Cựu trợ lý Phó thủ tướng nhận tiền tỉ trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

04/04/2023 15:37 GMT+7

Ông Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ" trong vụ án "chuyến bay giải cứu", với cáo buộc đã nhận 4,2 tỉ đồng của doanh nghiệp.

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố 54 bị can trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong dịch Covid-19. Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi với số tiền đặc biệt lớn.

Trong số các bị can, 21 người bị đề nghị truy tố tội "nhận hối lộ", 4 người bị đề nghị truy tố tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", 23 người bị đề nghị truy tố tội "đưa hối lộ", 4 người bị đề nghị truy tố tội "môi giới hối lộ", 2 người bị đề nghị truy tố tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cựu trợ lý Phó thủ tướng nhận tiền tỉ trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

Biến chủ trương nhân đạo thành "đại án"

Theo kết luận điều tra, thực hiện chủ trương đưa công dân về nước tránh dịch, các cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 người từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Cựu trợ lý Phó thủ tướng nhận tiền tỉ trong vụ 'chuyến bay giải cứu' - Ảnh 1.

Việt Nam đã tổ chức hơn 1.000 chuyến bay đưa công dân về nước tránh dịch

C.X

Việc thực hiện các chuyến bay cứu hộ này là chủ trương nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam, tuy nhiên quá trình triển khai đã có sự chồng chéo, không rõ ràng. Từ đó một số cá nhân có thẩm quyền ở các bộ, ngành đã gây khó cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, tạo cơ chế xin - cho, buộc doanh nghiệp phải nâng giá vé máy bay và các loại chi phí phát sinh để chi "bôi trơn", đưa hối lộ,… từ đó trở thành một vụ án đặc biệt nghiêm trọng.

Để được cấp phép cho các chuyến bay "combo" (công dân tự nguyện trả phí toàn bộ, từ di chuyển đến cách ly) để đưa công dân về nước, các doanh nghiệp có nhu cầu phải xin chủ trương cách ly của UBND cấp tỉnh, thành phố nơi thực hiện cách ly cho công dân khi về nước, sau đó gửi hồ sơ cho Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).

Tiếp đó, Bộ Ngoại giao tổng hợp đề xuất và dự thảo kế hoạch bay theo nhu cầu thực tế, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Y tế, Công an, GTVT, Quốc phòng) có thẩm quyền trong chủ trương. Khi có ý kiến, Bộ Ngoại giao tổng hợp trình lãnh đạo Chính phủ (thông qua Văn phòng Chính phủ) để phê duyệt trước khi cấp phép, triển khai thực hiện.

Tại Văn phòng Chính phủ, các cá nhân thuộc Vụ Quan hệ quốc tế và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã lợi dụng nhiệm vụ được giao và đề xuất thẳng lên lãnh đạo Chính phủ duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp. Việc này đã bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của tổ công tác 5 bộ trong việc thẩm định, đưa ra ý kiến đối với kế hoạch tổ chức các chuyến bay, từ đó nhận hối lộ của doanh nghiệp.

Tình tiết hy hữu trong vụ 'chuyến bay giải cứu': Cựu công an nói dối, chiếm đoạt gần 19 tỉ

Nhiều cán bộ Văn phòng Chính phủ nhận hối lộ

Cơ quan ANĐT xác định, từ tháng 4.2020 đến tháng 4.2021, Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt chủ trương tổ chức 162 chuyến bay (27 chuyến bay giải cứu, 128 chuyến bay combo và 7 chuyến bay đơn lẻ). Quá trình tham mưu, đề xuất, các cá nhân có thẩm quyền tại đây đã nhận hối lộ để hưởng lợi cá nhân.

Cựu trợ lý Phó thủ tướng nhận tiền tỉ trong vụ 'chuyến bay giải cứu' - Ảnh 2.

Bị can Nguyễn Quang Linh

BỘ CÔNG AN

Cụ thể, bị can Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực với vai trò tham mưu, đề xuất, trình Phó thủ tướng phê duyệt chuyến bay. Biết vai trò này của Linh, một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc nối để được Linh xem xét giải quyết các thủ tục cấp phép chuyến bay.

Được giới thiệu, đầu năm 2021, bị can Hoàng Anh Kiếm đã liên hệ và gặp Linh tại phòng làm việc ở Văn phòng Chính phủ để nhờ giúp Công ty Lữ Hành Việt được tổ chức chuyến bay. Tuy nhiên, do đang thực hiện chính sách giãn, hoãn các chuyến bay nên Linh bảo có chủ trương nối lại thì sẽ báo cho Kiếm.

Giữa tháng 3.2021, khi có chủ trương nối lại các chuyến bay, Linh đã chủ động trao đổi với Kiếm sẽ giải quyết cho Công ty Lữ Hành Việt tổ chức 2 chuyến bay để đánh giá năng lực với chi phí 10.000 USD/chuyến, đồng thời hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ.

Sau khi thực hiện xong 2 chuyến bay, Kiếm tiếp tục gặp, đặt vấn đề và được Linh giúp Công ty Lữ Hành Việt phê duyệt 16 chuyến bay.

Cơ quan ANĐT xác định, quá trình giúp Công ty Lữ Hành Việt thực hiện 18 chuyến bay combo, Linh đã nhận 4 lần hối lộ từ Kiếm với số tiền 180.000 USD (tương đương hơn 4,1 tỉ đồng), tương ứng 10.000 USD/chuyến.

Ngoài ra, đầu tháng 4.2021, Linh đã nhận 100 triệu đồng của Công ty ATA và Công ty Investco, sau khi 2 công ty này được Văn phòng Chính phủ phê duyệt 10 chuyến bay.

Quá trình điều tra, Linh khai đã đưa một phần số tiền nhận hối lộ cho người khác. Tình tiết này sẽ được Cơ quan ANĐT làm rõ trong giai đoạn sau của vụ án.

Theo kết luận điều tra, ngoài Linh, nhiều bị can khác tại Vụ Quan hệ quốc tế cũng nhận hối lộ của doanh nghiệp. Cụ thể, bị can Nguyễn Thanh Hải, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế và Nguyễn Tiến Thân, cựu chuyên viên vụ này đã nhiều lần nhận 3,46 tỉ đồng và 10.000 USD (tương đương hơn 230 triệu đồng). Trong đó, Thân chia cho Hải 2,35 tỉ đồng, còn lại chiếm hưởng.

Bị can Nguyễn Mai Anh, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế cũng bị cáo buộc đã 3 lần nhận tổng 3 tỉ đồng từ doanh nghiệp. Số tiền này, Mai Anh chia cho Thân 50 triệu đồng và Linh 100 triệu đồng, số còn lại Mai Anh hưởng.

Xem nhanh 12h ngày 4.4: Thanh tra toàn diện TikTok | Hà Nội nhổ 'hàng cây tiền tỉ mãi không ra lá’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.