Vụ 'Diệp Dũng chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước': Đề nghị xem xét vật chứng tại tòa

Phan Thương
Phan Thương
06/04/2022 10:14 GMT+7

Luật sư (LS) và bị cáo Diệp Dũng đề nghị hoãn phiên tòa để triệu tập thêm người tham gia; đồng thời đề nghị HĐXX đưa vật chứng vụ án ra xem xét tại phiên tòa, để xác định bị cáo có phạm tội hay không.

Hôm nay (6.4), TAND TP.HCM đã hoãn xét xử sơ thẩm bị cáo Diệp Dũng (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM - Saigon Co.op) về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”.

Bị cáo Diệp Dũng được cơ quan tố tụng (CQĐT, Viện KSND TP.HCM) xác định liên quan đến nhiều sai phạm tại Saigon Co.op

CHỤP MÀN HÌNH

Hai bị cáo còn lại của vụ án: Nguyễn Hoài Bắc, Lê Thị Phương Hồng (42 tuổi, kinh doanh tự do) bị xét xử về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.

Vụ án dự kiến được xử kín, do thẩm phán Trần Minh Châu làm chủ tọa.

Lý do hoãn xử: trước khi mở phiên tòa, bị cáo Diệp Dũng và luật sư bào chữa cho bị cáo này đều có đơn xin hoãn.

Đồng thời, LS bào chữa cho Diệp Dũng tiếp tục gửi đơn kiến nghị lần 3 đến các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị triệu tập thêm một số cá nhân tham gia phiên tòa; và đưa vật chứng ra xem xét tại phiên tòa.

Đề nghị triệu tập điều tra viên, cán bộ điều tra

Cụ thể, theo LS, hồ sơ vụ án thể hiện giữa bà H.M.H (Giám đốc tài chính của Saigon Co.op) và Nguyễn Hoài Bắc (37 tuổi, cựu cán bộ công tác tại Phòng An ninh kinh tế - Công an TP.HCM) nhiều lần trao đổi tin nhắn qua Zalo, email. Cho rằng những vấn đề này quan trọng, nên LS đề nghị triệu tập bà H. để làm rõ. Bên cạnh đó, LS đề nghị triệu tập thêm điều tra viên và cán bộ điều tra liên quan vụ án để làm rõ một số nội dung trong quá trình điều tra.

Ngoài ra, theo LS, cáo trạng và kết luận điều tra đều nêu bị cáo Diệp Dũng chiếm đoạt 5 tài liệu bí mật nhà nước. Cho rằng 5 tài liệu này là vật chứng quan trọng nhất của vụ án nhưng không được đưa vào hồ sơ vụ án, cũng không được HĐXX đưa ra xem xét tại phiên tòa để xác định bị cáo có phạm tội hay không là không phù hợp; trong khi ở kết luật điều tra bổ sung, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) nêu rõ “nếu trong quá trình xét xử, TAND TP.HCM yêu cầu cung cấp thì Cơ quan ANĐT sẽ cung cấp theo đúng quy định”.

Vì những lý do nêu trên, LS đề nghị HĐXX cần thiết phải đưa vật chứng của vụ án ra xem xét tại phiên tòa.

Trước đó, ngày 14.1, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu Viện KSND TP.HCM (Viện KSND) làm rõ một số nội dung. Tuy nhiên, sau khi điều tra bổ sung, Viện KSND vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố.

Diệp Dũng khai có người cung cấp thông tin quá trình điều tra

Theo cáo trạng, tháng 12.2020, bị cáo Diệp Dũng bị Cơ quan ANĐT Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “lạm quyền trong thi hành công vụ” để điều tra vụ sai phạm trong việc bất ngờ tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỉ đồng lên 6.797 tỉ đồng tại Saigon Co.op.

Quá trình điều tra sai phạm xảy ra tại Saigon Co.op, bị cáo Dũng khai có người cung cấp thông tin quá trình điều tra vụ việc Saigon Co.op cho bị cáo. Theo đó, Cơ quan ANĐT phát hiện các tin nhắn SMS từ 2 số điện thoại gửi cho bị cáo Diệp Dũng có nội dung liên quan đến tiến độ kiểm tra, xác minh tin báo tội phạm xảy ra tại Saigon Co.op.

Từ lời khai của bị cáo Diệp Dũng, Công an TP.HCM làm việc với các cán bộ tham gia tổ điều tra, xác minh vụ việc sai phạm tại Saigon Co.op, và bị cáo Nguyễn Hoài Bắc (thành viên tổ xác minh) thừa nhận đã cung cấp thông tin quá trình xác minh vụ việc cho Lê Thị Phương Hồng (người sống chung như vợ chồng với bị cáo Bắc - PV).

Từ thông tin bị cáo Bắc cung cấp, Hồng đã cung cấp cho Diệp Dũng một số thông tin có trong báo cáo tiến độ giải quyết và kết quả quá trình xác minh vụ việc sai phạm tại Saigon Co.op - là những thông tin thuộc chế độ “mật” theo quy định pháp luật.

Trường hợp nào tòa án xét xử kín?

Theo Điều 25, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tòa án xét xử công khai; mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.