Vụ đập nát để xây mới đền thờ Lý Chiêu Hoàng: Người dân đau lắm!

13/04/2009 00:04 GMT+7

Cán bộ cấp cơ sở và một số người dân phường Đình Bảng khẳng định đền Lý Chiêu Hoàng chưa xuống cấp, dột nát đến mức phải xây mới, trong khi đó Chủ tịch UBND phường Đình Bảng thì nói ngược lại và cho rằng: "Phải xây cho nó khang trang, đẹp đẽ". Mời nghe đọc bài

Nếu tỉnh không cho thì ông Vinh sẽ bỏ tiền túi...

Ngày 11.4, trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Thạc Vinh - Chủ tịch UBND phường Đình Bảng (là chủ đầu tư việc tu bổ đền) khẳng định: “Chúng tôi đầu tư xây mới toàn bộ đền thờ Lý Chiêu Hoàng vì trước đây đền này bị mục nát, dột lung tung hết rồi. Lần này, đền mới làm theo nguyên mẫu xưa toàn bằng gỗ lim thôi, đền Rồng trước kia không có tiền xây dựng nên gỗ lạt mục hết. Đền đã hư hỏng bao năm rồi, nên địa phương cũng quyết tâm đầu tư".

Vị lãnh đạo phường này còn bổ sung: "Hôm khởi công xây đền thì một lãnh đạo TP Hà Nội về dự và hứa cho một nửa tiền tu bổ là khoảng 1,5 tỉ đồng. Số tiền còn lại, ngân sách địa phương sẽ lo, nếu tỉnh Bắc Ninh không cho thì tôi sẽ bỏ tiền túi và ngân sách phường ra xây”. Ông Vinh nói thêm: "Cũng phải đập bỏ cổng đền cũ để xây cổng đền mới cho giống với dáng cổng ngày xưa" (!!!).

Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài viết phê phán việc đập bỏ để xây mới đền Lý Chiêu Hoàng, chúng tôi nhận được thông tin: một số người dân ở làng Đình Bảng phản ánh sự việc này cho Báo Thanh Niên đang bị cấp chính quyền địa phương có những lời nói đe dọa. Thậm chí, một lãnh đạo phường còn dọa “cách chức” một cán bộ cơ sở vì cho rằng cán bộ này để lộ tin cho các nhà báo. Chúng tôi đề nghị UBND thị xã Từ Sơn và tỉnh Bắc Ninh cần kịp thời kiểm tra ngay sự việc nêu trên.

Khi phóng viên Báo Thanh Niên hỏi về việc cơ quan chức năng nào đã cho phép phá bỏ ngôi đền cũ để xây đền mới, ông Vinh cho biết: “Vì đền Rồng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vừa được cấp bằng di tích tháng giêng năm 2009 mới đây, nên chỉ cần xin giấy thỏa thuận cho tu bổ di tích lịch sử của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh cấp phép là được. Việc cấp giấy thỏa thuận cho tu bổ cũng đơn giản lắm, tôi cũng chẳng nhớ ông giám đốc, phó giám đốc hay ông trưởng phòng cấp nào ký nữa”. Về kế hoạch xây mới ngôi đền, ông Vinh cho biết: “Dự kiến đến đúng hội đền Rồng ngày 23.9 âm lịch giỗ bà Lý Chiêu Hoàng năm nay thì cho khánh thành".

Vị chủ tịch phường này cũng phản bác những ý kiến trái chiều khi đập bỏ đền Lý Chiêu Hoàng: "Về việc xây mới đền Rồng thì phải nói lòng dân ở đây muốn xây chứ không phải là ý của cá nhân mình. Còn ông nào ở đây bảo rằng “cái nhà” này không cần xây dựng thì ông ấy không hiểu gì về đầu tư xây dựng, tôn tạo, bảo tồn. Vì cái gì mà thờ cúng các cụ thì phải xây cho nó khang trang đẹp đẽ, chứ không để cho nó thấp lè tè, mục nát (?!)”.

Đền không xuống cấp

Trao đổi thông tin với phóng viên Thanh Niên, một cán bộ cấp cơ sở ở phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh (không muốn đưa tên lên báo) cho biết: “Khi phá dỡ ngôi đền, người ta cũng đã thông báo cho chúng tôi và những người trong Ban quản lý di tích về việc dự án tu bổ đền Rồng đã được cấp trên phê duyệt. Rồi họ treo một tấm bảng lớn công khai ngay tại sân đền, nói rõ là công trình tu bổ đền Rồng và vẽ phối cảnh đằng trước của ngôi đền mới 5 gian, ghi rõ chủ đầu tư là phường và ghi tên các đơn vị tham gia tư vấn thiết kế và thi công. Khi họ động thổ, một số người dân góp ý: nếu các anh yêu cầu chúng tôi mang tượng vua bà Lý Chiêu Hoàng xuống nhà ngang thì đến hôm khởi công, đón quan khách về dự thì họ vái bức tường trống không à? Lúc ấy họ mới thôi”.

Đặc biệt, ông này khẳng định, đền thờ Lý Chiêu Hoàng không xuống cấp, dột nát như báo cáo của UBND phường Đình Bảng với cấp trên. Quanh năm, người dân vẫn tới đền Rồng cúng bái bình thường và đền cũng mới được nhân dân sửa sang, tu tạo lại để làm lễ đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa hồi đầu năm. Ông này nhận xét, nếu có tu sửa lớn thì cũng chỉ cần thay một lớp ngói cũ là đủ, các vì kèo, cột gỗ trong đền cũng chưa cần phải thay.

Phản ánh thêm thông tin về vụ đập bỏ để xây mới đền Lý Chiêu Hoàng, một vị cao niên ở làng Đình Bảng (cũng giấu tên) cho chúng tôi biết: “Nhiều dân làng đau lắm, vì ngôi đền trong ký ức của họ là một phần máu thịt. Nếu nói là đền bị mục mọt bên trong thì dân làng trước đó cũng đã góp tiền để sửa chữa những chỗ hư hỏng rồi, làm gì đến mức phải phá dỡ đền cũ để xây mới toàn bộ như họ đang làm. Thật không thể tưởng tượng được, họ vừa tổ chức linh đình lễ đón rước bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa xong là tiến hành phá dỡ luôn ngôi đền cổ”.

Ý kiến

Các vị có trình độ văn hóa không?

Tôi có đọc bài Vụ đập bỏ để xây mới đền thờ Lý Chiêu Hoàng: Tu bổ không thể là đập nát! và nhiều bài khác về các vụ đập bỏ, xây mới di tích lịch sử mà chua xót lòng. Thử hỏi các vị có trình độ văn hóa không? Có tầm nhìn cho con em mai sau không? Cách thức giữ gìn di tích lịch sử phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương vậy mà một công trình văn hóa lại giao cho phường tu bổ và đập phá, đến khi sự việc đã rồi huyện nói tỉnh, tỉnh nói Trung ương, Trung ương nói không biết... Tôi rất khâm phục Báo Thanh Niên đưa mạnh mẽ các bài về gìn giữ lịch sử này.

Phan Thanh Hùng (hoaloivinh@...)

Cách làm văn hóa của những kẻ thiếu văn hóa!

Về việc phá dỡ hoàn toàn di tích đền thờ Lý Chiêu Hoàng, chính là cách làm văn hóa của những kẻ thiếu văn hóa! Từ tu bổ trở thành đập phá để xây mới hoàn toàn chỉ có thể hiểu là sự tham lam đến mờ mắt không hiểu giá trị văn hóa ở đâu. Và kẻ phê duyệt cho hành động như thế nói một cách thẳng thắn cũng là dốt nát. Hãy nhìn các nước người ta bảo tồn di tích thế nào, từng hòn đá, cục gạch cũng cố giữ lại để giữ được hồn xưa.

Lê Quốc Tuấn (t.lequoctuan@...)

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.