Trong 5 đối tượng bị khởi tố có bà Dương Thị Lược (SN 1963, trú tại xã Thanh Lâm, H.Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), là bác họ của Lê Văn Luyện. Chồng bà Lược là Trương Văn Hợp (SN 1964) cũng bị khởi tố về tội danh “không tố giác tội phạm”.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 7.9, ông Nguyễn Việt Hùng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bắc Giang, cho biết bà Lược là y tá ở trạm y tế xã Thanh Lâm và cũng chính là 1 trong 3 người đã trực tiếp chăm sóc vết thương cho Luyện sau khi gây án.
“Sáng 24.8, khi con bà Lược là Trương Thanh Hồng đưa Lê Văn Luyện đến khâu vết thương thì bà Lược không biết, nhưng tối về, Hồng đã kể lại cho bà Lược và ông Trương Văn Hợp. Ngoài ra, Hồng còn đưa cho bố mẹ xem 2 dây chuyền vàng Luyện đưa, sau đó ông Hợp và bà Lược bắt Hồng đưa trả cho ông Miên (bố Luyện)”, ông Nguyễn Việt Hùng cho biết.
“Thực ra từ ngày 29.8, thời điểm Lê Văn Luyện chưa bị bắt, cơ quan điều tra đã xác định có đủ căn cứ hành vi phạm tội của bà Lược. Tuy nhiên, vì tính nhân đạo nên cơ quan tố tụng không bắt tạm giam, bởi trước đó, cả chồng và con bà Lược đều bị bắt khẩn cấp vì hành vi che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm. Việc khởi tố bị can đã được cơ quan tố tụng xem xét rất thận trọng”, ông Nguyễn Việt Hùng khẳng định.
Cố tình che giấu
Trong ngày hôm qua, cơ quan điều tra (CQĐT) đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với ông Lê Văn Miên (SN 1969, ở xã Thanh Lâm, H.Lục Nam), bố đẻ của Luyện, bà Lê Thị Định ( trú tại Nà Tồng, Trùng Khánh, H.Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn), là cô ruột của Luyện và Trương Thanh Hồng, anh họ của Luyện về tội “che giấu tội phạm”.
Trong số những người bị khởi tố chỉ có bị can Miên và Hồng bị tạm giam, 3 bị can còn lại được tại ngoại. Cùng ngày, bà Lê Thị Thơm, là mẹ của bị can Luyện đã được trả tự do, vì Viện KSND cho rằng chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can. Trước đó, CQĐT đã tạm giữ hình sự bà Thơm để điều tra sau khi phát hiện tang vật tại nhà. Riêng với Lê Văn Nghị do có công trong việc đưa Lê Văn Luyện về nước chịu tội trước pháp luật nên CQĐT không xem xét khởi tố hình sự tại thời điểm hiện tại.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, người biết rõ từ đầu đến cuối hành vi phạm tội của Lê Văn Luyện chính là ông Miên. Sau khi Luyện trốn lên Lạng Sơn và gọi điện về cho bố chỉ nơi giấu vàng, ông Miên biết con mình gây ra tội ác nhưng thương con nên không báo công an. CQĐT cũng xác định, Trương Thanh Hồng đã đón Luyện từ nơi phạm tội về nhà, đưa đi băng bó vết thương và chạy trốn.
Đáng chú ý, CQĐT xác định ông Miên và ông Hợp đã lên Lạng Sơn và gặp Luyện tại nhà của bà Lê Thị Định. Tại đây, Luyện thừa nhận hành vi phạm tội trước bố, cô, chú. Mặc dù vậy, do thương con, thương cháu nên những người này không trình báo.
Cũng theo Viện KSND tỉnh Bắc Giang, đến thời điểm này, vẫn chưa phát hiện thêm dấu hiệu nào thể hiện có thêm đồng phạm của Lê Văn Luyện cùng tham gia gây án. Ngoài ra, các lời khai bị can Lê Văn Luyện cũng thể hiện rõ, sau khi đột nhập được vào nhà chủ tiệm vàng Ngọc Bích, đối tượng đã chém chết các nạn nhân rồi mới lấy tài sản chứ không phải trong khi trộm tài sản thì bị lộ.
Thái Sơn - Minh Sang
Bình luận (0)