Vụ chìm tàu trinh sát Nga và những nguy cơ ở Biển Đen

28/04/2017 10:17 GMT+7

Vụ tàu trinh sát Liman bị chìm do va chạm với tàu chở gia súc ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ánh hoạt động tất bật của Hải quân Nga ở các vùng biển châu Âu và Biển Đen.

Tàu Liman bị đắm tại vị trí cách Eo biển Bosporus khoảng 32 km về hướng tây bắc vào ngày 27.4, toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 78 người đã được cứu sống. Lúc đó, tàu Liman vừa mới trở về từ Địa Trung Hải sau sứ mệnh hỗ trợ hoạt động của quân đội Nga tại Syria.

Vào năm 2016, con tàu cũng bị phát hiện hoạt động gần nơi các lực lượng NATO diễn tập quân sự trên Biển Đen.

Lực lượng cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ thủy thủ Nga của tàu Liman bị đắm chụp từ Sputnik

"Chuyển phát nhanh cho Syria"

Việc tàu Liman đảm nhiệm nhiều sứ mệnh liên tiếp trong thời gian ngắn đã phần nào tiết lộ một thực tế ngày càng rõ ràng: Nga đang vận dụng sức mạnh hải quân để vươn tầm ảnh hưởng và đẩy NATO vào tình trạng “nhấp nhổm” không yên ở phía nam châu Âu, theo phân tích của trang tin U.S Naval Institute (Mỹ) ngày 27.4.

Khác với Mỹ, sự can thiệp của Nga vào tình hình Syria để hỗ trợ Tổng thống Bashar al-Assad được biết đến thông qua hoạt động nổi trội của lực lượng không quân nước này, và các tàu hải quân Nga trên Địa Trung Hải đóng vai trò hỗ trợ hết sức quan trọng. Đa số đồ tiếp tế, quân nhu cho lực lượng Nga ở Syria đều thông qua các tuyến hàng hải từ căn cứ của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol thuộc Crimea.

Các tàu Nga qua lại thường xuyên đến nỗi dân Thổ Nhĩ Kỳ sống dọc Eo biển Bosporus gọi hoạt động này là “chuyển phát nhanh cho Syria”, trong khi những bức ảnh chụp tàu Nga thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, các tàu của Hạm đội Biển Đen Nga không chỉ dừng lại ở việc chuyên chở quân nhu đến căn cứ hải quân Tartus ở Syria.

Tàu  ngầm lớp Kilo cải tiến Rostov-on-Don đi vào Địa Trung Hải để đến Biển Đen hồi cuối tháng 11.2015, và phóng tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu của khủng bố trên đất Syria vào ngày 7.12 cùng năm. Vụ khai hỏa tên lửa từ tàu ngầm Kilo đã khiến phương Tây vô cùng ngạc nhiên vì đây là một ví dụ cho thấy năng lực Hải quân Nga đang lớn mạnh. Và khi tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hạm đội phương Bắc tiến vào phía đông Địa Trung Hải hồi cuối năm 2016 để hỗ trợ các chiến dịch của Nga ở Syria, Hạm đội Biển Đen đã điều tàu tiếp ứng cho hàng không mẫu hạm Nga.

Tàu ngầm Kilo cải tiến của Nga mang tên Stary Oskol đi qua Eo biển Bosporus về căn cứ của Hạm đội Biển Đen Twitter

Tham vọng của hải quân Nga

Có một chiến lược rõ ràng đằng sau sự gia tăng hoạt động hải quân Nga tại Địa Trung Hải. Bên cạnh việc đảm bảo năng lực tiếp cận Bắc Đại Tây Dương, học thuyết hải quân điều chỉnh được công bố vào năm 2015 dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã đặc biệt nhấn mạnh sự hiện diện của tàu chiến ở Địa Trung Hải, vùng biển đóng vai trò then chốt cho lợi ích quốc gia của Nga tại khu vực. Điện Kremlin cũng muốn sử dụng nơi này làm bàn đạp cho phép mở rộng ảnh hưởng trên biển sang những khu vực khác.

Ở khía cạnh nào đó, việc sát nhập Crimea là nhằm bảo đảm Nga nhất thiết phải nắm trong tay quyền kiểm soát căn cứ hải quân Sevastopol, vốn trước đây thuê của chính phủ Ukraine. Tuy nhiên, một thỏa thuận như vậy có thể dễ dàng bị phá hủy trong trường hợp Ukraine cương quyết gia nhập NATO và Liên minh châu Âu. Sự can thiệp của Nga tại Syria cũng cho phép Điện Kremlin cải thiện và mở rộng hạ tầng quân sự cho công tác hỗ trợ hoạt động của hạm đội Nga ở Tartus. Quá trình tiếp cận Địa Trung Hải của Nga cũng thông thoáng hơn sau khi Moscow và đảo Síp vào đầu năm 2015 kéo dài thỏa thuận cho phép chiến hạm Nga được quyền cập cảng của đảo quốc này cho công tác tiếp nhiên liệu và bảo trì.

Việc Nga liên tục dồn tài lực cho Hạm đội Biển Đen càng góp phần thúc đẩy hoạt động của lực lượng này. Bên cạnh Hạm đội phương Bắc đặt căn cứ trên bán đảo Kola, Hạm đội Biển Đen là một trong những lực lượng “thắng lớn” khi Nga triển khai chương trình hiện đại hóa quốc phòng. Dự kiến tàu chiến các loại sẽ liên tiếp được bổ sung vào hạm đội trong những năm tới, trong khi cảng Sevastopol đã tiếp nhận 6 tàu ngầm Kilo cải tiến, tất cả đều được trang bị hệ thống phóng tên lửa hành trình Kalibr.

Biển Đen cũng là khu vực nóng của thế giới, dễ dàng nổ ra những cuộc va chạm giữa các tàu chiến Nga với phía Mỹ và NATO hiện túc trực nhiều chiến hạm tại đây nhằm trấn an các đồng minh Bulgaria, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ trước áp lực từ Nga. NATO đã tích cực đẩy mạnh các chương trình tập trận hải quân trong khu vực, trong khi xúc tiến thỏa thuận hợp tác sâu rộng hơn với hải quân các thành viên trong khối. Không ít lần báo giới đưa tin về chuyện các chiến đấu cơ Nga bay ngang đầu các chiến hạm Mỹ, trong đó đình đám nhất là vụ hai chiếc Su-24 bay áp sát khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ là USS Donald Cook. Và mùa tập trận ở Biển Đen của NATO cũng đang đến gần.

Tàu chiến NATO tập trận trên Địa Trung Hải, gần Ý hồi tháng 3.2017 Reuters

Những nguy cơ chực chờ

Sự cố của tàu Liman dường như chỉ đơn thuần là một tai nạn, và khó dẫn đến căng thẳng leo thang tại khu vực vốn đang trên bờ vực khủng hoảng. Tuy nhiên, không quá khó khi mường tượng một sự cố nghiêm trọng hơn giữa tàu hải quân Nga và tàu chiến NATO trên Biển Đen hoặc Địa Trung Hải. Một sự va chạm hoặc đơn giản là chỉ hiểu lầm cũng có thể nhanh chóng leo thang thành khủng khoảng thực sự cho Nga, Mỹ và đồng minh NATO.

Tai nạn xảy ra cho tàu Liman là một lời nhắc nhở rằng các vùng biển xung quanh châu Âu một lần nữa đang trong tình trạng căng thẳng, và Mỹ và NATO đang hết sức chật vật trong nỗ lực kềm chế tham vọng của hải quân Nga, theo USNI.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.