Bị tai nạn giao thông trên đường đi dạy về
Tại phiên tòa phúc thẩm của TAND tỉnh Bến Tre ngày 3.2, nguyên đơn là bà Phan Thị Thắm (55 tuổi, giáo viên dạy môn Sinh học tại Trường THCS Đỗ Hữu Phương, H.Bình Đại, Bến Tre) trình bày: Ngày 28.12.2019, trên đường đi dạy học về, tôi bị tai nạn giao thông, nhập viện cấp cứu với tình trạng gãy kín mâm chày ngoài Schatzker II và bong nơi bám dây chằng chéo trước cùng ở chân trái, phải phẫu thuật và điều trị tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.
Theo bà Thắm, vụ tai nạn khiến bà phải cố định nhiều ốc vít vào xương chân, liên tục điều trị, tái khám, dùng thuốc. Tháng 12.2021, chân bị nạn của bà Thắm trở nặng vì viêm, rách sụn chêm, thoái hóa, được bác sĩ yêu cầu tiếp tục điều trị tích cực trong thời gian dài.
Ngày 30.12.2019, ban lãnh đạo Trường THCS Đỗ Hữu Phương tổ chức họp và lập biên bản điều tra tai nạn lao động, kết luận trường hợp của giáo viên Phan Thị Thắm là tai nạn lao động.
Do đó, từ tháng 1.2020 đến hết tháng 9.2020, nhà trường trả đủ lương và phụ cấp cho bà Thắm theo Điều 38, luật An toàn vệ sinh lao động.
Đến đầu tháng 10.2020, ông Nguyễn Thiện Nhật về làm Hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Hữu Phương. Từ tháng 10.2020 đến tháng 3.2021, ban giám hiệu nhà trường không chấp nhận các đơn xin nghỉ phép kèm với các đơn thuốc, giấy tái khám của bà Thắm vì cho rằng các giấy tờ này không đủ căn cứ để cho bà nghỉ phép dài hạn.
Lãnh đạo nhà trường yêu cầu bà Thắm bổ sung các loại giấy tờ như: kết quả giám định tỷ lệ thương tật, chỉ định điều trị dài hạn của bác sĩ có chữ ký, con dấu của lãnh đạo bệnh viện. Đồng thời, nhà trường cắt phần tiền phụ cấp ưu đãi của giáo viên Phan Thị Thắm và từ tháng 4.2021 - 6.2021, cắt toàn bộ tiền lương của nữ giáo viên này.
Sau khi ban giám hiệu nhà trường phân công dạy 4 tiết/tuần, bà Thắm không thực hiện được và tiếp tục gửi đơn xin nghỉ phép.
Tháng 5.2021, nhà trường quyết định kỷ luật cảnh cáo và tháng 11.2021 ra quyết định buộc thôi việc với giáo viên Phan Thị Thắm.
Nguyên nhân là bà Thắm đã bỏ việc không lý do tổng cộng 13 ngày trong năm 2021 và không tuân theo sự phân công giảng dạy của ban giám hiệu nhà trường.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Bến Tre cho phép bà Thắm được ngồi để trình bày, nhưng bà vẫn cố gắng đứng trước tòa: "Chuyên môn của tôi là dạy môn Sinh cấp THCS. Suốt 27 năm trong nghề, dù bị phân công dạy cấp tiểu học hay bất cứ nhiệm vụ nào cũng hoàn thành vì tôi yêu nghề. Cơ thể tôi chỉ nặng hơn 40 kg nhưng phải mang cả chục ốc vít trong chân nên đi lại hết sức khó khăn. Nhà trường phân công tôi dạy 9 - 10 tiết/tuần (quy định 19 tiết/tuần). Với sức khỏe của mình, dù 1 tiết tôi cũng không hoàn thành được, vì lương tâm người thầy, tôi không thể ngồi một chỗ mà dạy cho các em".
Theo bà Thắm, nếu không có việc áp dụng luật An toàn vệ sinh lao động để được hưởng lương trong thời gian điều trị thì bà đã viết đơn xin nghỉ việc không lương, chứ không để bị đuổi việc lúc sắp về hưu.
"Nhà trường đã cho tôi nghỉ việc khi tôi trong giai đoạn chuẩn bị phẫu thuật lấy các ốc vít ở chân ra để Trung tâm giám định pháp y Bến Tre có điều kiện xác định được tỷ lệ thương tật nhằm bổ sung cho hồ sơ mà nhà trường có yêu cầu. Tôi bị tai nạn lao động mà cứ đẩy qua chế độ bảo hiểm xã hội… thì tôi chua xót quá", bà Thắm nói.
Vi phạm luật Viên chức
Trình bày tại tòa, ông Nguyễn Thiện Nhật cho biết từ ngày 28.12.2019 đến 29.9.2020, nữ giáo viên Phan Thị Thắm được bác sĩ chỉ định điều trị vết thương nên được nghỉ hưởng đủ lương là đúng.
Sau đó, tháng 9.2021, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM kết luận bà Thắm đã lành xương, mặc dù còn tái khám, uống thuốc. Nhưng bà Thắm vẫn liên tục nghỉ làm việc, mặc dù các đơn xin nghỉ phép kèm theo toa thuốc, tái khám đã không được nhà trường chấp nhận vì không có xác nhận của lãnh đạo bệnh viện và không thể hiện được việc nghỉ bảo hiểm. Bà Thắm đã bỏ việc không lý do 13 ngày là vi phạm luật Viên chức.
Tại tòa, vị đại diện Viện KSND tỉnh Bến Tre đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu hủy quyết định buộc thôi việc đối với bà Phan Thị Thắm; đề nghị tuyên y án sơ thẩm của TAND H.Bình Đại đối với vụ án dân sự "Tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức buộc thôi việc".
Theo Viện KSND tỉnh Bến Tre, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM có chẩn đoán "xương lành", "đi vừa, hạn chế leo lâu" đối với vết thương sau vụ tai nạn lao động năm 2019, mặc dù vẫn chưa thực hiện ca phẫu thuật cuối cùng là mổ lấy toàn bộ ốc vít kèm ở chân bà Thắm ra khỏi cơ thể. Khi đó, nhà trường đã bố trí công việc phù hợp như giảm số tiết dạy, bố trí dạy ở tầng trệt… là phù hợp nhưng bà Thắm không thực hiện mà mặc nhiên khi mổ lấy toàn bộ ốc vít ra khỏi cơ thể mới lành vết thương là không đúng.
Riêng phần phát sinh bệnh mới ở chân bà Thắm từ tháng 9.2020 gồm viêm, thoái hóa, rách sụn chêm không có căn cứ thuyết phục rằng bệnh do di chứng của vụ tai nạn lao động.
Trong bối cảnh đó, bà Thắm không tuân theo sự phân công của ban giám hiệu nhà trường, gây dư luận xấu, làm mất uy tín lãnh đạo viên chức của hiệu trưởng nhà trường… Đồng thời, sau khi bị kỷ luật cảnh cáo, bà Thắm tiếp tục bỏ việc đến tổng cộng 13 ngày nên quyết định buộc thôi việc do Hiệu trưởng Trường THCS Đỗ Hữu Phương ký ban hành là đúng quy định pháp luật. Do đó, Viện KSND tỉnh Bến Tre đề nghị tòa không chấp nhận yêu cầu "hủy quyết định buộc thôi việc".
Sau thời gian nghị án, ngày 6.2, TAND tỉnh Bến Tre tuyên y án sơ thẩm vụ án cô giáo Phan Thị Thắm khởi kiện Trường THCS Đỗ Hữu Phương.
Xem nhanh 20h ngày 6.2: Điện chính thức tăng giá | Nhà vệ sinh công cộng Việt Nam giành giải lớn
Bình luận (0)