Vụ 'chuyến bay giải cứu': Nhận hối lộ trăm tỉ, doanh nghiệp nhỏ 'không có cửa'

04/04/2023 21:02 GMT+7

Các quan chức trong vụ "chuyến bay giải cứu" nhận hối lộ với số tiền lên tới cả trăm tỉ đồng, doanh nghiệp nào không chi tiền "bôi trơn" sẽ bị gây khó khăn, nhũng nhiễu.

Trong số 54 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ "chuyến bay giải cứu", Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cáo buộc 21 người phạm tội nhận hối lộ, với tổng số tiền lên tới cả trăm tỉ đồng. Riêng tại Bộ Ngoại giao, có 2 cựu thứ trưởng bị đề nghị truy tố tội danh này, với số tiền nhận hối lộ hàng chục tỉ đồng.

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Nhận hối lộ trăm tỉ, doanh nghiệp nhỏ 'không có cửa' - Ảnh 1.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng bị cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng để ưu ái doanh nghiệp thân quen

CTV

Ép doanh nghiệp chi tiền hối lộ bằng mọi giá

Kết luận điều tra cho thấy, để tổ chức chuyến bay chở công dân từ các quốc gia về nước, nhiều bộ, ngành cùng được phân công phối hợp. Trong đó, Bộ Ngoại giao chủ trì công tác bảo hộ công dân; đề xuất kế hoạch; báo cáo, trình lãnh đạo Chính phủ phê duyệt, quyết định các chuyến bay.

Cơ quan chuyên môn thuộc bộ này là Cục Lãnh sự được giao nhiệm vụ làm đầu mối tiếp nhận, thẩm định, đánh giá hồ sơ, năng lực tiến hành các chuyến bay của các doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị về tần suất, số lượng chuyến bay phê duyệt cho doanh nghiệp rồi báo cáo lãnh đạo bộ.

Ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam sẽ tập hợp danh sách công dân có nhu cầu về nước để báo cáo Cục Lãnh sự xét duyệt; phối hợp thực hiện tổ chức các chuyến bay đã được phê duyệt.

Xem nhanh 20h ngày 4.4: Thoát nghèo nhờ phố hàng rong | Mánh khóe vụ chuyến bay giải cứu

Mục đích của việc tổ chức các chuyến bay nhằm hướng tới tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" giữa đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, các bị can, trong đó có nhóm cán bộ ngoại giao đã bất chấp thực hiện các hành vi tư lợi cá nhân.

Khi các doanh nghiệp được cấp phép, một số cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài yêu cầu chia lợi nhuận theo từng chuyến bay hoặc chi tiền theo số công dân được về nước. Trong nước, các cán bộ có thẩm quyền tại Bộ Ngoại giao không chỉ nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp để chấp thuận cấp phép chuyến bay, mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp chưa chi tiền hối lộ.

Theo cơ quan điều tra, các cá nhân thuộc Cục Lãnh sự đã không minh bạch về quy trình tiếp nhận hồ sơ, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí đưa hối lộ.

Trên thực tế, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan chỉ lựa chọn các doanh nghiệp do cấp trên chỉ định xuống, do người thân quen nhờ, đã chi tiền trước hoặc hứa hẹn sẽ chi tiền để đưa vào danh sách đề xuất cấp phép chuyến bay. Bị can này còn hướng dẫn các doanh nghiệp mượn nhiều pháp nhân khác nhau để được cấp nhiều chuyến bay mà không bị chú ý là doanh nghiệp được ưu tiên riêng của Cục Lãnh sự.

Đối với các doanh nghiệp chưa tiếp xúc, thỏa thuận đưa hối lộ, các bị can sẽ gây khó dễ bằng việc chỉ cho thực hiện chuyến đầu tiên, các lần tiếp theo phải chờ ý kiến bằng văn bản; tự ý ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp dừng triển khai chuyến bay trong khi đã bán hết vé máy bay và thuê tàu bay, buộc doanh nghiệp đưa tiền hối lộ để được tiếp tục triển khai…

Vụ 'chuyến bay giải cứu': Nhận hối lộ trăm tỉ, doanh nghiệp nhỏ 'không có cửa' - Ảnh 2.

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan

CÔNG AN CUNG CẤP

Chỉ tiếp xúc doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ "không có cửa"

Theo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, những hành vi nhũng nhiễu nêu trên đã tạo ra "thị trường" mua bán giấy cấp phép chuyến bay giữa doanh nghiệp với các bị can tại Bộ Ngoại giao và sang nhượng quyền được tổ chức các chuyến bay giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Tính đến hết tháng 1.2022, các cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân về nước.

Với vai trò Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bị can Tô Anh Dũng có nhiệm vụ duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay trên cơ sở đề xuất của Cục Lãnh sự. Ông Dũng chỉ đạo cấp dưới đưa doanh nghiệp thân quen vào danh sách kế hoạch thực hiện chuyến bay, qua đó nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng của đại diện các doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến vụ án, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ hơn 1,8 tỉ đồng, nhằm giúp doanh nghiệp được tham gia bán vé máy bay và khách sạn lưu trú cho các chuyến bay đưa công dân từ Nhật Bản về nước.

Một cán bộ ngoại giao khác là cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan đã không yêu cầu đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đúng chức năng "bảo hộ công dân của mình", để tự người dân liên hệ với đại lý của doanh nghiệp dẫn đến chi phí tăng cao, không công bố công khai danh sách doanh nghiệp được thực hiện chuyến bay để công dân lựa chọn.

Quá trình thực thi công vụ, bị can Nguyễn Thị Hương Lan tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp thân cận, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác. Bị can chỉ tiếp xúc với những doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp có mối quan hệ với lãnh đạo các cấp; không tiếp xúc, gặp gỡ với doanh nghiệp nhỏ hoặc không thân quen.

Bằng thủ đoạn nêu trên, nữ bị can này nhận hối lộ tổng cộng hơn 25 tỉ đồng. Tương tự, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự Đỗ Hoàng Tùng bị cáo buộc nhận hối lộ với số tiền lên tới hơn 12,2 tỉ đồng.

Cựu trợ lý Phó thủ tướng nhận tiền tỉ trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.