Theo quy định tại điều 135 bộ luật Hình sự thì yếu tố cơ bản để xác định một người phạm tội cưỡng đoạt tài sản là người đó phải có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, trong vụ án Mai Xuân Bình phạm tội cưỡng đoạt tài sản, nếu phía Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử không có bằng chứng chứng minh bị cáo Bình có hành vi đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần bà Hà Thị Huệ để buộc bà Huệ đưa tài sản (20 triệu đồng) thì không thể kết tội cưỡng đoạt tài sản. Theo quy định tại điều 31 Hiến pháp 2013, nếu cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được tội phạm thì phải suy đoán người đó vô tội, không được kết tội theo hướng cưỡng ép, thiếu bằng chứng xác thực.
Điều 31 Hiến pháp quy định “người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật” và bộ luật Tố tụng hình sự tại điều 10 cũng có quy định rõ trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng; bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguyên tắc này lại không được tuân thủ nghiêm túc. Một số người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự khi tiến hành hoạt động tố tụng cứ thực hiện theo hướng phải chứng minh cho bằng được bị can, bị cáo đã phạm tội. Điều này đã dẫn đến một số cán bộ điều tra đã có các hành vi như ép cung, dụ cung, bức cung, nhục hình để lấy được lời khai nhận tội của bị can và để kết thúc điều tra vụ án. Khi ra tòa, bị cáo khai bị bức cung, nhục hình nên mới phải khai như vậy thì tòa án thường có câu hỏi: "Bị cáo có bằng chứng gì chứng minh mình đã bị bức cung, nhục hình không?". Nếu tòa hỏi câu này thì chẳng khác nào đánh đố bị cáo vì trong điều kiện bị tạm giam thì bị cáo lấy cái gì để làm bằng chứng ngoài lời khai của mình. Tôi cho rằng đã đến lúc các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thay đổi suy nghĩ của mình, tuân thủ nghiêm túc các quy định của Hiến pháp và bộ luật Tố tụng hình sự về trách nhiệm chứng minh tội phạm và suy đoán vô tội cho bị can, bị cáo trong quá trình tiến hành hoạt động tố tụng.
Vụ án oan của Nguyễn Thanh Chấn tại Bắc Giang trong thời gian vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh cho việc không tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật trong tố tụng hình sự và nguyên tắc suy đoán vô tội cho bị can, bị cáo trong hoạt động tố tụng.
Trở lại vụ án Mai Xuân Bình, thiết nghĩ nếu không đủ chứng cứ để buộc tội thì cơ quan tiến hành tố tụng cần phải suy đoán bị cáo vô tội, chứ không thể kết tội theo kiểu gượng ép như phiên tòa sơ thẩm vừa qua.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Bình luận (0)