Cuối tháng 9, bà V.T.P (64 tuổi, trú Q.Long Biên, Hà Nội) đang đi xe máy trên phố Hàng Mã (P.Hàng Mã, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì bất ngờ bị một cây quếch cổ thụ có đường kính thân hơn 60 cm đổ vào người dẫn đến bị thương nặng, phải cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. Sau nhiều ngày điều trị, nạn nhân đã qua giai đoạn nguy kịch.
Cây cổ thụ đổ và đè vào người bà P. |
chụp màn hình |
Sẽ hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão
Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Công ty công viên cây xanh Hà Nội (Công ty cây xanh - đơn vị quản lý chăm sóc cây khu vực P.Hàng Mã kể trên) cho biết, sau khi xảy ra sự việc, đơn vị này đã phối hợp cùng chính quyền đến thăm hỏi và hỗ trợ gia đình nạn nhân.
Theo lãnh đạo Công ty cây xanh, thời điểm này không bàn luận về việc đúng, sai mà vấn đề quan trọng nhất vẫn là sức khoẻ nạn nhân. Phía công ty vẫn đang phối hợp cùng người nhà để có phương án giải quyết tốt nhất.
Bà P. bị thương nặng sau khi bị cây quếch cổ thụ đè trúng người |
GĐCC |
Người đứng đầu đơn vị quản lý, chăm sóc cây xanh ở TP.Hà Nội cho hay, việc phát hiện cây xanh không đảm bảo an toàn trên địa bàn thành phố từ 3 nguồn là phản ánh của người dân, phản ánh của các tổ chức và qua kiểm tra của công ty. Tuy nhiên, việc kiểm tra cây xanh chủ yếu bằng mắt thường và kinh nghiệm của nhân viên.
Về việc người dân cho rằng cây bị đổ đã được phát hiện mục ở thân trước đây gần 2 năm và báo cáo chính quyền, đơn vị này cho hay không nhận được phản ánh nào trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây.
“Nếu phát hiện ra cây xanh gặp vấn đề công ty cũng không thể tự do chặt hạ bởi chúng tôi phải xin phép và có giấy phép của Sở xây dựng. Ngoài ra, những cây cổ thụ có đường kính trên 50 cm thì phải báo cáo, xin phép UBND TP.Hà Nội”, vị này nói và cho biết thời gian tới đơn vị sẽ cố gắng chăm sóc, quản lý cây xanh để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão.
"Né" bồi thường dân sự?
Khi hỏi về “đơn vị nhận thấy trách nhiệm của mình trong vụ việc đến đâu?”, lãnh đạo Công ty cây xanh cho rằng, sự việc cây xanh bị đổ dẫn đến tai nạn cho bà P. đang đi đường là “khách quan”, “bất khả kháng” vì trước đó trời mưa rất nhiều ngày.
“Chúng tôi sẽ không trốn tránh, nếu là trách nhiệm của công ty hay của cá nhân nào, sẽ không thể chối bỏ được bởi sự việc xảy ra trên địa bàn rất nhiều người biết”, lãnh đạo công ty này nói và khẳng định công tác kiểm tra, rà soát và chăm sóc cây của công ty là đúng quy trình và trước khi cây bị đổ nó đang xanh tốt bình thường.
Gốc cây quếch cổ thụ bị đổ, đè vào người dân |
chụp màn hình |
Về sự “bất khả kháng”, luật sư Diệp Năng Bình (Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định trong một số trường hợp, dù thiệt hại có xảy ra nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện “bất khả kháng”.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, khoản 2 điều 584 bộ luật Dân sự 2015 quy định “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. Do vậy, việc lãnh đạo Công ty cây xanh nói sự việc là “khách quan” và “bất khả kháng” có thể đang muốn né trách nhiệm bồi thường dân sự.
Công ty công viên cây xanh Hà Nội cắt tỉa cây trên phố Hàng Mã sau sự cố |
quang huy |
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, nếu chủ sở hữu cây xanh muốn chứng minh vụ việc là sự cố bất khả kháng trong trường hợp này (do thời tiết) thì phải chứng minh được việc mình đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, như kiểm tra, cắt tỉa nhánh cây rộng, hư hỏng, kiểm tra gốc rễ trước khi xảy ra mưa bão, nhưng sau đó vẫn xảy ra hậu quả thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của bên thứ ba.
Sẽ nhờ pháp luật can thiệp nếu "né" trách nhiệm
Theo người thân nạn nhân, sau sự việc, bà P. bị thương rất nặng nên chi phí điều trị tốn kém. Mỗi ngày, gia đình phải chi trả gần 10 triệu đồng để có thuốc tốt, phương án điều trị tốt nhất cho bà P. Người nhà hy vọng trong thời gian tới, sức khoẻ của bà P. sẽ chuyển biến tích cực hơn để được siêu âm cộng hưởng từ. Và nếu hồi phục tốt hơn nữa, đủ điều kiện mới có thể làm phẫu thuật.
Người nhà nạn nhân cho biết sẽ đề nghị làm rõ vụ việc đến cùng. Trong trường hợp không đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm, gia đình sẽ nhờ luật sư đưa vụ việc ra tòa. Ngược lại, nếu có đơn vị nhận trách nhiệm và bồi thường, gia đình sẽ dựa vào chi phí điều trị, chăm sóc… để yêu cầu bồi thường.
Bình luận (0)