Vụ chi 20,5 tỉ mua gỗ sưa: 'Vợ chồng tôi phải còng lưng để trả nợ'

Trần Thanh
Trần Thanh
10/10/2018 14:14 GMT+7

Theo bà Nguyễn Thị K.L (vợ ông Dương V.T, người bỏ 20,5 tỉ đồng để mua số gỗ sưa tại thôn Phụ Chính), để trả được số tiền vay mua gỗ sưa, nhiều năm nay, vợ chồng bà phải "còng lưng" đi trả nợ.

[VIDEO] Cận cảnh cây sưa đỏ cổ thụ giá hàng trăm tỉ đồng ở Hà Nội
Bỏ 20,5 tỉ đồng mua 2,506 m3 gỗ sưa
Sáng 10.10, trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị K.L, vợ ông Dương V.T (người từng bỏ 20,5 tỉ đồng để mua gỗ sưa tại thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), cho biết sau 8 năm, 2,506 m3 gỗ sưa mà gia đình mua năm 2010 bị cơ quan chức năng tạm giữ, đã được bán đấu giá xong cho người khác từ năm 2015, thu về 31 tỉ đồng, thế nhưng, số tiền này vợ chồng bà L. không được nhận và số tiền 20,55 tỉ đồng ông bà bỏ ra để mua gỗ sưa từ người dân hiện đang bị phong tỏa.
Cây sưa tại chùa Vĩnh Phúc, thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội từng được thương lái định giá 100 tỉ đồng Ảnh Trần Thanh
Theo bà L., hơn 2 m3 gỗ sưa, tương đương 1,2 tấn gỗ tươi mà gia đình mua là hoàn toàn hợp pháp, có đầy đủ các loại hợp đồng, giấy tờ mua bán, nhưng khi vừa ra khỏi địa phận xã Hòa Chính thì bị Công an huyện Chương Mỹ bắt giữ.
Suốt 8 năm qua, gia đình bà L. nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan chức năng, về địa phương trao đổi với chính quyền, người dân, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng.
“Gia đình tôi rất bức xúc, vợ chồng tôi không mua gỗ sưa chui, việc mua bán có biên bản hợp pháp, nhưng sau khi tạm giữ, gỗ đã được chính quyền bán đấu giá xong hết, còn suốt 8 năm qua, tiền chúng tôi vay mượn để mua gỗ vẫn bị phong tỏa, chưa lấy lại được. Gia đình mong các cơ quan chức năng sớm giải quyết để lấy lại số tiền hợp pháp đó", bà L. chia sẻ.
Cũng theo bà L., để mua được số gỗ sưa trên, gia đình bà đã phải vay mượn và huy động từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có cả nguồn từ bạn bè.
"Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội sau đó xác định, việc vay này là hợp pháp và số tiền của người cho vay hoàn toàn minh bạch, không có vấn đề gì. Gia đình chúng tôi khi mua gỗ sưa chỉ xác định về chế tác đồ mỹ nghệ, với mục đích sau đó xuất bán, chứ không có chuyện buôn lậu hay nhằm mục đích gì khác", bà L. nói thêm.
Khúc mắc trong việc trả lại tiền cho vợ chồng bà L.
Ngày 16.10.2010, đại diện nhân dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) ký hợp đồng bán 2,506 m3 gỗ của cây sưa từng được định giá lên tới 100 tỉ đồng cho ông Dương V.T (sản xuất đồ mỹ nghệ ở Đồng Kỵ, Bắc Ninh) với giá 20,55 tỉ đồng.
Sau khi ký hợp đồng, ông T. đặt cọc 1 tỉ đồng, số tiền còn lại được thanh toán bằng hình thức chuyển khoản qua ngân hàng.
Đến ngày 21.10.2010, người bạn ông T. làm thủ tục chuyển 19,55 tỉ đồng từ tài khoản cá nhân của ông được mở tại BIDV Chi nhánh Từ Sơn (Bắc Ninh) để trả cho thôn Phụ Chính.
Hiện một số đoạn thân và gốc của cây sưa đỏ quý hiếm đang bị mối mọt xâm hại ảnh hưởng không nhỏ tới giá trị của cây Ảnh Trần Thanh
Đến ngày 25.10.2010, khi ông T. thuê xe chở số gỗ sưa trên về Bắc Ninh thì bị Công an huyện Chương Mỹ kiểm tra, tạm giữ. Đến nay, số tiền 20,55 tỉ đồng ông T. trả cho người dân vẫn đang bị phong tỏa.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Hòa Chính, cho biết hiện còn một số khúc mắc nên số tiền 20,55 tỉ đồng mà gia đình ông T. chuyển trả mua số gỗ sưa từ năm 2010 vẫn đang bị phong tỏa.
“Năm 2015, số gỗ sưa mà ông T. mua được UBND huyện Chương Mỹ cho tiến hành đấu giá đã thu về 31 tỉ đồng và chuyển vào ngân sách địa phương quản lý. Tuy nhiên, một số cụ cao niên trong làng không nhất trí, yêu cầu phải đưa cho làng quản lý. Hiện tại, số tiền 31 tỉ thu từ bán đấu giá số gỗ sưa đã được chi cho xây dựng các công trình phúc lợi ở thôn với giai đoạn 1 là 25 tỉ, còn lại hơn 5 tỉ đồng, người dân yêu cầu phải chuyển từ ngân sách về cho cộng đồng dân cư sử dụng, quản lý”, ông Chính cho biết.
Cũng theo ông Chính, nếu thực hiện được việc này thì người dân mới tiến hành làm các thủ tục mở phong tỏa, chuyển trả số tiền 20,55 tỉ đồng cho gia đình ông T. Tuy nhiên, việc này, địa phương không quyết được mà đang phải chờ thành phố có hướng dẫn, xử lý", ông Chính thông tin thêm.
Đại diện các cụ cao tuổi của thôn Phụ Chính cho biết thêm, vợ ông T. đã nhiều lần về địa phương làm việc và người dân cũng muốn giải quyết, trả lại số tiền 20,55 tỉ họ đã bỏ mua gỗ sưa, nhưng đến nay, các cơ quan chức năng chưa có hướng xử lý thấu đáo, nên bị tắc lại.
Liên quan đến vụ việc người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có nguyện vọng bán cây sưa đỏ trăm tỉ để phục vụ chi phí cho việc tâm linh và các công trình phúc lợi của thôn, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo xử lý.
Theo văn bản do Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn ký, xét báo cáo số 612/BC-UBND ngày 20.9 của UBND huyện Chương Mỹ đề xuất việc xử lý số tiền giai đoạn 2 dự án trùng tu, tôn tạo chùa Vĩnh Phúc và khai thác số gỗ sưa còn lại ở thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính Hà Nội. UBND huyện Chương Mỹ sẽ hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính và triển khai thực hiện theo quy định.
Thành phố Hà Nội cũng giao Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm thành phố phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ, các đơn vị liên quan hướng dẫn cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính trình tự thủ tục cụ thể để khai thác, sử dụng đối với gỗ sưa, cây sưa còn lại theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND thành phố trước 20.10.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.