Ngày 1.7, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Lợi, cựu cán bộ đi B, người đã theo kiện từ năm 1990 về việc Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên gây lỗi khiến ông không được bố trí công tác, cho biết trong cuộc họp gần đây nhất, ông và nhà trường đã thống nhất được với nhau về việc trường sẽ đền bù các khoản thiệt hại. Mức đền bù sẽ căn cứ vào đề xuất của ông, đồng thời căn cứ vào khả năng chi trả của trường.
Ông Lợi cho biết trong cuộc họp ngày 30.6, theo yêu cầu của trường, ông đã gửi đơn đề nghị đền bù thiệt hại (viết tay), trong đó kê các khoản thiệt hại theo từng mục mà ông đã phải chịu từ việc không được bố trí công tác từ năm 1988, do Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên không chịu bàn giao hồ sơ cho nơi ông đến nhận công tác, sau khi ông tốt nghiệp ĐH. Trong đó riêng tiền lương (đã quy đổi theo cách tính lương hiện tại) và lãi suất từ khoản tiền lương chưa được nhận này là khoảng 2,5 tỉ đồng.
Tiền căn nhà ở Hà Nội ông được phân nhưng sau đó bị thu hồi do không có hồ sơ cán bộ là 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra còn các khoản khác mà ông Lợi đòi hỏi phải được đền bù như tiền bảo hiểm, tiền tốn kém do đi khiếu nại, tiền khám chữa bệnh, tổn thương tinh thần… Tổng cộng là 9,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong cuộc họp, đại diện lãnh đạo trường chia sẻ về những khó khăn của trường, mong ông Lợi hợp tác, chấp nhận mức mà trường có thể chi trả được, khoảng 3 tỉ đồng. Ngoài ra, nhà trường cũng hứa hẹn sẽ đề xuất Chính phủ hỗ trợ để trả thêm cho ông Lợi khoảng 1 - 2 tỉ đồng. Ông Lợi đã đồng ý với đề nghị này.
Trao đổi với PV Thanh Niên cùng ngày, ông Nguyễn Tiễn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên, xác nhận các nội dung thống nhất kể trên. Tuy nhiên, hiện tại trường cũng chưa biết sẽ lấy nguồn tiền nào, cũng như chưa biết sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật cụ thể nào, để chi trả các khoản đền bù cho ông Lợi. “Nhưng trường cũng cam kết là sẽ báo cáo kết quả thực hiện các nội dung đã thỏa thuận lên lãnh đạo ĐH Thái Nguyên trước ngày 15.7”, ông Dũng nói.
Một lãnh đạo ĐH Thái Nguyên cho biết để thực hiện việc đền bù này, Trường ĐH Y Dược không thể lấy tiền ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên (mỗi năm khoảng vài chục tỉ đồng), mà phải lấy từ nguồn thu hợp pháp của trường như học phí hoặc các khoản thu dịch vụ mà trường được phép thu (chẳng hạn tiền khám chữa bệnh).
Bình luận (0)