Sáng 20.7, TAND TP.Hà Nội tiếp tục cho các luật sư và bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" trình bày bản bào chữa và nêu những quan điểm gỡ tội.
Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", viện kiểm sát xác định trong năm 2021, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần thương mại Lữ Hành Việt (Công ty Lữ Hành Việt), đã chỉ đạo vợ là Vũ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, đưa 22,8 tỉ đồng cho Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) để đưa hối lộ, xin cấp phép chuyến bay combo cho công ty. Ngoài ra, ông Mạnh còn chỉ đạo vợ đưa hối lộ 1,4 tỉ đồng và tự đưa hối lộ 3,5 tỉ đồng để xin cấp phép cho một công ty khác của mình.
Vụ chuyến bay giải cứu: Tôi đã đẩy vợ mình vào con đường phạm tội
Do đó, Viện Kiểm sát xác định ông Mạnh đã đưa hối lộ 27,8 tỉ đồng, đề nghị mức án từ 7 - 8 năm tù; bà Dương đưa hối lộ số tiền 24,2 tỉ đồng, bị đề nghị mức án từ 2 - 3 năm tù; ông Kiếm đưa hối lộ 22,8 tỉ đồng, bị đề nghị mức án từ 6 - 7 năm tù.
Tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu", 2 luật sư tham gia bào chữa cho vợ chồng ông Mạnh, bà Dương đã trình bày nhiều quan điểm, tình tiết giảm nhẹ, để xin cho 2 bị cáo này được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt của pháp luật, được hưởng mức án thấp nhất.
Xem nhanh 12h ngày 20.7: ‘Va li 104’ đựng tiền hay rượu | Rùng mình lời khai kẻ sát hại xe ôm
Làm rất tốt nhưng không được cấp phép tổ chức bay
Được nói, bị cáo Mạnh cho hay, trong 378 chuyến bay combo, các cơ quan chức năng đã thành lập đoàn kiểm tra, giám sát và đánh giá quá trình thực hiện chỉ với 2 chuyến, và cả 2 đều là của Lữ Hành Việt. Kết quả kiểm tra, đoàn công tác đã có văn bản báo cáo rất tích cực gửi Văn phòng Chính phủ, các tiêu chí thể hiện trên con số đều đạt trên 98%, công dân cũng rất tin tưởng đường lối của đảng, chính sách "không bỏ lại ai phía sau".
Bị cáo Mạnh cho biết, từ những tích cực đó, rất nhiều công dân, đối tác đã gọi điện đăng ký về trên chuyến bay của Lữ Hành Việt. Ông Mạnh đã rút kinh nghiệm, chuẩn bị kỹ từ chọn khách sạn, đào tạo nhân viên, thuê máy bay, làm việc với địa phương… đặc biệt ưu tiên người khó khăn, người già yếu, người bệnh nền, có danh sách kèm theo để xin cấp phép các chuyến bay tiếp theo.
"Bị cáo tin tưởng dù xét duyệt dưới hình thức nào thì công ty của bị cáo chắc chắn sẽ được, nhưng sau đó lại không. Bị cáo thất vọng nhưng không biết trả lời công dân thế nào về sự thật rất khắc nghiệt, rất ác như vậy", bị cáo Mạnh trình bày và cho rằng lúc đó bản thân đã rất cố gắng để xin bằng được những chuyến bay, và chính những hành vi mập mờ đã thúc đẩy ông Mạnh cùng đồng nghiệp phạm tội.
Trình bày thêm tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu", ông Mạnh cho hay, suốt quá trình xin cấp phép bay, bản thân chưa hề tiếp xúc với bất cứ cá nhân, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết các chuyến bay mà chỉ thông qua bị cáo Hoàng Anh Kiếm, là người làm dịch vụ, cộng tác viên của công ty.
"Bị cáo giao Kiếm đi xin cấp phép, mục đích chỉ là có việc làm, có chuyến bay đưa công dân về nước. Khi cơ quan an ninh điều tra công bố kết luận thì bị cáo mới biết Kiếm dùng một phần số tiền bị cáo đưa, để mang đi hối lộ cho một số cá nhân, tổ chức nhằm xin cấp phép chuyến bay", ông Mạnh nói và cho hay bản thân nhận thức rõ đây là hành vi phạm tội, đã thành khẩn nhận tội, mong HĐXX xem xét động cơ để giảm nhẹ hình phạt.
Nhận tất cả lỗi, mong cho vợ được ở ngoài nuôi con
Về hoạt động tại Công ty Lữ Hành Việt, bị cáo Mạnh cho hay bà Dương là vợ và lệ thuộc hoàn toàn vào mình, từ công việc, tài chính cho đến tình cảm. Thời điểm dịch xảy ra, bà Dương đang nuôi con nhỏ, tất cả hành vi bà Dương thực hiện đều do ông Mạnh chỉ đạo.
"Sự thật là bị cáo đã sai khiến Dương làm việc đó, chính bị cáo đã đẩy vợ mình vào con đường phạm tội, dù là vô tình, thiếu hiểu biết. Trước tòa, bị cáo tha thiết xin HĐXX nhân văn, nhân đạo để rộng lượng khoan hồng với gia đình bị cáo, cho vợ bị cáo ở ngoài xã hội để làm nghĩa vụ người con với cha mẹ, làm nghĩa vụ người mẹ với các con và làm tròn bổn phận người vợ khi chồng đi tù", ông Mạnh vừa trình bày vừa nén nước mắt.
Ông Mạnh cho hay, suốt 2 năm dịch bệnh, toàn bộ nhân viên công ty của mình không "rời chiến tuyến" và không đòi hỏi gì. Ông Mạnh đã bị tạm giam 12 tháng nhưng nhân viên vẫn làm việc và họ mong ước được làm việc để lo cho gia đình họ. Theo ông Mạnh, ước muốn này rất chính đáng và mình đang nợ nhân viên về mong muốn đó.
Kết lại phần trình bày, bị cáo Mạnh tiếp tục xin HĐXX tạo điều kiện cho gia đình mình để bị cáo Dương được ở ngoài xã hội cùng nhân viên làm việc, lo cho cuộc sống và cống hiến cho xã hội.
Xem nhanh 20h ngày 20.7: Chủ doanh nghiệp hối hận vì "đẩy vợ vào tù"
"Lẩy Kiều" để bào chữa
Trình bày các luận điểm gỡ tội cho bị cáo Hoàng Anh Kiếm tại phiên "chuyến bay giải cứu", luật sư Vũ Quynh cho biết, thân chủ mình đã thừa nhận hành vi phạm tội và bản thân cũng đồng tình với cáo trạng và bản luận tội của viện kiểm sát.
Theo luật sư Quynh, trong vụ án "chuyến bay giải cứu", khi thực hiện hành vi đưa hối lộ thì bị cáo Kiếm không tự mình quyết định các khoản chi phí cho việc cấp phép chuyến bay, mà quyền quyết định thuộc về doanh nghiệp thực hiện chuyến bay combo.
Quá trình thực hiện xin cấp phép chuyến bay theo thỏa thuận, ông Kiếm làm những dịch vụ như: nộp hồ sơ, bổ sung hồ sơ, nhận thông báo từ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt… và nhận tiền từ công ty, doanh nghiệp để chuyển đến các nơi.
Theo luật sư Quynh, về mặt chủ quan, ông Kiếm nhận thức việc đưa tiền, quà để thực hiện cấp phép thực hiện chuyến bay rất cảm tính, ngẫu nhiên, ngẫu hứng và giản đơn là "mình làm dịch vụ cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp trả tiền dịch vụ, không phải tiền mình bỏ ra". Bên cạnh đó, vì hám lợi nên ông Kiếm đã không làm chủ bản thân, vi phạm pháp luật.
Về mặt khách quan, luật sư Quynh cho biết, một số tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ở bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp phải đưa "bôi trơn", đưa hối lộ.
"Từ đó, bị cáo Kiếm có suy nghĩ phải "tính bài lách đó luồn đây, có ba trăm lạng việc này mới xong", và đã chấp nhận "bôi trơn", đưa hối lộ cho người có thẩm quyền liên quan đến việc cấp phép thực hiện chuyến bay", ông Quynh nói.
Sau khi trình bày thêm về hoàn cảnh gia đình và việc gia đình bị cáo Kiếm đã nộp 300 triệu đồng là tiền khắc phục hậu quả, luật sư Quynh đề nghị HĐXX tuyên án bị cáo Kiếm ở mức hình phạt dưới mức thấp nhất mà viện kiểm sát đã đề nghị, đồng thời cho bị cáo này được hưởng án treo.
Mong tòa xem xét công - tội
Trình bày trước đó tại phiên tòa "chuyến bay giải cứu", bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty TNHH MTV ATA Việt Nam, cũng nhận thức được hành vi phạm tội của mình, nhưng mong HĐXX xem xét công tội để có mức hình phạt nhẹ nhất.
Theo bà Vy, không chỉ riêng mình mà tất cả các doanh nghiệp ra tòa đều có công rất lớn trong việc "giải cứu" công dân trong đỉnh dịch. Bà Vy cho hay, mình cũng gặp nhiều áp lực nhưng vẫn cố gắng để đưa công dân về nước nhiều nhất có thể. "Bị cáo mong HĐXX xem xét công - tội cho bị cáo và các doanh nghiệp ở đây để có mức án nhẹ nhất", bà Vy vừa trình bày vừa khóc.
Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", bà Vy bị đề nghị mức án 5 - 6 năm tù với cáo buộc đã đưa hối lộ cho 8 cá nhân trong 25 lần, với số tiền gần 12 tỉ đồng.
Bình luận (0)