Vụ Bức bình phong 'có con quỷ' ở lăng Ngô Quyền: Làm không đúng, báo cáo sai sự thật

08/03/2014 03:00 GMT+7

Địa phương báo cáo việc xây bình phong theo đúng luật, song thực hiện không đúng quy định về tác phẩm mỹ thuật; có đại diện họ Ngô trong Ban quản lý dự án lăng Ngô Quyền, trong khi không phải thế.

>> Bình phong 'có con quỷ' ở lăng Ngô Quyền
>> Đường Lâm lại nóng vì lăng Ngô Quyền

Vụ Bức bình phong
Con vật được cho là “con quỷ” trên bình phong lăng Ngô Quyền - Ảnh: Phạm Mỹ


Bức bình phong ở lăng Ngô Quyền theo quy định pháp luật về mỹ thuật, là một phù điêu. Vì thế, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, cho rằng nó cần tuân thủ quy định tại Thông tư số 18 về hoạt động mỹ thuật. Theo đó, đơn vị thi công căn cứ mẫu phác thảo đã duyệt phóng thành mẫu tỷ lệ 1/1 trên chất liệu đất sét. Mẫu này sau đó phải được hội đồng nghệ thuật nghiệm thu trước khi quyết định thi công chất liệu.

Tuy nhiên, bức bình phong ở lăng Ngô Quyền đã không theo chuẩn này. Nó được thi công luôn bằng xi măng trước khi có một bản duyệt trên đất sét. “Đúng là chưa có bản chi tiết”, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội nói về việc chuyển từ bản vẽ sang bình phong “có con quỷ” bị người dân phản đối. Trong khi đó, ông Tiến vẫn được ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Đường Lâm báo cáo rằng mọi quy trình liên quan đã được làm đúng.

Quy định cũng nêu rõ, việc đặt phù điêu phải bảo đảm đúng thiết kế, hài hòa giữa bục, bệ...  với cảnh quan môi trường. Sự hài hòa này, rõ ràng, cho đến giờ chưa hề có. “Tôi cũng thấy bình phong như bóp nghẹt di tích. Phải đập bỏ thôi”, GS Trần Lâm Biền nói. 

Bỏ bình phong là hợp lý

Theo ông Trương Minh Tiến, ông Hùng Sơn đã báo cáo với ông rằng có Ban quản lý dự án, trong đó có đại diện của dòng họ Ngô là ông Ngô Vui. Tuy nhiên, trao đổi với Thanh Niên chiều 7.3, ông Vui nói không hề biết điều đó.

Ông Tiến cho biết khi xây dựng tu bổ lăng Ngô Quyền việc có Ban giám sát cộng đồng (do UBND xã cử, có đại diện thay mặt tầng lớp nhân dân) là bắt buộc. Tuy nhiên, Trưởng ban quản lý dự án là ông Phạm Hùng Sơn báo cáo hiện chưa có danh sách ban này.

Ông Tiến cũng đề nghị dòng họ Ngô nếu có ý kiến thì gửi văn bản tới UBND TX.Sơn Tây - cơ quan chủ quản. Cơ quan này sẽ tiếp nhận và xem xét, làm các thủ tục tiếp theo nếu cần thiết.

Vẫn muốn bỏ hẳn tấm bình phong trong thiết kế, ông Ngô Vui khẳng định: “Bỏ bình phong rất hợp ý dòng họ. Chúng tôi sẽ họp và có ý kiến”. 

Dân làng biểu quyết bãi nhiệm ban khánh tiết đình thôn Cựu Quán

Đại diện lãnh đạo Sở VH-TT-DL Hà Nội đã thông tin chính thức về vụ bán gỗ sưa tại đình thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng, H.Hoài Đức sau khi nghe báo cáo cụ thể từ UBND xã Đức Thượng và UBND H.Hoài Đức. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở, đình thôn Cựu Quán (hay còn gọi là quán thôn Cựu Quán) được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, do UBND H.Hoài Đức quản lý trực tiếp theo phân cấp của UBND TP.Hà Nội. Sở đã đề nghị UBND huyện này chỉ đạo các phòng, ban chức năng có liên quan phối hợp với UBND xã Đức Thượng khẩn trương kiểm tra, chấn chỉnh ngay các sai phạm mà báo chí đã nêu và báo cáo UBND TP bằng văn bản kết quả giải quyết vụ việc trước ngày 15.3.

 Vụ Bức bình phong
Người dân thôn Cựu Quán bức xúc vì gỗ sưa đình làng do chính người làng đánh cắp- Ảnh: Lê Quân

Ngoài việc bị triệu tập làm việc với cơ quan chức năng, Ban khánh tiết và ông từ ngôi đình này đã bị người dân làng biểu quyết bãi nhiệm tại cuộc họp dân sáng 7.3 do Phó chủ tịch xã Đức Thượng Nguyễn Ích Thìn chủ trì. Tất cả đều có một nguyện vọng là trả lại 4 tấm gỗ sưa vốn làm kèo ở mái đình. Hai trong số 6 người bán gỗ quý trong đình thôn Cựu Quán đứng lên công khai nhận và xin lỗi người dân. Đại diện chính quyền địa phương đọc thư trả lại chùa Cựu Quán của sư thầy Thích Diệu Bản. Theo đó, thầy Bản bày tỏ đã gắn bó với chùa, dân thôn Cựu Quán 15 năm nhưng sau khi liên quan đến vụ mua bán gỗ sưa, thì nhận thấy: “Nhân duyên giữa tôi với chùa và người dân thôn Cựu Quán đã hết nên viết đơn này gửi các ban ngành xin bàn giao trả lại chùa cho dân làng Cựu Quán”.  Cuối buổi họp, người dân thôn Cựu Quán đã bầu ra Ban khánh tiết và ông từ mới để trông coi ngôi đình. Theo biên bản cuộc họp, tới đây, dân làng sẽ cử ra hơn 10 người để kiểm kê tài sản cũng như số gỗ sưa còn lại trong đình Cựu Quán. Phần mái đình bị dỡ ra lấy gỗ hôm 2.3 sẽ sớm được dân làng lợp lại chứ không chờ tìm được 4 tấm gỗ sưa mới lợp như dự định nữa.

Liên quan đến lăng Ngô Quyền, ông Tiến cho biết Sở đề nghị UBND TX.Sơn Tây chỉ đạo các phòng ban chức năng có liên quan, UBND xã Đường Lâm tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các vi phạm trong công tác quản lý, tu bổ tôn tạo di tích tại địa phương. Đối với việc chỉnh sửa hạng mục bình phong, Sở đề nghị UBND TX.Sơn Tây chỉ đạo tạm dừng thi công để tiếp nhận thêm ý kiến của nhân dân, đặc biệt là đại diện dòng họ Ngô và xem xét trình thủ tục điều chỉnh (nếu cần thiết); đồng thời chủ động kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm mà báo đã nêu, báo cáo UBND TP bằng văn bản kết quả đã giải quyết trước ngày 15.3.

Bảo Cầm - Lê Quân

Trinh Nguyễn  

>> Đường Lâm lại nóng vì lăng Ngô Quyền 
>> “Ma làng” thời đổi mới
>> Giận quá hóa... lãng phí
>> Dân làng Đường Lâm chưa hài lòng
>> Làng Việt giữa trời u 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.