Trong vụ "chuyến bay giải cứu", ngoài hành vi đưa, nhận hối lộ, một tình tiết đáng chú ý là cuộc "chạy án" bất thành với số tiền lên tới hơn 61 tỉ đồng.
4 nhân vật chính trong phi vụ này gồm: thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội; Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng Điều tra, Cục An ninh điều tra Bộ Công an; Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh, và Nguyễn Thị Thúy Hằng, cựu Phó tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh.
Theo kết luận điều tra, để được cấp phép 109 chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước giữa đại dịch Covid-19, các bị can Sơn và Hằng đã móc nối, hối lộ 38,5 tỉ đồng cho nhiều quan chức có thẩm quyền.
Trước khi vụ án bị khởi tố, bị can Hằng từng có ý định ra tự thú, nhưng vì sợ bị xử lý hình sự và sẵn quen biết với thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nên quyết định bàn bạc với bị can Sơn, thống nhất nhờ ông Tuấn "chạy án".
Xem nhanh 20h ngày 5.4: Phí bôi trơn khủng vụ ‘chuyến bay giải cứu’ | Việt Nam có 6 tỉ phú USD
Kế hoạch "thí tốt" để cứu tổng giám đốc
Cuối tháng 1.2022, bà Hằng đến nhà riêng của ông Tuấn - khi đó là Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, nhờ lo lót cho Hằng và ông Sơn không bị xử lý hình sự. Biết bị can Hoàng Văn Hưng là điều tra viên đang trực tiếp thụ lý vụ án, ông Tuấn nhận lời, liên lạc với ông Hưng để trao đổi.
Ông Tuấn nhiều lần làm cầu nối giúp bà Hằng và ông Hưng gặp nhau tại nhà mình. Khi hai bên nói chuyện, ông Hưng hướng dẫn bà Hằng phải nhận hết trách nhiệm về việc đưa hối lộ, tự thú và thành khẩn khai báo để được khoan hồng; còn ông Sơn sẽ đổ hết cho bà Hằng và nói "không biết gì".
Thực hiện theo kế hoạch, bà Hằng viết 7 bản tường trình về việc đưa hối lộ cho các quan chức rồi đưa cho ông Hưng, đồng thời chủ động làm đơn tố cáo gửi đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an. Trong các lần gặp sau đó, bà Hằng liên tục cập nhật kết quả làm việc với điều tra viên để ông Hưng hướng dẫn.
"Có quyết tâm cứu Sơn hay không?", ông Hưng hỏi bà Hằng trong một lần gặp mặt. Bà Hằng hiểu đây là một sự gợi ý từ ông Hưng, rằng muốn cứu ông Sơn thì phải chi một khoản tiền lớn, nên đồng ý và đề nghị ông Hưng tìm mọi cách giúp đỡ, chi phí hết bao nhiêu thì báo để chuẩn bị.
Tháng 9.2022, ông Hưng bị điều chuyển công tác từ Trưởng phòng Điều tra sang Trưởng phòng Chính trị - Hậu cần, Cục An ninh điều tra Bộ Công an; không còn bất kỳ quyền hạn gì liên quan đến việc xử lý vụ án "chuyến bay giải cứu".
Tuy nhiên, ông Hưng vẫn tiếp tục gặp bà Hằng để trao đổi về diễn biến điều tra; đồng thời tạo nhiều lý do, cung cấp thông tin sai sự thật về vai trò của mình để tạo niềm tin với bà Hằng và ông Sơn, nhiều lần đề nghị đối phương chi tiền.
Nhằm tạo sức ép khiến bà Hằng xuống thêm tiền, ông Hưng nói "viện kiểm sát rất căng thẳng với Sơn, một số điều tra viên cũng có quan điểm phải xử lý đối với sai phạm của Sơn". Có lần, do ông Hưng liên tục hối thúc trong khi bà Hằng chưa chuẩn bị đủ tiền, ông Tuấn đã phải ứng trước cho đủ theo yêu cầu.
Thấy ông Hưng bị điều chuyển công tác, ông Tuấn hỏi "có ảnh hưởng gì không" thì được trấn an rằng "chỉ là luân chuyển về hành chính, vẫn chỉ đạo điều tra, trực tiếp báo cáo đề xuất xử lý vụ án".
Đáng chú ý, cuối tháng 11.2022, trong một lần gặp bà Hằng ở nhà ông Tuấn, ông Hưng thông báo đã chuyển tiền cho viện kiểm sát nhưng viện kiểm sát vẫn "chê ít", "chỉ mới được một nửa", ý muốn bà Hằng gom thêm tiền "chạy án".
Thậm chí, đến khi ông Sơn bị bắt giữ, bà Hằng truy hỏi thì ông Hưng vẫn nói "kiểm soát được tình hình". Tuy nhiên, kết quả sau đó cả ông Sơn và bà Hằng cùng bị khởi tố, đề nghị truy tố tội đưa hối lộ.
Số tiền "chạy án" là 2,8 hay 2,6 triệu USD?
Quá trình điều tra, các bị can Sơn và Hằng khai từ tháng 2.2022 đến tháng 12.2022, bà Hằng đưa cho ông Tuấn tổng cộng 2,8 triệu USD, tương đương 65,1 tỉ đồng để chuyển cho ông Hưng "chạy án". Số tiền này được chia thành 13 lần.
Ông Tuấn thì khai chỉ nhận của bà Hằng 2,65 triệu USD, tương đương 61,7 tỉ đồng. Trong đó, ông Tuấn chuyển cho ông Hưng 2,25 triệu USD, chỉ giữ lại 400.000 USD liên quan đến việc chuyển nhượng thửa đất ở tỉnh Vĩnh Phúc. Ngược lại, ông Hưng khẳng định không nhận bất kỳ khoản tiền nào từ ông Tuấn hoặc bà Hằng.
Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nhận định, ông Tuấn đã nhận 2,65 triệu USD từ bà Hằng để lo lót cho bà Hằng và ông Sơn không bị xử lý hình sự. Trong số này, đến nay có đủ cơ sở cho thấy ông Hưng nhận 800.000 USD, phần còn lại là 1,85 triệu USD ông Tuấn phải chịu trách nhiệm. Cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội bị đề nghị truy tố tội môi giới hối lộ.
Với ông Hưng, khi còn là Trưởng phòng Điều tra và điều tra viên thụ lý chính vụ án, bị can nhiều lần gặp gỡ bà Hằng - khi đó là đối tượng điều tra, mà không báo cáo lãnh đạo; hướng dẫn bà Hằng và ông Sơn khai báo. Nhưng ở giai đoạn này, chưa đủ tài liệu để khẳng định ông Hưng có nhận tiền hay không.
Đến khi bị điều chuyển công tác, ông Hưng dù không còn quyền hạn gì nhưng vẫn đưa ra thông tin sai sự thật để bà Hằng chi tiền, nhận 800.000 USD của bà Hằng thông qua ông Tuấn. Do đó, bị can bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vẫn theo kết luận điều tra, quá trình "chạy án", ông Hưng và bà Hằng liên lạc với nhau đều thông qua ông Tuấn, bằng sim rác hoặc ứng dụng Viber. Việc đưa tiền cũng như vậy, ông Hưng không trực tiếp nhận từ bà Hằng mà đều qua trung gian là ông Tuấn. Tiền đưa, nhận hối lộ đều là loại 100 USD Mỹ.
Cả ông Tuấn và ông Hưng đều được ghi nhận có nhiều huân, huy chương, thành tích trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Riêng ông Tuấn còn thành khẩn khai báo, giúp cơ quan điều tra làm sáng tỏ vụ án, gia đình đã nộp 460.000 USD để khắc phục hậu quả.
Với ông Sơn và bà Hằng, 2 bị can cũng đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã nộp gần 2,7 tỉ đồng là tiền mà các bị can nhận hối lộ trả lại sau khi vụ án bị khởi tố. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị Viện KSND tối cao, tòa án áp dụng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điều 51, điều 364 bộ luật Hình sự và Nghị quyết 03/2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, để cân nhắc khung hình phạt với 2 người này.
Bình luận (0)