Vụ “điện kế điện tử”: Người dân đang chờ đợi thái độ của chính quyền TP.HCM!

13/07/2005 23:44 GMT+7

*Trước khi lắp loại ĐKĐT kém chất lượng cho người dân, Công ty Điện lực TP đã lắp loại ĐKĐT rất tốt ở nhà các cán bộ lãnh đạo *Đề nghị xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của ông Lê Minh Hoàng - GĐ Công ty Điện lực TP *Ông Lê Minh Hoàng giải trình gì trước đoàn kiểm tra?

Cho đến thời điểm này, sau khi báo chí đưa ra những chứng cứ không thể chối cãi được xung quanh vụ “điện kế điện tử”, điều lạ lùng là chính quyền TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hề tỏ thái độ hoặc đưa ra bất cứ văn bản chỉ đạo xử lý nào. Chúng tôi đã gặp một vị lãnh đạo HĐND và một vị lãnh đạo UBND thành phố, nhưng cả hai đều né tránh không trả lời. Phóng viên Báo Thanh Niên đã gặp Phó chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP.HCM Lê Hiếu Đằng, ông Đằng tỏ ra rất bức xúc và tỏ thái độ thẳng thắn. Ông nói:

Ông Lê Hiếu Đằng. ảnh: D.Đ.M

- Trước hết, tôi xin hoan nghênh báo chí đã đứng về phía người dân, đưa ra ánh sáng những hành vi vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Điện lực (CTĐL) TP. Theo tôi, từ những sai phạm đã quá rõ như vậy, các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp mạnh, nghiêm trị những kẻ đã cố tình phạm pháp và tham nhũng, mà trách nhiệm cụ thể là ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc CTĐL TP.HCM. Trước mắt, để bảo vệ quyền lợi của người dân, cần thu hồi ngay số ĐKĐT kém chất lượng đã lắp đặt, thay bằng loại điện kế chất lượng, đồng thời xem xét cụ thể từng trường hợp thiệt hại của người dân để có hướng bồi thường, không để quyền lợi của người dân bị xâm phạm. Không có lý gì khi người dân vi phạm thì bị ngành điện phạt, còn bây giờ chính ngay ngành điện vi phạm nghiêm trọng như vậy mà lại không bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Đứng về góc độ pháp luật, theo tôi những gì báo chí nêu ra với chứng cứ đã rõ ràng như vậy cho thấy chắc chắn đã có dấu hiệu phạm pháp và tham nhũng. Vì vậy, tôi rất đồng ý với ý kiến là phải nhanh chóng chuyển vụ tiêu cực này qua cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý. Ngay sáng 12.7, trong hội nghị của khối văn hóa - xã hội của MTTQ Việt Nam TP.HCM với các đoàn thể thành viên, các đại biểu cũng nhất trí là phải làm rõ vụ việc này và cần nghiêm trị những kẻ tham nhũng, tiêu cực tại CTĐL TP.

* Thưa ông, vụ việc này một lần nữa cho thấy cơ chế độc quyền, cửa quyền của ngành điện mà lâu nay người dân ta thán?

- Đúng, việc độc quyền của ngành điện đã sinh ra những tệ nạn như vậy. Cho nên, cần phải phá vỡ cơ chế độc quyền này thì người dân mới "dễ thở", không bị phiền nhiễu. Còn nếu khi chưa phá vỡ được độc quyền thì phải thiết lập ngay cơ chế giám sát của người dân và vai trò quản lý của Nhà nước. Tôi theo dõi báo chí thấy nói đến cách làm của CTĐL TP là rất cửa quyền và hách dịch. Tại sao lại còn để cho tồn tại những vấn đề này khi chúng ta đã bước qua thế kỷ 21? Tại sao khi CTĐL TP chưa thông qua Sở Công nghiệp mà đã đưa ĐKĐT vào lắp đặt đại trà? Như vậy là đối với dân thì không tốt, mà cũng coi thường sự quản lý của Nhà nước. Ông Hoàng (ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc CTĐL) trả lời báo chí rằng, ông bị Linkton Singapore lừa, nhưng chính ông mới là người lừa dối người dân. Chính tôi cũng là một trong số rất nhiều nạn nhân trực tiếp của CTĐL, và tôi yêu cầu cần phải có sự thay đổi trong cung cách quản lý, đối xử với khách hàng của ngành điện hiện nay.

* Thưa ông, để bảo vệ quyền lợi của người dân, UB MTTQ Việt Nam TP.HCM sẽ tỏ thái độ như thế nào trước vụ việc này?

- Trước hết, trong thông báo của UB MTTQ Việt Nam TP.HCM sắp tới trước kỳ họp Hội đồng Nhân dân TP vào ngày 19.7, chúng tôi sẽ đề nghị HĐND và UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết làm rõ và xử lý nghiêm minh vụ tiêu cực này, không để cho vụ việc bị "chìm xuồng". Trong vài ngày qua, khi tiếp xúc với người dân tại cơ quan MTTQ hoặc trong hội nghị sáng 12.7, nhiều đại biểu cũng đã nói rằng nếu không làm đến nơi đến chốn vụ này mà để chìm xuồng thì việc kêu gọi chống tham nhũng chỉ là nói suông. Điều mà nhiều người cũng thắc mắc là cho đến nay, lãnh đạo UBND TP vẫn chưa có một ý kiến hoặc văn bản cụ thể nào để chỉ đạo xử lý vụ này cả. Riêng tôi, với tư cách cá nhân và đồng thời là thành viên Ban Thường trực của UB MTTQ Việt Nam TP.HCM - đơn vị giới thiệu đại biểu ra ứng cử Quốc hội - tôi không còn tín nhiệm ông Lê Minh Hoàng - Giám đốc CTĐL TP trong tư cách đại biểu Quốc hội nữa và tôi đề nghị cũng xem xét lại tư cách đại biểu Quốc hội của ông Hoàng. Cơ sở để tôi nói điều này là vì ông Hoàng là một giám đốc, một đại biểu Quốc hội mà lại vi phạm nghiêm trọng như vậy, ông Hoàng lại còn góp vốn hàng tỉ đồng vào công ty tư nhân và lợi dụng quyền lực của mình để làm ăn. Ai cũng biết rằng qua thương vụ kinh doanh ĐKĐT này, doanh thu của các công ty trúng thầu là rất lớn. Chưa kể, theo tôi được biết, trước khi lắp đặt ĐKĐT kém chất lượng đại trà sản xuất tại Phú Nhuận cho người dân, CTĐL TP đã lắp đặt một số ĐKĐT nguyên gốc sản xuất tại Singapore cho gia đình một số cán bộ lãnh đạo và loại ĐKĐT này rất tốt. Có thể nói đây là thủ đoạn rất tinh vi của CTĐL TP để qua mắt các vị lãnh đạo. Tôi cũng đề nghị kiểm tra các công ty của các gia đình quan chức lãnh đạo của CTĐL TP. Theo tôi được biết, có nhiều quan chức, cán bộ của ngành điện TP cũng làm ăn theo kiểu như vậy, gây rất nhiều dư luận không tốt trong nhân dân.

Trần Thanh Bình
(thực hiện)

Ông Lê Minh Hoàng giải trình gì trước đoàn kiểm tra?

Lần đầu tiên các phóng viên được chứng kiến đoàn kiểm tra Bộ Công nghiệp kiểm tra đối chứng ĐKĐT ở Trung tâm Thí nghiệm điện. ảnh: H.S

Ngày 13.7, những chuyện mờ ám của vụ đấu thầu ĐKĐT ở Công ty Điện lực TP bắt đầu hé mở khi ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc Công ty Điện lực TP có bản giải trình trước đoàn kiểm tra Bộ Công nghiệp.

Ông Hoàng đã không giải trình toàn bộ nội dung vụ việc mà chỉ trả lời một số thắc mắc liên quan đến việc mất 4 bộ chứng từ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O) của các bộ hợp đồng 03, 04, 05 và 19. Lý do được ông Hoàng đưa ra là: khi trình ký thanh toán, chuyên viên của ông báo cáo là có đầy đủ chứng từ. Vì tin tưởng vào nghiệp vụ lâu năm của chuyên viên và trong suốt thời gian dài sau đó không nghe chuyên viên này và các phòng ban báo cáo lại việc mất 4 bộ C/O nên cứ đinh ninh là đầy đủ, cho đến khi kiểm tra hồ sơ để cung cấp cho đoàn kiểm tra thì phát hiện ra đã mất...(?). Tiếp theo, ông Hoàng giải trình rằng: theo hợp đồng, nhà cung cấp hợp pháp là Linkton Singapore; hợp đồng cũng quy định hàng giao đến kho người mua. Tuy nhiên, do chuyên viên không để ý đơn vị nào giao hàng, chỉ thực hiện theo thông lệ từ trước đến nay đối với các hợp đồng nhập khẩu giao hàng đến kho và căn cứ giấy thông báo giao mà thôi (?). Có nghĩa là, với "thông lệ" như vậy, hàng kém chất lượng, sai hợp đồng của Linkton Vina cứ vô tư giao vào kho của Công ty Điện lực TP. Càng khó hiểu và buồn cười hơn nữa là cho dù có phải qua bao nhiêu là khâu quản lý hành chính, chuyển giao xuống điện lực quận huyện, triển khai lắp đặt cho dân trong hơn một năm trời mà số ĐKĐT trên vẫn được lãnh đạo Công ty Điện lực TP đinh ninh là... hàng nhập khẩu (?). Về vấn đề vì sao lại ký đến 14 hợp đồng mua ĐKĐT của Linkton Singapore, ông Hoàng giải thích rằng đó là do dựa trên nhu cầu và có sự đề xuất của các phòng ban liên quan; hợp đồng đã ký trước đó trong cùng năm với giá không đổi.... Còn vì sao không cung cấp hồ sơ, chứng từ nhập khẩu cho đoàn kiểm tra thì ông Hoàng cho biết tờ khai hải quan và các vận đơn không thể có được do nhà thầu (Công ty Linkton Singapore) không cung cấp (?). Thế nhưng, ai cũng hiểu rằng, hàng "made in Phú Nhuận" thì làm gì có hồ sơ, chứng từ nhập khẩu !

Thực chất, trong thông báo trúng thầu cung cấp ĐKĐT 3 pha và 1 pha số 160/EVNĐLHCM-HTQT ngày 14.1.2004 với Công ty Linkton Singapore, Công ty Điện lực TP ghi rõ là "rất hài lòng thông báo rằng hồ sơ dự thầu của Linkton được đánh giá trúng thầu ký kết hợp đồng cung cấp vật tư thiết bị được sản xuất bởi EDMI/ Singapore". Tuy nhiên, khi ký hợp đồng cụ thể với Linkton Singapore, Công ty Điện lực TP lại thỏa thuận là "ĐKĐT sản xuất tại Singapore bởi nhà sản xuất Linkton". Cuối cùng, khi giao hàng thì lại là ĐKĐT do Linkton Vina lắp ráp tại... Phú Nhuận. Vậy thì Công ty Điện lực TP có phải đã "bị lừa" như ông giám đốc công ty nói hay chính là người đạo diễn, chủ động toàn bộ vụ việc? Chính vì vậy, một số thành viên trong đoàn kiểm tra đã tiếp tục yêu cầu Công ty Điện lực TP phải cung cấp toàn bộ hồ sơ đấu thầu.

Buổi chiều, đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối chứng tham khảo 20 điện kế trong đó có 10 ĐKĐT tại Trung tâm Thí nghiệm điện của... Công ty Điện lực TP. Lần đầu tiên trong 7 ngày qua, các phóng viên báo đài được "mở cửa" thoải mái gặp các thành viên trong đoàn kiểm tra. Ông Trưởng đoàn Đỗ Quang Vinh tỏ ra rất mệt mỏi nhưng vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm là chỉ xem xét từ hợp đồng kinh tế chứ không kiểm tra phần đấu thầu, dù trong quyết định thành lập đoàn kiểm tra Bộ Công nghiệp ghi rõ đó là một trong 3 nội dung mà đoàn phải làm. Ông Vinh cũng cho rằng việc Công ty Điện lực TP không đăng ký điện kế mẫu là vi phạm quy định, kéo theo việc lắp đặt trên lưới hàng trăm ngàn ĐKĐT là không đúng. Còn việc xử lý là tùy vào quy định của pháp luật.

Điều gần như được các nhà báo, thành viên trong đoàn kiểm tra biết trước là kết quả kiểm tra đối chứng cả 20 điện kế trong đó có 10 ĐKĐT lấy từ kho Điện lực Gia Định đều... đạt chất lượng, sai số trong mức cho phép. Trong đó, 10 ĐKĐT thử ở 5 chế độ tải đều cho sai số rất nhỏ (cao nhất chỉ 0,59%, thấp nhất là -0,80%). "Kết quả này chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố đánh giá chất lượng điện kế", ông Đỗ Quang Vinh nói. Ngày mai, tổ đo lường tiếp tục kiểm tra 20 ĐKĐT vừa tháo ra ở các hộ dân trong ngày 13.7. Đây là các ĐKĐT đã được sử dụng vài tháng nay, những hộ dân sử dụng các ĐKĐT này cho biết nó chạy với tốc độ "phi mã".

Hùng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.