quốc gia chứ không phải nhà riêng mà muốn làm gì thì làm”, ông Khang nói.
Ông Khang cũng mang theo tới hội thảo hai cuốn tài liệu có thể tham khảo. Một cuốn của Nhật Bản, một cuốn của tiến sĩ Phan Thanh Hải, ban quản lý di tích cố đô Huế. Chúng đều liên quan đến bình phong. Cũng dựa trên các nghiên cứu này, ông Khang cho thấy cần phải có bình phong trong lăng Ngô Quyền.
Với tình hình như vậy, chưa rõ, bình phong ở lăng Ngô Quyền có tiếp tục được xây lại hay không.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)