(Tin Nóng) Vụ cơ phó máy bay Airbus A320 của Germanwings (Đức) nhốt cơ trưởng ngoài buồng lái rồi cho máy bay đâm xuống núi khiến các nhà điều tra đang tập trung xem xét liệu có liên quan đến vụ máy bay MH370 của Malaysia mất tích theo hướng do phi công cố tình gây ra để tự sát, theo Telegraph ngày 26.3.
>> Cơ phó lái máy bay A320 đâm xuống núi Alps ở Pháp là ai?
>> Cơ trưởng bị nhốt ngoài buồng lái khi máy bay A320 của Đức rơi ?
|
Ngày 26.3.2015, công tố viên Pháp đã kết luận cơ phó Andreas Lubitz, người Đức, 28 tuổi, đã cố tình cho máy bay A320 lao xuống vùng núi Alps ở tỉnh Thượng Alpes, Pháp ngày 24.3 khi cơ trưởng ra ngoài, làm chết toàn bộ 150 người trên khoang.
Bằng chứng thu được từ việc giải mã hộp đen cho thấy cơ phó Lubitz đã không mở cửa buồng lái cho cơ trưởng vào khi anh ta điều khiển máy bay đâm xuống núi. Thông tin này đã gây sốc cả thế giới.
Việc tự sát và thảm sát hàng loạt vẫn là nghi án xoay quanh vụ máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines (số hiệu chuyến bay MH370) mất tích trên vùng biển Nam Ấn Độ Dương ngày 8.3.2014, đến nay vẫn chưa tìm thấy tăm hơi nào, dù các đội tìm kiếm đã hoàn tất việc dò tìm hơn 50% vùng biển nơi nghi ngờ máy bay MH370 rơi.
Ngay trong những ngày đầu xảy ra vụ việc, cảnh sát Malaysia đã đến kiểm tra nhà của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah và cơ phó Fariq Abdul Hamid. Tương tự, hôm 26.3.2015 cảnh sát Đức cũng đã đến lục soát nhà của cơ phó Andreas Lubitz.
Telegraph cho biết các nhà điều tra vụ tai nạn máy bay Đức rơi ở Pháp cũng đang cố gắng xác định liệu hành động của cơ phó Lubitz có lấy cảm hứng từ sự kiện vụ MH370 và các sự cố tương tự trước đó hay không.
Cảnh sát Malaysia đã xác định cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah là nghi phạm chính, và gạt bỏ mọi nghi ngờ với tất cả hành khách trên máy bay. Cơ trưởng Shah đã được báo cáo là có vấn đề cá nhân tại thời điểm vụ tai nạn và đang trong tâm trạng rất buồn sau khi cuộc hôn nhân của ông ta tan vỡ.
Các nhà điều tra nay đang tìm hiểu xem liệu đời sống riêng tư của cơ phó Lubitz có dấu hiệu nào cho thấy anh ta đã chán nản hoặc có lý do để kết liễu đời mình.
Những ngày sau vụ mất tích của MH370, cảnh sát Malaysia đã tịch thu một thiết bị mô phỏng lái máy tại nhà của cơ trưởng Shah, và kiểm tra thiết bị này với sự giúp đỡ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Tuy nhiên việc kiểm tra không thấy có gì khả nghi trong mô hình giả lập bay này cũng như trong máy tính cá nhân của cơ trưởng Shah và cơ phó Zaharie Fariq.
Báo cáo chi tiết về vụ MH370 nhân 1 năm tai nạn mới công bố hồi đầu tháng 3.2015 cũng không cho thấy bằng chứng nào có liên quan đến các phi công Malaysia.
|
Việc phi công cố tình tự tử cùng máy bay đã từng xảy ra thời gian qua. Chẳng hạn vào tháng 11.2013, cơ trưởng chuyến bay TM470 của hãng hàng không Mozambique Airlines lợi dụng khi cơ phó ra ngoài đi vệ sinh đã khóa cửa buồng lái và cho máy bay đâm xuống đất ở nước Namibia, làm chết 33 người trên máy bay. Cuộc điều tra sau đó tiết lộ rằng cơ trưởng đã có vấn đề về hôn nhân và con trai của ông ta mới qua đời.
Năm 1999, một chuyến bay của hãng Egyptair (Ai Cập) giữa New York và Cairo đã rơi làm chết 217 người. Ba mươi phút sau khi cất cánh, chiếc Boeing 767 này đã giảm độ cao từ 36.000 feet (11 km) xuống 19.000 feet (5,8 km) trong vòng chưa đầy 30 giây, khiến máy bay mất diều khiển và rơi tự do. Cuộc điều tra cho thấy, lúc đó cơ trưởng Gamal al-Batouti lẩm bẩm một cụm từ tiếng Ả Rập thường gắn liền với khoảnh khắc trước khi chết, "Tôi dựa vào Thượng đế", khi ngắt chế độ lái tự động.
Các nhà điều tra Mỹ kết luận rằng vụ tai nạn này là do phi công tự sát, dù nhà chức trách Ai Cập không tán thành.
Năm 1997, một chuyến bay của hãng Silk Air đã bị rơi trong khi đang bay trên hành trình Jakarta (Indonesia) đến Singapore, làm chết 97 hành khách và 7 phi hành đoàn. Một lần nữa, người Mỹ kết luận rằng phi công đã cố tình làm rơi máy bay, nhưng các nhà chức trách Indonesia cho biết nguyên nhân vụ tai nạn không thể xác định được.
Chiếc máy bay này do phi công Singapore Tsu Way Ming điều khiển, đã giảm độ cao từ 35.000 feet (10,6 km) lao xuống một con sông chỉ trong một phút, một cú bổ nhào rất nhanh, đạt tốc độ siêu âm.
Năm 1994, một chuyến bay cũa hãng Royal Air Maroc (Morocco) sau khi cất cánh từ Agadir, cơ trưởng 32 tuổi đã ngắt kết nối chế độ lái tự động và cho máy bay đâm vào một sườn núi. Toàn bộ 44 người thiệt mạng.
|
Máy bay MH370 của Malaysia biến mất khỏi màn hình radar ngày 8.3.2014 trong khi đang bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc) với 239 hành khách và phi hành đoàn trên khoang, đến nay vẫn chưa tìm ra. Còn máy bay Airbus A320, số hiệu chuyến bay 9525 của hãng bay vé rẻ Germanwings trong khi đang bay từ Barcelona, Tây Ban Nha đến Dusseldorf (Đức) ngày 24.3.2015 đã đâm vào dãy núi Alps ở Pháp làm chết 150 người trên máy bay. Đây là thảm họa hàng không dân dụng lớn ở Pháp từ năm 2000 đến nay và là vụ tai nạn máy bay có nhiều người chết nhất kể từ năm 1981 (vụ tai nạn năm 1981 làm chết 180 người). |
Anh Sơn
>> Cơ phó lái máy bay A320 đâm xuống núi Alps ở Pháp là ai?
>> Cơ phó đã nhốt cơ trưởng bên ngoài, cho máy bay A320 lao xuống núi
>> Cơ trưởng bị nhốt ngoài buồng lái khi máy bay A320 của Đức rơi ?
>> Hơn 10 nước có nạn nhân vụ máy bay A320 của Đức rơi ở Pháp
>> Hình ảnh hiện trường máy bay A320 của Đức rơi tại vùng núi Pháp
>> Máy bay A320 Đức rơi gần nơi máy bay Paris đi Sài Gòn rơi năm 1953
>> Máy bay Airbus A320 của Đức rơi ở Pháp sắp hết hạn sử dụng
Bình luận (0)