Vụ buôn lậu xăng dầu 'khủng': VKS bác bỏ nhiều quan điểm của luật sư

Quế Hà
Quế Hà
19/12/2018 05:12 GMT+7

Ngày 18.12, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu xăng dầu quy mô lớn nhất từ trước đến nay bước sang ngày làm việc thứ 6.

Đại diện Viện KSND (VKS) tỉnh Bình Thuận bác bỏ nhiều quan điểm bào chữa của luật sư (LS) cho các bị cáo.
Cụ thể, đối với vai trò của Nguyễn Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú, đại diện VKS giữ quyền công tố phản bác lời bào chữa của LS Hà Thị Xuyến (Đoàn LS TP.Hà Nội) cho rằng hành vi đưa hối lộ của Mạnh chỉ là “văn hóa”, “trước sao, giờ vậy”. Theo đại diện VKS, việc đưa tiền trước, hay sau đều thỏa mãn điều kiện đưa hối lộ. Không thể so sánh giữa hai giai đoạn khác nhau để kết luận Mạnh không phạm tội đưa hối lộ.
Đối với bị cáo Vũ Văn Bằng (nguyên Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Dương Đông Hòa Phú), LS cho rằng không cố tình phạm tội. VKS cho rằng Bằng là người tổ chức tiêu thụ xăng dầu không có hóa đơn, nên Bằng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.
Đối với Nguyễn Đăng Duy (nguyên Phó trưởng phòng Kinh doanh Công ty Dương Đông Hòa Phú), bị cáo biết được mỗi chuyến tàu đều có hai hóa đơn. Một hóa đơn số lượng ít đem vào bờ thông quan. Hóa đơn thứ hai số lượng nhiều là buôn lậu nhưng vẫn giúp sức cho Mạnh và Nguyễn Thanh Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú).
Bị cáo Nguyễn Đức Quang (nhân viên phòng kinh doanh) dù chỉ tham gia vào một công đoạn buôn lậu chứ không tham gia đầy đủ, nhưng VKS cho rằng nếu không có công đoạn Quang tham gia thì các bị cáo khác không hoàn thành hành vi phạm tội của mình. Do vậy Quang phải cùng chịu trách nhiệm về hành vi buôn lậu.
Với bị cáo Lê Quang Hoàng (nguyên giám định viên Công ty World Control), đã cấp chứng thư tạo điều kiện cho Mạnh và Sơn nhập lậu xăng dầu. LS cho rằng hành vi của Hoàng chỉ là “không tố giác tội phạm” là không phù hợp vì Hoàng trực tiếp lên tàu nhiều chuyến để giám định và cấp chứng thư cho hàng buôn lậu.
Đối với bị cáo Đàm Văn Dương (nguyên Giám đốc Công ty World Control - “sếp” của Hoàng) đã nhận của Mạnh 2,2 tỉ đồng để cấp chứng thư các chuyến xăng dầu lậu, LS cho rằng bị cáo Hoàng phạm tội buôn lậu thì đương nhiên Dương cũng phải chịu tội này mà không thể cho rằng chỉ là hành vi không tố giác tội phạm.
Đối đáp lại VKS, một lần nữa LS đại diện của Nguyễn Đức Mạnh vẫn cho rằng với vai trò của mình, Mạnh chỉ là người làm thuê cho Luyện Xuân Tràng (được cho là “ông chủ” của Công ty Dương Đông Hòa Phú, hiện đang bỏ trốn). Với mức án mà đại diện VKS đề nghị là quá cao đối với bị cáo này. Còn tội đưa hối lộ, LS cho rằng việc đưa và nhận 10 phong bì cho cán bộ Hải quan Bình Thuận là việc “vô tư”, “bồi dưỡng cho anh em” mà không nhằm mục đích để buôn lậu xăng dầu. Tuy nhiên, lập luận này bị đại diện VKS bác bỏ ngay sau đó.
Đới với bị cáo Aleria Romel (quốc tịch Philippines, thuyền trưởng tàu BTS Christina), đã ký vào bản khai chung do Lê Hải Dương lập ra, sau đó được Hải quan Bình Thuận cho thông quan. Hơn 7.496 tấn xăng A92 đã được Aleria Romel cho bơm hết vào kho hàng của Công ty Dương Đông Hòa Phú. Hành vi này đủ cơ sở để kết tội thuyền trưởng này vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới. “Không có chuyện ký vào bản khai chung nhưng lại không chịu trách nhiệm về chữ ký của mình”, đại diện VKS phản bác.
Đối với bị cáo Lê Hải Dương (đại lý viên Công ty Đông Hưng Quốc tế), LS cho rằng Dương không còn cách nào khác phải khai báo đơn hàng thứ 12 cho Aleria Romel ký. VKS cho rằng bị cáo Dương “không cần phải biết số lượng xăng trong vận đơn số 12 là bao nhiêu” là không phù hợp. Do vậy hành vi của Dương là đã lập khống hồ sơ để Aleria Romel ký để thông quan. Do vậy Dương phải chịu tội cùng như Aleria Romel là vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới.
Bị cáo Đinh Hữu Thùy (nguyên cán bộ hải quan - Chi cục Hải quan Bình Thuận) cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi nhận tiền hối lộ và giúp sức cho buôn lậu xăng dầu. Không có chuyện nhận phong bì là “văn hóa” hay như chỉ đạo của Nguyễn Đức Mạnh với Nguyễn Thanh Sơn khi đưa phong bì cho hải quan là “trước sao giờ vậy, cứ thế mà làm”.

Các bị cáo xin giảm án

Chiều qua, chủ tọa phiên tòa Trần Thị Ánh Tuyết phản bác đề nghị của đại diện các ngân hàng từng cho Công ty Dương Đông Hòa Phú vay tiền là trả lại tiền trong số 71 tỉ đồng mà cơ quan CSĐT đang phong tỏa. Chủ tọa phiên tòa cho rằng HĐXX của phiên tòa này chỉ xét xử các bị cáo mà không có trách nhiệm giải quyết công nợ của công ty với các ngân hàng. Đề nghị của các ngân hàng sẽ được đưa ra một vụ án dân sự khác để giải quyết.
Được cho nói lời sau cùng, nhiều bị cáo trong đó có cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú Nguyễn Đức Mạnh đã bật khóc nức nở. Tất cả các bị cáo đều xin được tòa cho giảm mức án so với đề nghị của VKS. Bị cáo thuyền trưởng Aleria Romel đã cảm ơn Chính phủ VN, cảm ơn đại diện VKS đã kiến nghị cho bị cáo hồi hương và trả con tàu cho chủ tàu ở Singapore.
Ngày 21.12, HĐXX sẽ tuyên án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.