Chuyển Bộ Quốc phòng điều tra xử lý quân nhân có dấu hiệu nhận hối lộ trong chuyến bay giải cứu

04/04/2023 17:27 GMT+7

Quá trình điều tra vụ án "chuyến bay giải cứu", Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) phát hiện hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng nên đã tách hành vi, chuyển tài liệu để bộ này điều tra.

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố 54 bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu".

Trong số các bị can, 21 người bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ", 4 người bị đề nghị truy tố tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 23 người bị đề nghị truy tố tội "đưa hối lộ", 4 người bị đề nghị truy tố tội "môi giới hối lộ", 2 người bị đề nghị truy tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Tình tiết hy hữu trong vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu công an nói dối, chiếm đoạt gần 19 tỉ

4/5 bộ tham gia có cán bộ bị đề nghị truy tố

Theo kết luận điều tra, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, sau chuyến bay giải cứu 30 công dân Việt Nam từ Vũ Hán (Trung Quốc) về nước, nhu cầu về nước của công dân không ngừng tăng lên.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng - Ảnh 1.

Hành khách trên một chuyến bay giải cứu về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào tháng 6.2020

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", tháng 4.2020, Chính phủ cho phép thực hiện các chuyến bay giải cứu theo hình thức công dân thuộc diện ưu tiên được về trên các chuyến bay do cơ quan nhà nước thực hiện và cách ly tại cơ sở quân đội. Hình thức này, công dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất phí cách ly nên gọi là chuyến bay giải cứu.

Việc cách ly tại các cơ sở quân đội bị giới hạn vì cơ sở vật chất và khả năng đón tiếp, trong khi nhiều người muốn về nước và sẵn sàng trả chi phí cách ly tại các cơ sở dân sự, do vậy Chính phủ đã cho phép thí điểm, tổ chức chuyến bay công dân tự nguyện trả phí toàn bộ (chuyến bay combo), song song với các chuyến bay giải cứu.

Xem nhanh 20h ngày 4.4: Thoát nghèo nhờ phố hàng rong | Mánh khóe vụ chuyến bay giải cứu

Việc tổ chức các chuyến bay combo được Chính phủ giao chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cho tổ công tác 5 bộ, gồm: Ngoại giao, Y tế, GTVT, Công an, Quốc phòng. Việc tổ chức chuyến bay phải được sự thông qua của 5 bộ này.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng - Ảnh 2.

Thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, quân đội đã triển khai nhiều điểm cách ly y tế

TRẦN BÌNH

Ngoài ra, 5 bộ được cũng được phân chia nhiệm vụ cụ thể, trong đó Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm bố trí các cơ sở cách ly. Đề xuất, xem xét, cho ý kiến về việc phê duyệt hoặc không phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao như số lượng, tần suất các chuyến bay, danh sách doanh nghiệp và số lượng chuyến bay dự kiến…

Chuyển hồ sơ sang Bộ Quốc phòng điều tra

Theo kết luận điều tra, quá trình thực hiện các chuyến bay, thay vì mục đích ban đầu của chủ trương là nhân đạo, các bị can lại khiến chủ trương thành vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Trong số 54 bị can trong vụ án, ngoài các giám đốc doanh nghiệp, nhiều người là lãnh đạo, cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ GTVT,…

Ngoài ra, quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng xác định hành vi có dấu hiệu nhận hối lộ xảy ra tại Bộ Quốc phòng. Do vậy, cơ quan này đã ra quyết định tách hành vi và tài liệu liên quan để chuyển Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, Cơ quan ANĐT còn xác định bị can Trần Thị Hà Liên, là lao động tự do có hành vi môi giới hối lộ, nhưng đang bỏ trốn. Cơ quan ANĐT đã ra quyết định truy nã bị can, tách vụ án để điều tra, xử lý sau khi bắt được.

Cơ quan ANĐT cũng tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý đối với những dấu hiệu sai phạm liên quan tại một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và một số người khác có liên quan trong vụ án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.