Ngày 26.5, UBND tỉnh Kon Tum cho hay vẫn chưa xác lập quyền sở hữu toàn dân với số gỗ do ông Lê Quang Nam (45 tuổi, trú tại TT.Sa Thầy, H.Sa Thầy, Kon Tum) trục vớt tại H.Sa Thầy vào năm 2022.
Vẫn chưa được hỗ trợ chi phí
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Quang Nam cho hay, đã hơn 1 năm sau khi cơ quan chức năng thu giữ số gỗ, gia đình ông vẫn chưa được hỗ trợ chi phí đã bỏ ra để đào cây gỗ dưới ruộng.
Trước đó như Thanh Niên đã đưa tin: Ngày 23.3.2022, khi đang cải tạo ruộng cho gia đình ông A Khái (ở thôn Sơn An, xã Sa Sơn, H.Sa Thầy), ông Nam phát hiện 1 cây gỗ nằm sâu dưới lớp bùn khoảng 6 m. Ông Khái đã thỏa thuận để ông Nam lấy cây gỗ thay cho tiền công cải tạo ruộng. Do không am hiểu pháp luật nên ban đầu ông Nam tự ý đào cây gỗ lên.
Sau đó, Công an H.Sa Thầy đã phát hiện và đến kiểm tra. Lúc này vì thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến việc kiểm tra, xác minh nên tổ công tác đề nghị ông Nam giữ nguyên hiện trạng đợi ngừng mưa sẽ xử lý theo quy định.
Tối cùng ngày, ông Nam đã đưa người và phương tiện vào đào, lấy cây gỗ lên. Phát hiện sự việc, Công an H.Sa Thầy đã lập biên bản kiểm tra và mời ông Nam về trụ sở làm việc. Tại đây, ông Nam đồng ý sẽ bảo quản, giữ nguyên hiện trạng số gỗ trên.
Sau đó, ông Nam đã viết đơn gửi UBND xã Sa Sơn xin được trục vớt, tận dụng cây gỗ trên. UBND xã đã kiểm tra, xác minh và đồng ý cho phép ông Nam trục vớt nhưng không cho phép mua bán, trao đổi.
Ngày 7.4.2022, ông Nam vận chuyển cây gỗ trên về rẫy cao su gần đó. Khi Công an huyện đến kiểm tra thì ông Nam xuất trình giấy tờ do UBND xã Sa Sơn xác nhận về việc đào, trục vớt gỗ.
Đến ngày 20.5, do không thấy cơ quan chức năng xử lý, ông Nam đã đưa số gỗ trên đến một xưởng gỗ để gia công. Ngay khi ông Nam vận chuyển gỗ về đến xưởng thì lực lượng chức năng đến lập biên bản, tạm giữ số gỗ.
Đến ngày 8.7.2022, Công an H.Sa Thầy đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nam về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.
Điều đáng nói, cơ quan công an ra quyết định này khi chưa thực hiện xác lập quyền sở hữu đối với số gỗ ông Nam đã trục vớt. Theo các luật sư, việc ra quyết định xử phạt trên của Công an H.Sa Thầy là không đúng quy trình.
Xem nhanh 20h: Bản tin toàn cảnh ngày 26.5
Các cơ quan loay hoay xử lý
Để giải quyết dứt điểm vụ đào gỗ dưới ruộng, các sở ngành liên quan tại tỉnh Kon Tum đã phải tổ chức nhiều cuộc họp để tìm ra giải pháp. Đặc biệt, ngày 13.1.2023 Công an H.Sa Thầy tổ chức cuộc họp với các cơ quan gồm: Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum và UBND xã Sa Sơn để bàn bạc, giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, do các đơn vị không sắp xếp được thời gian nên đã thống nhất trao đổi bằng văn bản. Qua đó, Sở Tư pháp, Chi cục Kiểm lâm, UBND xã Sa Sơn và Công an H.Sa Thầy có cùng quan điểm về việc xử lý như sau: Các cơ quan này xác định số gỗ ông Nam trục vớt cần phải được xác lập quyền sở hữu toàn dân và Sở Tài chính phải là đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản.
Đến ngày 5.5 vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản yêu cầu Công an H.Sa Thầy rà soát, có văn bản báo cáo cụ thể về diễn biến vụ đào gỗ dưới ruộng. Từ đó củng cố, hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Tài chính Kon Tum để tham mưu, xử lý.
UBND tỉnh Kon Tum cũng giao Sở Tài chính Kon Tum phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản đối với số gỗ do ông Nam trục vớt theo quy định.
Ngày 26.5, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Sở Tài chính Kon Tum cho biết sở này đã nhận được báo cáo của công an, UBND H.Sa Thầy. Hiện đơn vị vẫn đang chờ ý kiến của Sở Tư pháp để hoàn tất các thủ tục tham mưu cho UBND tỉnh Kon Tum xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với số gỗ trên.
Về vấn đề ông Nam có nhận lại được chi phí đã bỏ ra khi trục vớt số gỗ hay không, vị này cho biết phải chờ các phòng chuyên môn đối chiếu các quy định hiện hành rồi mới trả lời được.
Bình luận (0)