Gần đây, mạng xã hội liên tục xuất hiện những đoạn clip ghi lại cảnh chó chụp ảnh ở quảng trường Lâm Viên (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) bị nam thanh niên cầm gậy đánh liên tiếp vào người. Vụ việc được chia sẻ với tốc độ "chóng mặt", ai nấy đều phẫn nộ với hành động của người này.
Hội bảo vệ động vật Việt Nam nói gì?
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Nguyễn Tam Thanh, trưởng ban phúc lợi động vật, Hội bảo vệ động vật Việt Nam cho biết, vấn đề đối xử nhân đạo với động vật ở nước ta đã có quy định cụ thể trong 2 luật là Luật Chăn nuôi 2018 và Luật Thú y 2015. Bên cạnh đó, nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm về chăn nuôi để chế tài, xử lý đối với hành vi đánh đập, hành hạ động vật.
Những người chứng kiến hành vi đánh đập, hành hung động vật cũng có thể báo với chính quyền địa phương hoặc các tổ chức bảo vệ động vật. Với vụ việc hành hung chó lan truyền trên mạng xã hội gần đây, Hội bảo vệ động vật Việt Nam đã gửi công văn đến UBND TP.Đà Lạt đề nghị điều tra, xử lý hành hành vi theo quy định của pháp luật.
"Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị người hành hung cam kết không tái phạm trong thời gian tới. Đây cũng là hình thức răn đe để những người khác không thực hiện hành vi tương tự", ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, ở một số nước trên thế giới đã có những quy định về vấn đề đối xử với động vật trong đó có việc nghiêm cấm người đánh đập không được nuôi trong thời gian nhất định tùy vào mức độ nghiêm trọng.
"Trên clip không phản ánh được lý do vì sao người ta đánh đập chó tuy nhiên hành động đó rất phản cảm, không có tính nhân đạo với động vật. Động vật không hiểu được tiếng nói của con người, đó là hành vi tra tấn dã man vì chúng không thể trốn thoát. Khi xem clip không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người bức xúc với hành động đó", ông Thanh bày tỏ.
Pháp luật quy định thế nào?
Cũng theo ông Thanh, lực lượng chức năng cần thực hiện, áp dụng những chế tài xử phạt theo đúng quy định đối với việc hành hung động vật. Mỗi người cũng cần xem lại mối quan hệ giữa con người với động vật, hiểu tập tính và nhìn nhận việc chúng không hiểu tiếng người để có những phương pháp huấn luyện tích cực.
"Đối với những loài động vật lớn, nguy hiểm nên rọ mõm, không để chúng tiếp xúc với đông người, môi trường căng thẳng. Nhiều khu du lịch còn để các loài động vật như trăn, gấu… chụp ảnh với khách, điều này cũng không nên thực hiện", ông Thanh chia sẻ.
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết hành động đánh đập, hành hạ tàn nhẫn vật nuôi trước đây từng được coi là một lựa chọn hành vi của cá nhân, người chủ có quyền lựa chọn hoặc không lựa chọn hành vi đó và không bị pháp luật điều chỉnh.
Tuy nhiên, từ thời điểm Nghị định 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi có hiệu lực vào tháng 4/2021, hành vi này được xếp vào nhóm bị cấm thực hiện.
Theo đó, Luật Chăn nuôi 2018, vật nuôi bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác được con người thuần hóa, chăn nuôi và nằm ngoài danh mục các loài động vật nguy cấp, quý hiếm được pháp luật bảo vệ. Điều 69 Luật này quy định tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau: Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh, trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y và không đánh đập, hành hạ vật nuôi. Như vậy, hành vi đánh đập, hành hạ vật nuôi là hành động bị cấm theo quy định của pháp luật.
Về chế tài, khoản 1, Điều 29 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định người đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm trên là 1 năm.
Bình luận (0)