(TNO) Trong khoảng sân chưa đầy 40 m2 của Hội quán Đời Rất Đẹp (Trung tâm khuyết tật và phát triển, DRD, 91/8E Hoà Hưng, quận 10, TP.HCM), khi tiếng nhạc xập xình vang lên cũng là lúc hàng chục vũ công khuyết tật ngồi trên xe lăn hòa cùng những vũ điệu sôi động.
|
Những vũ công đặc biệt
Hơn 18 giờ tối, tiếng nhạc vang lên nhịp nhàng trong khoảnh sân nhỏ, những người khuyết tật bỗng chốc hóa thành những vũ công thực thụ. Ít ai lại nghĩ, những con người phải chịu nhiều thiệt thòi từ số phận khi khiếm khuyết đôi chân như họ lại có thể phiêu cùng những vũ điệu Dancesport nhịp nhàng đến như vậy.
Trên chiếc xe lăn quen thuộc, chị Vũ Thị Kim Thủy (37 tuổi) đưa hai cánh tay mềm mại lên cao, miệng cười theo tiếng nhạc. Chị Thủy chia sẻ, lớp khiêu vũ trên xe lăn dành cho người khuyết tật đã thành lập gần 5 tháng và chị là một trong những học viên đầu tiên. Đôi chân bị yếu bẩm sinh, không thể vận động mạnh nên ngay từ nhỏ, cuộc sống của chị gặp không ít khó khăn. Từ khi biết đến lớp học này, mỗi ngày chị đều tự mình lặn lội hơn nửa tiếng đồng hồ từ quận 8 để đến lớp.
|
Một học viên đặc biệt khác của lớp là chị Trương Thảo Vy. Dáng người nhỏ nhắn lọt thỏm trên chiếc xe lăn nhưng chị Vy vẫn điệu đà lắc lư, uốn lượn theo từng điệu nhảy.
Chị Vy chia sẻ, chị ở tận Cần Giuộc, Long An, năm chị 3 tuổi, sau một lần sốc thuốc, chị bị bại liệt, đôi chân co quắp không thể di chuyển được phải sử dụng xe lăn. Cách đây hơn 3 tháng, chị tình cờ biết đến lớp khiêu vũ ý nghĩa dành cho người khuyết tật nên tìm đến đăng ký. Mấy tháng qua, dù đường sá xa xôi nhưng đều đặn mỗi tuần hai ngày chị đều đến học nhảy tại lớp.
“Những lúc học nhảy, mình thực sự thấy cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều. Ở đây, mình không chỉ được “phiêu” cùng những vũ điệu mà còn được vận động giúp tăng cường sức khỏe, được giao lưu, chia sẻ với nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ nên mình thấy vui vẻ hơn nhiều. Từ ngày học nhảy, mình thấy như được thoát khỏi 'vỏ ốc' của chính mình, không còn mặc cảm nữa”, chị Vy vui vẻ nói.
Không chỉ chị Thuỷ và chị Vy, ở lớp khiêu vũ tại Hội quán Đời Rất Đẹp còn rất nhiều vũ công đặc biệt. Hơn 20 con người là hơn 20 hoàn cảnh, hơn 20 câu chuyện đời. Họ không có những đôi chân lành lặn nhưng đến với lớp khiêu vũ họ đều có chung một ước mơ được thỏa thích “phiêu” trên đôi cánh của chính mình.
Lớp học kết nối những trái tim
Trên sân khấu rộng chừng vài m2, với những động tác uyển chuyển và điêu luyện, Vũ sư Đinh Thanh Hiếu mở những bài nhạc sôi động và nhảy làm mẫu cho các học viên nhảy theo. Thầy Hiếu chính là người mở lớp học khiêu vũ trên xe lăn dành cho những người khuyết tật và cũng là người trực tiếp chỉ dạy những vũ công đặc biệt của lớp những động tác, vũ điệu.
Hỏi về những vất vả khi mở lớp khiêu vũ, Hiếu kể: cách đây hơn 3 năm, khi còn du học tại Úc, anh có cơ hội làm quen với bộ môn khiêu vũ dành cho những người khuyết tật. Chứng kiến những người khuyết tật tại Úc sống vui vẻ, hòa đồng hơn với mọi người sau khi học nhảy, Hiếu ấp ủ ước mơ sẽ mang bộ môn này về phổ biến cho những người thiếu may mắn trên đất nước mình. Chính vì vậy, những ngày du học tại Úc, ngoài giờ học trên giảng đường, Hiếu đã tích cực tham gia các chương trình đào tạo khiêu vũ trị liệu cho người khuyết tật. Khi về nước, anh chủ động liên hệ với Trung tâm khuyết tật và phát triển tại TP.HCM để xin được mở lớp miễn phí.
|
Bên cạnh việc tìm kiếm địa điểm mở lớp, việc thiết kế những động tác dành riêng cho những vũ công khuyết tật cũng rất mất thời gian. Thời gian đầu, Hiếu phải tìm hiểu rất kỹ để có thể hiểu rõ hơn về những những khuyết tật. Thậm chí, để có được những bài nhảy, những động tác phù hợp với các học viên như bây giờ, Hiếu đã trực tiếp ngồi lên những chiếc xe lăn và nghiên cứu từng tư thế.
Vượt qua những khó khăn bước đầu, đến nay, lớp khiêu vũ của thầy Hiếu đã hoạt động được gần 5 tháng và ngày càng thu hút được nhiều người khuyết tật tham gia.
Hiếu tâm sự: “Khi mở lớp học này, mình muốn tạo cho những người khuyết tật một nơi để họ được giao lưu, được gặp gỡ với mọi người, giúp họ kết nối với cuộc sống, kết nối với xã hội. Được nhìn thấy các bạn vui vẻ, tự tin nhảy trên những chiếc xe lăn mình rất vui. Với người lành lặn, việc thực hiện những động tác khiêu vũ đã khó chứ nói gì đến những người khuyết tật. Để có thể thực hiện được các động tác nhảy như hôm nay, các bạn ấy đã phải cố gắng gấp nhiều lần người bình thường”, Hiếu tâm sự.
Với nhiều học viên ở lớp khiêu vũ, Hiếu không chỉ là người thầy mà còn là người bạn thân thiết. Chị Nguyễn Thị Huỳnh Lê, một học viên trong lớp, chia sẻ: “Thầy Hiếu tốt bụng và nhiệt tình lắm. Dù bận rộn với công việc nhưng thầy luôn sắp xếp thời gian tới đây dạy bọn chị khiêu vũ hoàn toàn miễn phí. Đã vậy thầy còn rất quan tâm đến những học viên ở đây. Từ ngày học nhảy chị cảm thấy vui vẻ, cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều, lớp học thực sự là nơi để mình được là chính mình và được kết nối với mọi người”.
Bài, ảnh: Đình Tuyên
>> Vũ điệu xe lăn
>> Tạo sân chơi âm nhạc cho người khuyết tật
>> Tuyên dương người khuyết tật và trẻ mồ côi tiêu biểu
Bình luận (0)