Vụ chuyển nhượng Neymar: 'giải phóng' hay 'mua đứt hợp đồng'?

05/08/2017 09:48 GMT+7

Neymar đã rời Barcelona sang Paris Saint Germain (PSG) theo bản hợp đồng kỷ lục. Chúng ta hãy tìm hiểu thêm về khái niệm 'mua đứt hợp đồng' - con đường giúp Neymar thoát khỏi Barcelona và gia nhập PSG.

Rút cuộc, PSG đã có được Neymar - hoàn toàn độc lập với chuyện CLB cũ của Neymar là Barcelona muốn bán hay không. Nhưng nếu PSG cũng dùng cách tương tự để chiêu mộ Alexis Sanchez của Arsenal, thì chắc chắn không được. Đấy chỉ là một trong rất nhiều khác biệt đáng lưu ý giữa bóng đá TBN và bóng đá Anh trên thị trường chuyển nhượng.
Như mọi người đã biết, Sanchez muốn tăng lương, hoặc chuyển nhượng khỏi Arsenal. Cả hai yêu cầu đều bị HLV Arsene Wenger bác bỏ. Thế là "hết cửa" ra đi, vì giữa Sanchez và Arsenal không có điều khoản "mua đứt hợp đồng" (buy-out clause). Theo thông lệ, rất ít khi các đội bóng Anh đưa điều khoản này vào hợp đồng. Nhưng, ở Anh lại có luật "giải phóng hợp đồng" (release clause). Luật này cho phép một cầu thủ dưới 28 tuổi đơn phương chấm dứt hợp đồng sau 3 năm, nếu trên 28 tuổi thì chỉ cần sau 2 năm, với điều kiện CLB chủ quản và CLB muốn mua người phải thỏa thuận được "giá thị trường" của cầu thủ trong cuộc. Trên thực tế, chỉ có tòa án mới giải quyết được điều này, và khi câu chuyện được đưa ra tòa, có khi thời gian phân xử còn lâu hơn thời gian còn lại trong hợp đồng.
Ở Tây Ban Nha lại khác. Theo quy định của bóng đá Tây Ban Nha, mọi bản hợp đồng đều phải có điều khoản "mua đứt hợp đồng". Đây vốn dĩ là chi tiết cực kỳ văn minh, khi ta nhìn lại lịch sử bóng đá châu Âu.
Trước năm 1995, theo luật UEFA, kể cả khi đã chấm dứt hợp đồng, bạn vẫn không được chuyển sang đội khác nếu CLB cũ không cho phép. Cầu thủ người Bỉ Jean-Marc Bosman đã lôi cả UEFA ra tòa, kiện quy định "quái gở" này. Anh thắng kiện, và bóng đá châu Âu thay đổi hoàn toàn kể từ thời điểm đó (cầu thủ hết hợp đồng sẽ được tự do ra đi). Nhưng trước khi có phán quyết Bosman? La Liga đã nhìn ra chỗ vô lý trong luật UEFA, nên họ mới buộc các CLB ở Tây Ban Nha phải có điều khoản "mua đứt hợp đồng", để cầu thủ không trở thành nô lệ vĩnh viễn của đội bóng. Luật này xuất hiện vào năm 1985.
Trên nguyên tắc khi cầu thủ tự bỏ tiền túi để "mua đứt hợp đồng" (và cũng chỉ có chính cầu thủ trong cuộc - chứ không phải CLB khác - được mua đứt hợp đồng), thì CLB cũ phải đóng thuế thu nhập. Trên thực tế, CLB mới sẽ đền bù cho cầu thủ trong cuộc số tiền mà anh ta tự "mua lại mình". Nhưng nếu điều này diễn ra trước khi cầu thủ chia tay CLB cũ, thì chính cầu thủ lại phải đóng thuế, theo luật Tây Ban Nha. Còn nếu cầu thủ "tự mua mình" trước, sau đó chuyển sang nước khác và nhận tiền đền bù của CLB mới thì anh ta không phải đóng thuế tại Tây Ban Nha - nhưng sẽ "ráng chịu" trước xác suất rủi ro là CLB mới thay đổi quyết định!
Neymar sẽ gặp rắc rối lớn nếu PSG đổi ý không ký hợp đồng AFP
Hãy hình dung điều trớ trêu: Neymar tự bỏ tiền túi trả 222 triệu euro để thoát khỏi Barcelona, sau đó PSG đổi ý, không cần Neymar nữa? Chắc chắn sẽ có rắc rối to, dù trên thực tế thì điều này không xảy ra.
Khác biệt quan trọng: trong trường hợp "giải phóng hợp đồng" (thường là tranh chấp phức tạp giữa các bên và phải do tòa án quyết định), thì không ai phải nộp thuế. Mức thuế 48% đối với một cú áp phe 222 triệu euro sẽ lên đến hơn 100 triệu euro, đâu phải chuyện đùa! May cho Barcelona ở chỗ: chỉ mới đây thôi, Tây Ban Nha đã bỏ loại thuế này, không thì vụ Neymar sẽ còn nhiều rắc rối nữa.
Cuối cùng, Barcelona chỉ có thể tự trách mình khi để mất Neymar. Trên thực tế, người ta chỉ quan tâm giá chuyển nhượng có tương xứng với tài năng cầu thủ hay không, còn giá "mua đứt hợp đồng" thường chỉ có ý nghĩa như một cam kết, rằng cầu thủ sẽ gắn bó đến hết hợp đồng. Real Madrid định giá "mua đứt hợp đồng" đến... 1 tỷ euro đối với Karim Benzema hoặc Cristiano Ronaldo, nửa tỷ euro cho Luka Modric (và các ngôi sao này tỏ ra chẳng hề quan tâm). Barcelona thì chỉ định giá 300 triệu euro cho Lionel Messi, 222 triệu cho Neymar, 200 triệu cho Luis Suarez. Bây giờ "đụng chuyện", Barcelona hối hận thì đã quá muộn!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.