Vụ Diệp Dũng 'chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước': Luật sư kiến nghị nhiều vấn đề

Phan Thương
Phan Thương
18/03/2022 09:13 GMT+7

Theo dự kiến, vụ án "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" liên quan đến bị cáo Diệp Dũng và một cựu cán bộ Công an TP.HCM sẽ được xét xử sơ thẩm vào ngày 6.4 tới.

Dự kiến, ngày 6.4 tới, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo Diệp Dũng (53 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP.HCM - Saigon Co.op) về tội “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. 2 bị cáo còn lại của vụ án: Nguyễn Hoài Bắc (37 tuổi, cựu cán bộ công tác tại Phòng An ninh kinh tế, Công an TP.HCM), Lê Thị Phương Hồng (42 tuổi, kinh doanh tự do) bị xét xử về tội “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.

Ông Diệp Dũng sai phạm trong việc tăng vốn điều lệ tại Saigon Co.op

Trước đó, ngày 14.1.2022, TAND TP.HCM đã trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu Viện KSND TP.HCM làm rõ một số nội dung, gồm: bị can Diệp Dũng kêu oan, cho rằng không có hành vi phạm tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 337 của bộ luật Hình sự; yêu cầu xác định các tài liệu nào thuộc độ mật, độ tối mật theo Quyết định số 41/QĐ-TTg ngày 29.5.2020 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Danh mục bí mật Nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để có căn cứ truy tố bị can; làm rõ bản kiến nghị của các luật sư bào chữa cho bị can.

Sau khi điều tra bổ sung, Viện KSND TP.HCM tiếp tục giữ nguyên quan điểm cáo trạng truy tố ông Diệp Dũng và các bị can khác.

Luật sư kiến nghị đối với vụ án

Vì vậy, trước khi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Diệp Dũng) tiếp tục gửi kiến nghị đến TAND TP.HCM, Viện KSND TP.HCM, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.HCM, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa sơ thẩm về việc đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng xem xét một số vấn đề liên quan tố tụng, đánh giá bản chất vụ án, hành vi khách quan và nhận thức chủ quan của ông Diệp Dũng, so với cáo trạng đã truy tố ông.

Cụ thể, theo luật sư Phan Trung Hoài, việc Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) để các tài liệu dùng làm căn cứ chứng minh hành vi phạm tội (các văn bản chứa thông tin mật, những tài liệu được bảo quản theo chế độ mật), để ngoài hồ sơ vụ án, chỉ cung cấp nếu tòa án có yêu cầu là không đúng quy định của pháp luật, làm hạn chế quyền tiếp cận chứng cứ, tài liệu nhằm bào chữa cho ông Diệp Dũng.

Ngoài ra, về căn cứ quy buộc trách nhiệm hình sự đối với ông Diệp Dũng, theo luật sư Phan Trung Hoài, theo hồ sơ vụ án, bị can Lê Thị Phương Hồng là người chủ động ghi lại số điện thoại của ông Diệp Dũng từ bị can Bắc (là người yêu của Hồng – PV) để thông tin một số nội dung có trong báo cáo tiến độ giải quyết và kết quả quá trình xác minh vụ việc sai phạm tại Saigon Co.op, là những thông tin thuộc chế độ “Mật”, “Tối mật” theo quy định pháp luật. Theo Hồng khai, mục đích của Hồng cung cấp tin tức cho ông Dũng, muốn ông Dũng giới thiệu mối cung cấp hàng giá rẻ (vì Hồng có 2 tiệm tạp hóa nhỏ) để tiện cho việc kinh doanh kiếm thêm thu nhập.

Như vậy, ngay từ đầu, ông Diệp Dũng không biết Lê Thị Phương Hồng là ai, ông Dũng hoàn toàn bị động trong việc Hồng liên hệ với mình. Hơn nữa, quá trình bà Hồng cung cấp thông tin, theo hồ sơ vụ án ghi nhận, ông Diệp Dũng cho biết quan điểm của mình là “tin tưởng vào quá trình điều tra và kết luận của cơ quan có thẩm quyền, nếu kết quả điều tra theo chiều hướng xấu thì sẽ báo cáo cấp trên xin xem xét lại”.

Có phải thông tin mật, tối mật hay không?

Bên cạnh đó, bản kiến nghị của luật sư nêu, kết luận điều tra và cáo trạng đánh giá những thông tin mà bị can Hồng cung cấp cho ông Diệp Dũng có một số thông tin chứa trong tài liệu mật, tối mật, là kết quả của quá trình vụ Saigon Co.op. Song, theo luật sư, những thông tin liên quan Hồng có được là do đã đọc từ tài liệu liên quan đến vụ Saigon Co.op mà Nguyễn Hoài Bắc mang về nhà Hồng (bỏ trong cặp) và sau đó Hồng ghi chép lại vào cuốn sổ màu đen thực tế là “bí mật điều tra”. Đồng thời, các thông tin nêu trong cáo trạng hoàn toàn đã được chuyển hóa thành nội dung tin nhắn mang tính diễn giải và thể hiện suy nghĩ chủ quan của Hồng, không phải là thông tin, tài liệu mật hay tối mật.

Luật sư Phan Trung Hoài cũng nêu trong kiến nghị rằng, muốn “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, trước hết người phạm tội phải chiếm đoạt tài liệu có thông tin bí mật Nhà nước. Song, kết luận điều tra và cáo trạng đã không chỉ ra được các tài liệu chứa đựng thông tin bí mật Nhà nước trong vụ án này thuộc danh mục nào trong quyết định công bố của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Công an.

Hiện bị cáo Diệp Dũng đang bị tạm giam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.